Ký ức và hiện thực Vũng Rô
Sáng tháng Tư lịch sử, từ đỉnh Đèo Cả trên huyết mạch giao thông xuyên Việt nhìn xuống phía Đông là vịnh Vũng Rô nằm giữa dãy núi hình vòng cung. Nơi ấy có một thời lửa đạn gắn liền với huyền thoại những con tàu không số vận chuyển vũ khí theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào bến Vũng Rô chi viện chiến trường Nam Trung bộ. Và trong thời bình, diện mạo kinh tế - xã hội vùng đất này đổi mới, phát triển với nhiều kỳ vọng mới trên chặng đường phía trước…
Một thời chiến tranh
Đã gần 90 tuổi, tóc bạc trắng theo thời gian nhưng phong cách của Anh hùng, Trung tá Hồ Đắc Thạnh vẫn đậm chất lính biển. Từng làm thuyền phó, thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số, trong đó 3 chuyến tàu vận chuyển gần 200 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô, người cựu binh già nhớ lại: “Chuyến thứ nhất, tàu 41 chở 65 tấn vũ khí vào Vũng Rô đêm 28/11/1964, nhưng không bốc hết để rời bến trước 3h sáng, trong khi nơi này chỉ có một cửa ra vào và không nơi trú ẩn, nên phải huy động bộ đội, dân công địa phương chặt cây rừng phủ lên những tấm lưới giăng từ chân núi ra, che kín thân tàu thành “mỏm núi”, chờ đến nửa đêm hôm sau mới rời bến. Lần thứ ba, tàu 41 chở hơn 60 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô trong đêm 30 Tết Ất Tỵ (1/2-1965). Khi ông Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lên tàu cũng là lúc radio ở phòng báo vụ âm vang lời chúc Tết thân thương, ấm áp của Bác Hồ kính yêu trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Gần 3h sáng mùng 1 Tết, tàu sắp rời bến thì nữ dân công Nguyễn Thị Tản trao cho tôi nắm đất gói trong khăn tay, bày tỏ: “Xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu ra Bắc. Dù mảnh đất này bom cày, đạn xới, chúng tôi vẫn vững niềm tin chiến thắng khi đã có vũ khí chi viện từ miền Bắc thân yêu”. Bây giờ nắm đất đó lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân Việt Nam, hình ảnh trao nhận nắm đất được tái hiện bằng bức tượng đồng tại Nhà truyền thống Lữ đoàn Hải quân 125 ở TP Hồ Chí Minh”.
Sinh thời, ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ty Công an Phú Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kể lại rằng, thời ấy địch càn quét ráo riết đồng bằng Tuy Hòa và phong tỏa Đèo Cả để cách ly Vũng Rô, nhiều ngày bộ đội, dân công phải ăn sung rừng, nên chuyến thứ hai tàu 41 chở theo 3 tấn gạo thơm Bộ Tư lệnh Hải quân gửi tặng dân quân bến Vũng Rô. Chuyến thứ ba chở theo bánh chưng, trà Thái Nguyên, bia Trúc Bạch, thuốc lá Điện Biên... để cùng dân quân Vũng Rô đón Tết Ất Tỵ.
Khi tàu 41 rời Vũng Rô thì tàu 143 do ông Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng cùng 17 thủy thủ chở 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu, tỉnh Bình Định. Do có nguy cơ mất an toàn nên Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo tàu 143 chuyển hướng vào Vũng Rô đêm 15/2/1965. Bộ đội, dân công bốc dỡ vũ khí trước 3h30 sáng 16/2/1965 thì hệ thống kéo neo của tàu bị hỏng, đến 5h sáng mới sửa xong. Ra biển dễ bị lộ, nên tàu 143 neo lại Bãi Chùa, giăng lưới, phủ lá rừng che kín tàu nối liền với núi. Đến sáng hôm đó, phi công Mỹ lái trực thăng từ Quy Nhơn vào Sài Gòn phát hiện “mỏm núi” lạ nên Bộ Tư lệnh Vùng II Quân lực Việt Nam Cộng Hòa điều máy bay chụp ảnh và nhận ra khác biệt với những tấm ảnh trước đó.
Chiều cùng ngày, địch huy động máy bay bắn rocket cháy lá ngụy trang, tàu 143 chao nghiêng, không thể kích hoạt chất nổ bên trong. Đại đội K60 cùng dân quân địa phương kiên cường đánh trả các cuộc tấn công của địch, vận chuyển nửa tấn thuốc nổ phá hủy tàu trong đêm 17/2/1965. Từ đó bến Vũng Rô khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc. Riêng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh tiếp tục chỉ huy 2 chuyến tàu vào Quảng Ngãi, Cà Mau. Khi chở 40 tấn vũ khí vào bến Phổ An (Quảng Ngãi) đêm 27/1/1966, tàu 41 hư hỏng chưa kịp khắc phục thì tàu chiến địch bao vây, toàn bộ thủy thủ bơi vào bờ đồng thời kích hoạt chất nổ phá tàu. Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ hy sinh, ông Thạnh cùng 18 thủy thủ ngược đường Trường Sơn về Hải Phòng, tiếp tục làm lính biển…Từ những kỳ tích vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, ngày 11/1/1973, tàu 41 được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).
Sau năm 1975, Trung tá Hồ Đắc Thạnh làm Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đến năm 1984 nghỉ hưu ở phường 5, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Ngày 10/10/2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011).
Một thời hòa bình
47 năm qua, diện mạo kinh tế - xã hội Vũng Rô và vùng đất phía Nam tỉnh Phú Yên thật sự đổi mới và phát triển. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa cho biết, ngoài cung đường Đèo Cả và đường sắt xuyên Việt đã có từ lâu, sau gần 6 năm đầu tư xây dựng, hầm đường bộ Đèo Cả kết nối Phú Yên - Khánh Hòa khai thác cuối tháng 8/2017, trong đó hầm Đèo Cả 4.125m và hầm Cổ Mã 500m, không chỉ rút ngắn khoảng cách, thời gian và xóa nỗi lo hiểm họa giao thông đèo dốc quanh co, bên vách núi, bên vực sâu, mà còn nối với Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa). Cạnh đó là QL29 nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên từ cảng biển Vũng Rô công suất 500.000 tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng đến 250.000 DWT. Đây là đầu mối giao thông đường biển duy nhất ở Phú Yên gắn với Khu Công nghiệp Hòa Hiệp. T
uyến đường ven biển Đông Hòa mở ra tầm nhìn mới, thu hút nhiều nhà đầu tư đô thị, du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Những năm gần đây, tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thị xã Đông Hòa tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ và du lịch mở rộng, kinh tế thủy sản phát triển mạnh, giáo dục – đào tạo, thể thao – văn hóa, y tế… luôn được chú trọng, đời sống người dân thật sự nâng cao.
Bên đường đèo Cả có 2.071 bậc thang leo núi dài 2,5km xây dựng năm 2001, thu hút du khách lên Đá Bia ở độ cao 706m. Đó là khối đá khổng lồ vươn cao 76m, còn gọi là Thạch Bi Sơn - một biểu tượng của Phú Yên với nhiều huyền sử, cũng là danh thắng di tích quốc gia độc nhất vô nhị. Theo sử sách, khoảng 551 năm về trước, trong hành trình mở cõi bờ Nam, vị minh quân Lê Thánh Tông sai lính khắc chữ trên Đá Bia vào mùa xuân Tân Mão – 1471, đánh dấu ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành. Phía Bắc Vũng Rô có Bãi Môn – Mũi Điện cũng là di tích danh thắng quốc gia. Ở đó có hải đăng Mũi Điện được người Pháp xây dựng năm 1890 và là điểm cực Đông đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
Từ năm 1945 hải đăng này tạm dừng hoạt động, đến năm 1961 mới khôi phục lại vài năm thì bỏ hoang. 20 năm sau khi đất nước thống nhất, hải đăng Mũi Điện được xây dựng lại, tái hoạt động từ ngày 3/7/1997. Tại vịnh Vũng Rô còn có Khu di tích lịch sử quốc gia tàu không số - một địa chỉ đỏ về nguồn để thế hệ hôm nay và mai sau tưởng niệm, tri ân các bậc cha anh, đồng thời tìm hiểu, học tập truyền thống cách mạng kiên cường của quân và dân Phú Yên trong kháng chiến.
Thượng tá Trần Khắc Quang, Trưởng Công an thị xã Đông Hòa chia sẻ, 47 năm qua, ANTT ở Vũng Rô và vùng đất phía cực Nam tỉnh Phú Yên luôn được giữ vững. Lực lượng Công an luôn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; tăng cường cán bộ – chiến sĩ bám sát cơ sở; đẩy mạnh công tác tuần tra; phát hiện và xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến ANTT.
Bên cạnh đó, Công an cơ sở thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, tạo nên thế trận ANTT từ mỗi phố phường đến thôn xóm. Từ thế trận đó và các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 12/2012 Công an Phú Yên và Công an thị xã Đông Hòa triệt phá tổ chức phản động “Hội đồng Công luật công án Bia Sơn” núp dưới vỏ bọc Khu sinh thái Đá Bia của Công ty TNHH Quỳnh Long.
Hàng chục năm qua, Công an thị xã Đông Hòa đã đấu tranh khám phá nhiều chuyên án liên quan tội phạm hình sự, ma túy, nâng cao tỷ lệ điều tra và giải quyết tin báo tội phạm, không để hình thành tội phạm băng, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, bảo đảm ổn định ANTT và bình yên cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Sức sống mới ở Vũng Rô – Đèo Cả đang căng tràn trên con đường đổi mới, mở ra một vùng đất bình yên, ấm no và hạnh phúc.