Để phóng viên thường trú giữ tâm, giữ “lửa nghề”

Thứ Sáu, 21/06/2024, 11:15

Thời gian qua, báo chí nói chung, trong đó có đội ngũ nhà báo – chủ thể trực tiếp làm ra tác phẩm báo chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, mạnh dạn ứng dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, cho ra đời nhiều sản phẩm, tác phẩm báo chí hấp dẫn, lan tỏa sâu rộng và có hiệu ứng tốt trong xã hội… Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò tích cực của phóng viên thường trú (PVTT) – những người phải ở xa tòa soạn, làm việc, sinh hoạt trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Đáng lo ngại, có một số PVTT sa ngã, vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Vậy trong tình hình hiện nay cần làm gì để PVTT giữ được cái tâm, đồng thời phát huy “lửa nghề”?

“Cánh tay nối dài”

PVTT và văn phòng đại diện (VPĐD) được ví như là “cánh tay nối dài” của tòa soạn tại các địa phương, vùng miền trên cả nước, là một trong những tuyến đầu của tin tức. Thỉnh thoảng “trà dư tửu hậu”, nhiều PVTT ở miền Trung bộc bạch với tôi rằng vì xa tòa soạn nên anh em cũng chịu thiệt nhiều thứ. Rất đúng, cũng công việc như nhau nhưng so với miệt sông nước Tây Nam bộ - nơi tôi từng làm PVTT ngót 16 năm, thì tại khu vực miền Trung, anh em vất vả hơn.

Đơn cử nếu như một PVTT được giao phụ trách cùng lúc 2-3 tỉnh, anh ta phải có tố chất chịu đi và đi khỏe, do tỉnh cách tỉnh đã xa, từ trung tâm tỉnh lỵ về huyện, xã, nhất là đi về hướng biên giới phía Tây càng rất xa, có nơi 200 - 250 cây số; việc đi lại hiểm trở. Thêm vào đó, thời tiết miền Trung lại cực đoan, nắng nóng và mưa bão, lũ lụt, sạt lở đồi núi nguy hiểm nên nếu không phải là “thổ địa”, PVTT sẽ rất đuối. 

Để phóng viên thường trú giữ tâm, giữ  “lửa nghề”_SoDACBIET _T21 -0
Nhà báo Lê Anh Khoa, phóng viên thường trú Báo CAND tại Thừa Thiên Huế (ngoài cùng bên phải) tác nghiệp tại khu vực xảy ra sự cố sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2022.

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của đồng nghiệp nhưng điểm chung đáng mừng của hầu hết PVTT tại “khúc ruột” của cả nước mà tôi nhận thấy chính là lòng say nghề, biết “giữ mình”, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn để thỏa được khát khao dấn thân, để có thông tin “hot” nhất, đặc thù nhất…

Đã có rất nhiều PVTT luôn ý thức, vun đắp vị thế, thương hiệu đơn vị nhưng cũng chính là cho cá nhân mình, được xã hội quý trọng. Quanh vấn đề này, tôi nhớ một vị nguyên là lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông từng có lần nói rằng, tuy chỉ là phóng viên, không chức tước nhưng có thể tạo lập một tư cách, một vị thế, một uy tín xã hội lớn nếu anh là cây bút chín chắn, viết sâu sắc, phát hiện vấn đề nhanh nhạy, có cá tính mạnh mẽ, có tâm thế lành mạnh, địa phương người ta sẽ vì thế mà nể trọng,...

Và những sa ngã

Tất nhiên để tạo vị thế cho PVTT không phải là công việc dễ dàng. Việc này cần có thời gian, cần bước đi mạnh, chắc, chuyên nghiệp từ các toà soạn, đặc biệt cần sự phấn đấu rất cao của chính các PVTT. Điều này cũng có nghĩa, nếu không cùng nhau lo tạo lập, nâng cao vị thế mà ngược lại, cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, thậm chí dung túng, làm ngơ để cho PVTT mặc sức nhũng nhiễu, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, hệ lụy trước sau gì cũng xảy ra… Thực tế như cách nay chưa lâu, một số PVTT (đều thuộc cơ quan báo chí ở Trung ương) đã bị cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh, thành miền Trung bắt giữ, điều tra cũng có phần từ nguyên nhân này. 

Vụ án gần nhất là vào cuối tháng 4/2024 vừa qua, cơ quan Công an tại Đà Nẵng đã bắt cùng lúc 2 PVTT và 1 CTV (cũng từng là PVTT). Quá trình tác nghiệp trước đó, nhóm nhà báo này đã nhiều lần gọi điện dọa doanh nghiệp nếu không đưa tiền sẽ viết bài... Sợ bị tai tiếng, chủ doanh nghiệp buộc phải đưa cho các đối tượng 100 triệu đồng và phải ký 3 hợp đồng truyền thông…  

Trước đó 1 tháng, cũng “làm luật” doanh nghiệp, có 2 PVTT bị cơ quan Công an ở Hà Tĩnh bắt quả tang. Ở Quảng Nam vào cuối năm 2023, một PVTT cũng bị “tóm” ngay sau dọa dẫm rồi nhận tiền của doanh nghiệp. Trong các vụ việc liên quan đến nhà báo “bẩn” gần đây, có lẽ đình đám nhất là vụ ông Lê Danh Tạo (từng là PVTT, CTV của một số tờ báo, tạp chí của Trung ương) - người bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ vào cuối tháng 11/2023.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Tạo cùng người nhà (vợ và em vợ là CTV của một tờ báo), lợi dụng danh nghĩa báo chí "bảo kê" xe, trục lợi mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng… Chẳng vui gì khi ngồi nhắc lại những câu chuyện cũ không hay của đồng nghiệp mình. Tuy nhiên, nhắc để tránh bởi đây là thực trạng từng khiến dư luận rất bức xúc. Nếu không khẩn trương chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; cơ quan báo chí nào đó nếu vẫn thả nổi hoạt động của các VPĐD, PVTT thì những câu chuyện tương tự chắc chắn lại xảy ra…

Tự khép mình để…giữ mình

Ngay trước dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, trò chuyện với PV Báo CAND, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng, những sai phạm của nhà báo nói chung, trong đó có một số PVTT gần đây tuy là số ít nhưng đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng, độc giả, làm tổn hại đến hình ảnh của đội ngũ nhà báo chân chính luôn dấn thân với nghề, ngày đêm có mặt trong mọi ngõ ngách của cuộc sống vì một một xã hội phát triển, tốt đẹp. 

Để phóng viên thường trú giữ tâm, giữ  “lửa nghề” -0
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều nhà báo đang giữ vai trò quản lý PVTT mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng, để giữ “lửa nghề”, giữ được cái tâm trong sáng của PVTT, ngoài nỗ lực của bản thân người cầm bút, thì vai trò của cơ quan báo chí rất quan trọng. Nhà báo Phan Thanh Hà, Thư ký Chi hội Nhà báo, Trưởng phòng Phóng viên Cơ quan thường trú khu vực miền Trung - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV miền Trung) cho biết, đơn vị hiện có 10 PVTT phụ trách địa bàn từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa.

“Địa bàn khá rộng nhưng đáng mừng là từ ngày thành lập năm 1991 đến nay, VOV miền Trung chưa để xảy ra điều tiếng gì chính là nhờ có sự quản lý chặt chẽ, tinh thần kỷ luật nghiêm khắc”, nhà báo Phan Thanh Hà chia sẻ và cho biết, từ nhiều năm trước, VOV miền Trung ban hành Bộ quy tắc ứng xử, quy định cụ thể nguyên tắc làm việc, đạo đức của phóng viên và mỗi phóng viên đều ký cam kết thực hiện.

Theo đó, phóng viên phải có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo trực tiếp và lãnh đạo cơ quan về kế hoạch hoạt động hàng ngày, hàng tuần, cả tháng và trong trường hợp đột xuất. Để hoàn thành kế hoạch, phóng viên không thể chểnh mảng mà phải tác nghiệp độc lập, hoàn thành công việc đã đăng ký, đã được giao và cũng khó có điều kiện đi theo… “hội nhóm”.

 “Lãnh đạo cơ quan báo chí cần hết sức chú trọng, cân nhắc chọn người phụ trách VPĐD và PVTT. Tác chiến một mình ở xa tòa soạn càng đòi hỏi nhà báo có kỹ năng nghề nghiệp tốt và đặc biệt, càng phải có kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng chia sẻ quan điểm. Ông Dũng cho rằng, khi phân công nhiệm vụ, lãnh đạo cơ quan báo chí cần lưu ý sở trường, sở đoản của PV.

Một khi được quan tâm, tạo điều kiện phát huy thế mạnh, PVTT sẽ thêm niềm đam mê, càng cảm thấy yêu nghề, yêu cơ quan, thêm bản lĩnh, thêm tâm huyết, mạnh mẽ và khách quan hơn khi vạch mặt cái xấu, cái ác để bảo vệ cái tốt, đặc biệt tâm thế cũng sẽ trong sáng, góc nhìn cũng sẽ minh bạch hơn.

Ngược lại, PVTT sẽ dễ chán nản, dễ sa đà vào những việc làm thiếu chuẩn mực, thậm chí dễ rơi vào suy nghĩ – hành động cực đoan “phải săm soi tìm cái xấu viết mới... có sống”, gắn với động cơ cá nhân, từ đó sảy chân vi phạm pháp luật. “Chính thực tế rất đáng ngại này mà tôi nghĩ rằng, công tác tuyển chọn người để cho đứng chân tại địa bàn xa xôi tòa soạn là việc rất quan trọng, rất cần được lưu ý, nhất là phẩm chất chính trị, đạo đức”, ông Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.

Trong tình hình báo giấy tuột dốc, đối mặt với nhiều khó khăn, không ít cơ quan báo chí đẩy mạnh làm kinh tế báo chí, đây là phản xạ tự nhiên để thích ứng, tồn tại. “Tuy nhiên, trước việc một số cơ quan khoán doanh số cho VPĐD, PVTT, tôi cho rằng, cần phải đi kèm giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Bởi PV cứ áp lực, hăm hở nghĩ đến chuyện tìm xin quảng cáo thì tâm trí đâu nữa dành cho chữ nghĩa; việc viết lách cũng khó mà đàng hoàng, tử tế. Trong khi đó, lằn ranh giữa nỗ lực làm kinh tế báo chí với chuyện nhũng nhiễu doanh nghiệp lại rất gần nhau”, ông Trần Trọng Dũng nói.

Nhắc đến một số mô hình làm kinh tế báo chí hiệu quả mà vẫn giữ được đội ngũ PV trong sạch, ông Trần Trọng Dũng chia sẻ, nếu PV có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp, địa phương nơi mình đứng chân nên kết nối cho nhân viên, bộ phận trị sự ở tòa soạn đảm trách phần việc tiếp theo. “Hoạt động kinh tế báo chí khi đó sẽ được thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, quan trọng nhất là tách bạch được với công việc chuyên môn làm báo. Một khi để cho các nhà báo tập trung, có những tác phẩm hay sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu cho cả cá nhân và tờ báo. Khi đó, khách hàng nếu có nhu cầu truyền thông, quảng bá,… chắc chắn vẫn sẽ chọn tờ báo này”, ông Trần Trọng Dũng khẳng định.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng có văn bản về việc sinh hoạt của hội viên là PVTT tại các địa phương. Tất nhiên, trách nhiệm của Hội Nhà báo tại các địa phương phải nỗ lực, sáng kiến, tạo sân chơi hấp dẫn, phong phú để thu hút ngày càng đông PVTT tham gia. “Một khi có sự gắn bó với địa phương, hòa mình vào tập thể, PVTT đó cũng sẽ sinh hoạt, tác nghiệp thuận lợi hơn; mặt khác, anh ta sẽ được đồng nghiệp giám sát, góp phần phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện sai phạm trong hoạt động nghề nghiệp”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Thái Bình
.
.