Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh
30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.
Nửa thế kỷ trôi qua với bao dấu ấn của lịch sử, những thành tựu phát triển của đất nước hôm nay luôn ghi công những người con đã hy sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Và may mắn thay hôm nay, chúng tôi còn được gặp, ghi lại những kí ức hào hùng của những người đã một thời vào sinh ra tử, họ không sợ hy sinh, gian khó, chỉ một lòng yêu nước với quyết tâm cao nhất cho ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng…
Mỗi dịp tháng Ba về, ký ức của trận đánh Đức Lập vào rạng sáng 9/3/1975, trận đánh mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh để đưa đất nước đến ngày thống nhất lại ùa về trong tâm trí của những cựu chiến binh từng vinh dự tham gia trận đánh. Với họ, niềm vui giải phóng, hạnh phúc hoà bình, vẫn mãi in sâu trong tâm trí mỗi người…
Tuổi trẻ gắn liền với những trận đánh
Đã tròn 50 năm trôi qua, kể từ ngày Đức Lập được giải phóng nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Trần Hữu Thể (SN 1938, trú tại thôn Xuân Lộc 1, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vẫn còn bồi hồi, xúc động khi nhớ về sự kiện oai hùng này. Với ông, chiến thắng Đức Lập là cuộc chiến ác liệt, trận mở màn then chốt của Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên không thể nào quên.
Ông kể, cuối năm 1961, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bao chàng trai khác, ông hăng hái lên đường nhập ngũ với một khí thế háo hức, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhập quân ngũ chưa được bao lâu thì tháng 2/1962, ông tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Trong suốt chặng đường Nam tiến, ông cùng đồng đội vừa hành quân vừa tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sau nhiều năm, đơn vị ông có mặt tại Đức Lập vào cuối năm 1974.
Khi đóng quân tại Đức Lập, nơi đây còn là vùng núi hoang vu, hiểm trở, dân cư thưa thớt, chủ yến là các cứ điểm của địch. “Để đảm bảo yếu tố bí mật, đơn vị phải đóng quân trong rừng sâu. Trên đường hành quân, nhiều đồng chí, đồng đội bị sốt rét hành hạ, thiếu thốn đủ đường, thậm chí cơm không có ăn. Khi đến nơi đây, ai ai cũng lạ đường, không biết đi đâu. Cũng may, trong chiến tranh người quen thành lạ, đất lạ thành quê hương, người dân địa phương không sợ hiểm nguy sẵn sàng dẫn đường, hỗ trợ, che chở cho bộ đội yên tâm đánh giặc. Khó khăn là thế nhưng khi ấy, chúng tôi ai ai cũng dâng trào nhiệt huyết, sục sôi khí thế đánh giặc”, ông Thể nhớ lại.
Rồi ông kể, để đến được Đức Lập, ông cũng như đồng đội phải trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ khác nhau. “Trên đường hành quân, chúng tôi chỉ biết lệnh di chuyển, gặp địch là đánh chứ không biết đi đâu, ở đâu, đánh trận nào, ra sao, thậm chí thời gian cũng nhìn lên trời để áng chừng. Do đó, khi thắng lợi, chúng tôi mới vỡ lẽ, nơi mình vừa tham gia giải phóng là mảnh đất Đức Lập”, ông Thể kể.
Trong tiềm thức của ông Thể và nhiều cựu chiến binh khác, Đức Lập được xác định là mục tiêu nằm trong hướng tiến công mở đầu của Chiến dịch Tây Nguyên vì đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị. Tại đây, địch đã cho xây cứ điểm mạnh là căn cứ quân sự Đồi 722, còn gọi là “Trại lực lượng đặc biệt Đức Lập”, cách trung tâm quận Đức Lập khoảng 10km về hướng Đông. Đồi 722 ở độ cao 722m so với mặt biển với diện tích khoảng 1km², nay thuộc địa bàn thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil.
Tại cứ điểm này, địch xây dựng các công sự kiên cố, vững chắc, chướng ngại vật dày đặc và được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại. Suốt những năm từ 1968 đến 1975, xác định Đồi 722 chính là sào huyệt trọng yếu của địch ở Tây Nguyên. Vì vậy, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với quân dân địa phương tổ chức nhiều trận đánh vào cứ điểm này. Sau đó, thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục tiến đánh các cứ điểm khác của địch như căn cứ chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 ngụy, căn cứ Núi Lửa và quận lỵ Đức Lập. Chỉ trong một thời gian ngắn từ rạng sáng 9/3 đến trưa 10/3/1975, ta đã giải phóng được Đức Lập và các vùng xung quanh.
“Chiến tranh ác liệt, đâu đâu cũng tiếng súng, cũng bom đạn bủa vây. Chúng tôi ngày ấy, mỗi người chỉ nặng vài chục ký lô nhưng khi ra trận thì bất kể, đánh ngày, đánh đêm, súng vác trên vai vẫn kiên cường, không ai kêu mệt, không ai chùn chân. Mệt cũng phải đứng lên chạy tiếp với quyết tâm phải đánh được giặc Mỹ, phải giải phóng quê hương để nhân dân hết lầm than”, ông Thể cho biết.
Ông Thể vẫn còn nhớ như in khi hay tin Đức Lập giải phóng, lúc đó, các ông người Bắc, người Trung, người Nam vỡ òa cảm xúc. Bao năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, nhìn đồng đội người bị thương, người hy sinh phải nằm lại chiến trường, các ông đều kìm nén, ngẩng cao đầu để tiếp tục cuộc kháng chiến. Vậy mà, khi nghe Đức Lập giải phóng, các ông lại òa khóc, nước mắt mừng vui chực trào.
“Chúng tôi biết, tin vui Đức Lập đã mở ra cho chúng tôi niềm tin về ngày giải phóng đất nước. Bởi chúng tôi biết, trận này là trận mở màn, then chốt để tiến lên giải phóng đất nước. Dù thời điểm đó, chúng tôi không biết mặt trận mình sẽ chiến đấu tên gì hay kế hoạch chiến đấu ra sao, nhưng qua sự quyết đoán, động viên, mệnh lệnh và quyết tâm của cấp trên, chúng tôi phần nào hiểu được tầm quan trọng của chiến thắng này”, ông Thể tâm sự.
Vợ nhớ chồng, vượt nghìn cây số đi tìm
Trò chuyện với chúng tôi về quãng thời gian tham gia cuộc chiến, ánh mắt ông Thể không giấu nổi cảm xúc vui mừng xen lẫn một chút ngại ngùng. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui giữa cuộc chiến ác liệt đã gieo cho ông cũng như đồng đội khác niềm tin, ước mơ. Đó là câu chuyện về tình yêu, về hòa bình, về hy vọng và gieo niềm hạnh phúc le lói sáng lên giữa rừng thiêng nước độc, giữa mưa bom bão đạn.
Ông Thể lấy vợ cùng quê ở Hà Tĩnh từ nhiều năm trước khi lên đường nhập ngũ. Ngày ông Nam tiến, chiến tranh loạn lạc, vợ chồng xa cách, không tin tức. Sau nhiều năm, chỉ vì nhớ ông mà vợ ông “liều” vào Nam để tìm tin tức về chồng. “Chuyến đi tìm chồng của bà ấy còn có 5 người vợ khác của đồng đội. Việc vợ vượt hàng nghìn cây số đi tìm chồng, thăm chồng trong chiến tranh loạn lạc được xem là một điều lạ, chưa từng có. Sau này hòa bình lập lại, tôi hay đùa, may mà bà ấy liều nên may mắn có được đứa con, chứ chiến tranh ác liệt, bỏ mạng lúc nào cũng không biết. Tôi coi đây là duyên lớn, cái số”, ông Thể cười nói.
Rồi ông kể, khi bà ấy tìm được ông, vợ chồng gặp nhau giữa chiến trường mừng tủi không kể xiết. Sau một thời gian, vợ ông Thể mang thai và phải về quê nhà. Trước lúc về, vợ chồng ông Thể bàn bạc, dù con trai hay con gái cũng đều đặt tên con là Nam. Sau đó, ông Thể tiếp tục chinh chiến, bặt vô âm tín, vợ ông một mình tần tảo nuôi con khôn lớn, chờ chồng trở về. “Nam là đứa con duy nhất của vợ chồng tôi. Việc đặt con tên Nam cũng chính là ước mong của chúng tôi khi vào Nam chiến đấu giải phóng miền Nam đã thành”, ông Thể hạnh phúc nói.
50 năm trôi qua, ông Thể đang ở độ tuổi xưa nay hiếm, dù mắt có mờ, chân đi không vững, tóc đã bạc trắng, nhưng mỗi dịp tháng Ba về, ông Thể đều lên Đồi 722 để thắp nén tâm hương tưởng nhớ đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Ông cũng thấy mình may mắn, vì sau khi hòa bình lập lại, vợ chồng ông đã chọn mảnh đất này để dừng chân, xây dựng cuộc sống mới.
“Với tôi, Đức Lập là mảnh đất để lại biết bao nhiêu kỷ niệm của một đời binh lửa. Với thanh niên lứa chúng tôi, được chiến đấu, được góp thanh xuân cho Tổ quốc là điều vinh dự. Đời người chỉ sống một lần và tôi đã sống không hoài phí, không tiếc nuối tuổi thanh xuân khi hiến sức trẻ cho đất nước”, ông Thể tự hào nói.
Giữ kỷ vật để nhớ về đồng đội!
Anh Trần Hữu Nam, con trai duy nhất của ông bà Thể cho biết những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với một thời trai trẻ của bố. Đó chỉ là những chiếc thìa, chiếc bi đông, cà mèn đựng thức ăn… nhưng với ông Thể, nó tài sản vô giá, trên đời này không có gì có thể đánh đổi. “Mỗi lần con cháu định lấy cà mèn, bi đông ra xem đều bị ông bắt gặp và phải cất ngay. Ông giấu kỹ lắm, con cái không được cầm xem đâu, nhưng có đồng đội đến là lại lấy ra khoe ngay. Ai xin gì trong nhà quý mấy ông cũng cho, nhưng những kỷ vật này thì không ai xin được”, anh Nam kể.
Bởi với ông Thể, những kỷ vật này chính là những người bạn, chứng nhân theo ông trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những hiện vật này không đơn thuần là để phục vụ nhu cầu cá nhân trong chiến đấu mà nó trở nên có hồn, là người bạn tâm giao để ông gửi gắm vào đó nỗi nhớ thương đồng đội. Kỷ vật này còn là nơi để ông mỗi lần nhìn vào đều tự hào về thanh xuân, nhắc nhở ông phải sống sao cho xứng đáng với tiếng gọi “Bộ đội Cụ Hồ”, để những mất mát, hy sinh của bản thân và đồng đội không hoài phí. “Thanh xuân của tôi đã góp phần làm nên Đức Lập và mùa xuân đất nước hòa bình hôm nay. Tôi phải giữ gìn và nhắc nhở con cháu hôm nay phải biết trân trọng điều đó”, ông Thể khẳng định.
Cách đây 50 năm, trận đánh Đức Lập diễn ra từ rạng sáng 9/3/1975 đã chính thức mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh. Chiến thắng Đức Lập cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, tạo bước ngoặt quyết định, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.