Tràn dầu trên biển Việt Nam: Canh cánh nỗi lo ô nhiễm

Thứ Sáu, 15/12/2006, 16:45

Chưa đầy 10 năm trở lại đây, trên vùng sông, biển Việt Nam đã xảy ra hơn 50 vụ tràn dầu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ô nhiễm nghiêm trọng. Ứng phó với sự cố tràn dầu đang trở nên cấp bách hơn lúc nào hết khi Việt Nam chính thức tham gia lộ trình hội nhập hàng hải quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên Tổ chức Hàng hải quốc tế cho ra đời hàng loạt Công ước về an toàn trên biển và bảo vệ môi trường. Công ước quốc tế về sẵn sàng ứng phó và hợp tác các sự cố ô nhiễm dầu (OPRC 1990); Công ước về an toàn trên biển và bảo vệ môi trường (Solas 1974)... là ví dụ. Trên cơ sở những Công ước này, từng quốc gia đã xây dựng kế hoạch về phòng chống tràn dầu.

Những bài học nhãn tiền

Từ năm 1997 đến nay ở Việt Nam đã xảy ra hơn 50 vụ tràn dầu tại các vùng sông và biển ven bờ gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ô nhiễm nghiêm trọng và lâu dài cho môi trường biển. Điển hình là các sự cố tàu Formosa One Liberia đâm vào tàu Petrolimex 01 của Việt Nam tại vịnh Giành Rỏi - Vũng Tàu (tháng 9/2001) làm tràn ra môi trường biển ven bờ khoảng 1.000m3 dầu diezel, gây ô nhiễm nghiêm trọng một vùng rộng lớn biển Vũng Tàu; 3 năm sau, tại khu vực biển Quảng Ninh - Hải Phòng, sự cố đắm tàu Mỹ Đình, chứa trong mình khoảng 50 tấn dầu DO và 150 tấn dầu FO, trong khi đó ta chỉ xử lý được khoảng 65 tấn, số dầu còn lại hầu như tràn ra biển...

Từ tính chất gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển và thiệt hại nặng về kinh tế, ngày 29/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg phê duyệt quốc gia về ứng phó sự cố tràn dầu 2001-2010. Đến ngày 2/5/2005, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg về qui chế ứng phó sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyết định này còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Xử lý sự cố tràn dầu tàu Mỹ Đình.

Theo các chuyên gia về môi trường biển, nguyên nhân chủ yếu khi sự cố tràn dầu xảy ra, Việt Nam còn thiếu trang thiết bị và yếu về năng lực xử lý, nên chưa bao giờ xử lý được triệt để. Các chuyên gia phân tích rằng, các thiết bị cô lập và thu hồi dầu loang trên biển thường rất đắt (trên thế giới thường dùng) nhưng ta chưa đầu tư đầy đủ.

Vì vậy, khi sự cố đắm tàu Mỹ Đình xảy ra, cả 2 Công ty Vital và Hồng Hà được coi là đơn vị có năng lực xử lý, nhưng cũng chỉ thu hồi được khoảng 65 tấn. Đây được coi là bài học "đau đớn" về sự cố tràn dầu...

"Hành động của chúng ta?"

Theo Quyết định 129 và 103 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó sự cố tràn dầu, việc tổ chức ứng phó được tổ chức ở 3 cấp: cấp cơ sở (địa phương), cấp khu vực và cấp quốc gia.

Cấp cơ sở xử lý tràn dầu dưới 100 tấn, cấp khu vực xử lý từ 100 - 2.000 tấn và cấp quốc gia xử lý 2.000 tấn trở lên. Sự phân cấp này rất phù hợp khi Nhà nước đã chính thức phê duyệt kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001-2010 và đã thành lập 3 Trung tâm ứng phó ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

Hiện tại, một số phương tiện ứng phó dầu tràn nhỏ được nghiên cứu chế tạo như tàu thu gom váng dầu tại các cảng biển khi xảy ra sự cố tràn dầu, tàu cứu hộ ứng phó lắp máy công suất 800 CV và 3.200 CV được trang bị cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam. Tại các Trung tâm ứng phó tràn dầu quốc gia đã được đầu tư trang thiết bị phục vụ gồm 2 tàu loại trung cho Trung tâm ứng phó tràn dầu miền Trung, 2 tàu lớn cho Trung tâm miền Nam cùng với các thiết bị đi kèm như phao quây, bồn chứa, máy hút...

Tuy vậy, tàu có khả năng đáp ứng được ứng phó tràn dầu trên diện rộng, xa bờ với điều kiện sóng gió lớn (chiều cao sóng đến 4m), chiều cao phao quây dầu có thể cao tới 1.200mm-1.500mm, phần dưới mặt nước 800-1.000mm, chiều dài phao quây khoảng 600-800m cùng các thiết bị khác, Việt Nam chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ.

Ngay đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tàu ứng phó sự cố tràn dầu" cũng chỉ được Bộ Khoa học và Công nghệ cho tiến hành nghiên cứu vào năm 2007. Do vậy, các Trung tâm ứng phó Bắc - Trung - Nam không được hoàn thiện các phương tiện đa năng phục vụ cho công tác ứng cứu sự cố tràn dầu vùng biển ven bờ Việt Nam.

Đây thực sự đang là mối lo ô nhiễm môi trường biển trên vùng biển nước ta. Bởi vậy, việc đầu tư các trang thiết bị cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu và đào tạo con người trên lĩnh vực này càng trở nên cấp bách hơn lúc nào hết

Mạnh Hừng
.
.