Tác nghiệp trong bão lụt

Thứ Sáu, 21/06/2019, 10:10
Không có năm nào mà miền Trung không xảy ra bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản. Cũng vì thế, làm phóng viên ở khu vực miền Trung, thường niên phải tác nghiệp trong bão lũ, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập...

Còn nhớ, năm 2003, mới về làm Báo CAND, cũng là lần đầu tiên tôi đi viết bài về lũ lụt ở vùng “rốn lũ” Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Sáng hôm đó trời mưa rất to. Từ TP Huế, tôi và một số đồng nghiệp phải mất hơn 5 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy, lội bộ rồi tăng bo bằng thuyền máy mới đến nơi. 

Trên con thuyền nhiều lần chòng chành ngỡ như sắp lật úp giữa dòng nước chảy xiết khiến ai cũng lo sợ và rồi chúng tôi tự trấn an giữ bình tĩnh, cố gắng ngồi yên để giữ thăng bằng cho con thuyền. Tuy nhiên, rủi ro trên dòng nước lũ không thể lường hết được. 

Lúc thuyền cập vào một mô đất cao và neo lại ở đó cho chúng tôi tác nghiệp, một đồng nghiệp không may bị trượt chân ngã xuống nước và bị dòng nước chảy xiết cuốn một quãng khá xa, may mắn anh vớ được ngọn cây bần trước khi chúng tôi bơi thuyền đến ứng cứu.

Công an Quảng Trị giúp dân dựng lại nhà sau bão lụt.

Một lần khác, vào giữa tháng 11-2016. Buổi sáng, trời Đông Hà (Quảng Trị) chỉ có mưa và gió nhẹ, song khoảng 9h thì tôi nhận được điện thoại của anh Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ. “Em ở đâu, Cam Lộ ngập hết rồi...!”. 

Chừng 20 phút sau, tôi có mặt trên đường xuyên Á qua xã Cam Thủy, nơi anh Chiến và Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt (PCBL) huyện Cam Lộ đang đứng, nhìn ra cánh đồng thì nước lũ đã ngập mênh mông. Dòng nước lũ từ thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về, dâng cao. 

Các chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ có mặt tại đây khẩn trương lên những chiếc ca-nô nổ máy lao đi. Các anh đưa người dân có nhà cửa bị ngập lũ nặng lên đường Xuyên Á, phối hợp với Ban chỉ huy PCBL huyện Cam Lộ tổ chức bố trí nơi ăn, ở tạm thời cho bà con. 

Cánh phóng viên chúng tôi lên chiếc ca-nô của Ban chỉ huy PCBL có 3 chiến sĩ Công an đi cùng. Khi ca-nô chúng tôi còn cách một nhà dân chừng 50m thì được lệnh giảm ga để các chiến sĩ tiếp cận, cứu nạn bà con. Bất ngờ, chiếc ca nô tắt lịm máy, dòng nước xiết làm nó xoay ngược trở lại và trôi tự do rất nhanh. 

Sau 10 phút, 15 phút rồi 20 phút với đủ mọi cách mà các anh không sao nổ máy ca-nô trở lại. Chúng tôi đều mặc sẵn áo phao, song nhìn biển nước mênh mông cuồn cuộn chảy, ai cũng lo lắng. Cuối cùng, chúng tôi may mắn được một chiếc ca-nô khác tiếp cận và đưa tất cả lên bờ an toàn. 

Chiếc ca-nô chở phóng viên vào vùng ngập lụt Cam Lộ thì bất ngờ tắt máy, trôi tự do hơn 1 giờ đồng hồ trước khi được ứng cứu.

Tháng 10-2010, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An xảy ra lũ lớn lịch sử. Ngay sau nhận lệnh của Bộ Công an, trưa 17-10, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) duyên hải Nam Trung bộ đóng tại Đà Nẵng điều động 1 tiểu đoàn cùng với các phương tiện cứu nạn cứu hộ, gồm 6 xuồng máy cao tốc, 7 xe đặc chủng, hàng trăm phao cứu sinh; cùng nhiều trang thiết bị cứu nạn cứu hộ khác và lương thực, thực phẩm... ra Hà Tĩnh cứu giúp người dân vùng lũ. 

Lúc đó, được lệnh của lãnh đạo cơ quan, tôi liên hệ với Trung tá Bùi Doãn Hùng, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ để cùng ra Hà Tĩnh viết tin, bài phản ánh tình hình lũ lụt và hoạt động giúp đỡ nhân dân của lực lượng Công an. Đến khoảng 20h, đoàn đến trung tâm TP Hà Tĩnh. 

Theo thông tin, trong 2 ngày 16 và 17-10, mưa lũ đã khiến 120 xã thuộc 8 huyện của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu, khiến 7 người chết. Đây là trận lũ cao nhất tính từ năm 1960 đến tại thời điểm đó. Trong 8 huyện bị ngập lụt nặng, có huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Hương Khê và Hương Sơn bị ngập nặng nhất. Ngay ở khu vực trung tâm TP Hà Tĩnh, cũng đã có nhiều con đường bị ngập sâu tới 2m. 

Chúng tôi ăn tối bằng lương khô và tiếp tục về huyện Cẩm Xuyên. Khi đến các xã Cẩm Bình, Cẩm Duệ, Cẩm Dương, Cẩm Hà... của huyện Cẩm Xuyên, tiểu đoàn CSCĐ đã nhanh chóng phối hợp Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an huyện Cẩm Xuyên tổ chức di dời hàng trăm hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn. 

Lúc tác nghiệp, tôi được ưu tiên lên ca-nô của chỉ huy đơn vị. Sau những chuyến cứu nạn, di dời dân hôm đó, cả người tôi ướt đẫm nước mưa, chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũng tắt lịm nguồn. Rất may, card của máy không bị thấm nước hư hỏng, nên vẫn có được hình ảnh đẹp gửi về sử dụng in báo…

Lại nhớ, sáng sớm 20-9-2017, khi tôi chưa rời khỏi giường ngủ, thì điện thoại của một đồng nghiệp gọi tới cho hay, bão vào Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tôi vội vàng lên xe máy chạy ra Vĩnh Linh, thì  vùng quê nơi đây đã tan hoang sau cơn bão dữ. Khi đến thôn Trại Cá, một vùng gò đồi của xã Vĩnh Thủy, chúng tôi tiếp cận một số nông dân trong rừng cây cao su gãy đổ hàng loạt. 

Vợ chồng chị Lê Thị Cẩm, anh Hoàng Văn Dưỡng, ở thôn này, nói như mếu: “Lần ni hơn cả đận trước, bão làm hư hỏng sạch trơn rồi. Toàn bộ 2ha cao su giờ chỉ còn đúng 15 cây…”. Trước đó chưa đầy một tháng, một cơn bão dữ quét qua đây, cũng đã tàn phá các vườn cao su, để lại bao đau xót cho bà con nông dân. 

Khi chúng tôi đang nói chuyện thì bất ngờ một cây cao su lớn còn sót lại bị gãy ngang thân. Rất may không có ai bị cây đổ trúng người. Theo phản xạ, tôi nhảy qua hàng rào dây thép gai ra khỏi khu vực nguy hiểm, không may bị gai thép móc rách đầu gối, chiếc điện thoại do vợ mua tặng dịp 21-6 trước đó cũng bị rơi vỡ nát màn hình…

Làm phóng viên tác nghiệp trong bão lụt, nguy cơ gặp những rủi ro rất cao. Song đã theo nghiệp viết báo, mấy ai có thể lựa chọn được sự an lành, một phần do yêu cầu công việc, còn lại là do sự đam mê nghề nghiệp.

Phan Thanh Bình
.
.