Thuốc nam có chữa được chó dại cắn?

Thứ Năm, 16/03/2017, 09:02
Các bài thuốc nam phòng, chữa bệnh chó dại cắn trên thực tế đã được đồn thổi thêm công dụng trở thành huyền bí, huyễn hoặc, chưa được khoa học kiểm chứng, nghiên cứu có kết luận rõ ràng. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng bệnh chó dại cắn là rất cần thiết.


Bị chó cắn, nhất là con cái không may bị rủi ro này, cha mẹ chắc chắn sẽ đứng ngồi không yên, bởi không ai dám chắc con chó kia không bị dại. Thế nhưng đối với nhiều người, kể cả những người có hiểu biết rộng, thông tin xã hội đầy đủ, thậm chí có khả năng sơ cấp cứu tốt một số bệnh, tai nạn thông thường, vẫn khá chần chừ trong việc có nên tiêm phòng dại, hay tìm đến chữa trị ở một số lang y vốn được biết đến là những người có khả năng cứu chữa bệnh này bằng các phương thuốc nam để không bị ảnh hưởng tới sức khỏe so với việc phải tiêm vaccine rất độc hại? Tôi xin kể ra đây một số trường hợp mình gặp.

Năm 1987, tôi khi đó học lớp 5. Một lần ba tôi bảo đến nhà hàng xóm có việc, tôi không may bị con chó chủ nhà cắn vào chân. Điều đáng nói, mùa hè năm đó nắng rất to, nắng to sang tới nửa mùa thu. Các vật nuôi trong nhà như chó, mèo không chịu nổi nắng nóng, chúng tìm bất cứ chỗ nào có nước, ẩm thấp để trốn nắng. Nhưng rồi không ít chú chó không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt bất thường, đã lăn ra chết.

Chính tình trạng này đã khiến ba tôi thêm lo lắng, ông tìm đến một lang y ở thôn Cát Sơn, xã biển Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị, người này được biết đến có khả năng chữa bệnh chó dại cắn, để được đoán bệnh, bốc thuốc cho tôi uống.

Xin nói thêm, thời điểm năm 1987, ở một làng quê còn rất nghèo, lạc hậu như quê tôi, những thông tin đại loại như phòng ngừa dịch bệnh, tiêm phòng… còn xa lạ hơn cả chuyện chúng ta nghe tới người ngoài hành tinh cách đây mấy thập niên về trước.

Hôm đó, tầm 5h chiều, tôi nhớ mình đang chơi với đám bạn ở trước nhà thì ba tôi gọi vào cho uống thuốc. Đó là một bát nước có màu đỏ nhờ nhờ, mùi hôi hăng hắc rất khó nuốt.

Sau khi uống xong chừng 5 phút, toàn thân tôi bỗng như đang bị bốc hỏa, đầu óc quay cuồng như bị búa bổ. Tôi gục xuống giường, hai bàn tay bấu chặt vào chiếc chiên chăn cũ nát, miệng cắn tấm chiếu đã rách lỗ chỗ để mong thoát khỏi cơn đau. Rồi tôi ngất lịm đi lúc nào không biết.

Tỉnh lại, không phải một ngày, một tuần, cũng chẳng phải một tháng, mà dài cho tới 5 năm, tôi mất trí nhớ gần như hoàn toàn. Thân thể tôi gầy yếu hẳn đi, da dẻ xanh như tàu lá chuối non, mặc cho mẹ tôi mỗi tháng ngoài khẩu phần ăn 7 con người, dành dụm lại được ít lon gạo, sang một quán tạp hóa ở gần nhà, đổi cho tôi bánh đường đen về bổ dưỡng.

Vết thương do chó cắn.

Cách đây ba năm, con trai tôi ba tuổi bị chó nhà hàng xóm cắn. Thay vì tiêm phòng, tôi tìm đến một lang y ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị để kiểm tra xem con chó đó có dại không, theo giới thiệu của nhiều người có hiểu biết rộng, nhằm quyết định cách chữa trị cho cháu.

Vị lang y này không chỉ được nhiều người dân địa phương biết đến, trên một số tờ báo mạng, trong đó có trang chuthapdo.org.vn có bài viết rất kỹ về ông ta. Tôi xin nêu lại một số thông tin đại khái như: Người dân thôn Thủy Tú 1, xã Vĩnh Tú từ mấy đời nay không một lần tiêm phòng vaccine khi bị chó dại cắn bởi họ tin tưởng vào biệt tài điều trị dại của lang y Lê Văn Sơn.

Ông có thể chữa căn bệnh quái ác này chỉ với những thang thuốc cực đơn giản. Diệu kỳ hơn nữa, bài thuốc thậm chí có thể cứu sống người mắc bệnh dại đã có dấu hiệu lên cơn. Cũng thông tin bài viết này cho biết: Bài thuốc chữa trị bệnh chó dại cắn bao gồm 12 loại lá cây, trong đó có lá cây mãng cầu xiêm và lá cây hoa dẻ có tác dụng giải độc chó dại cắn.

Việc bào chế thuốc, mỗi năm chỉ có thể chế biến thuốc duy nhất một lần. Mười lá cây được sao khô vào đúng ngày hạ chí, là ngày có nhiệt độ cao nhất trong năm, sau đó tán thành bột dự trữ sẵn. Riêng hai loại lá cây kể trên được xay nhuyễn rồi vắt lọc lấy nước của chúng. Mỗi khi có người bị chó dại cắn, chỉ cần trộn đều thứ bột thuốc vào nước lá cây này rồi pha loãng vào nước lọc cho bệnh nhân uống…

Lang y Sơn thấy tôi đưa cháu nhỏ đến nhà, ông hỏi ngay: Bị chó cắn phải không? Tôi đáp: Dạ, nhờ anh chữa giúp cho cháu. Tuy nhiên, ông bảo tôi, ông chỉ có thể kiểm tra xem con chó đó có dại không thôi, trường hợp chó dại thì phải đi tiêm phòng, còn không thì ông cho uống thuốc có thể phòng được bệnh chó dại cắn trong 3 năm.

Nói rồi, ông Sơn đem đắp lên gáy con trai tôi một nắm lá khô có thấm nước trông như xác trà. Chừng 30 phút sau, ông gạt sạch chỗ lá này, tôi để ý thấy ở đó in khá rõ 3 dấu răng chó, với hình dáng giống y như chỗ con chó đã cắn vào bắp chân con trai tôi.

Ông quan sát rồi bảo: Con chó này rất dữ nhưng không có dại. Rồi ông cho con trai tôi uống thứ thuốc nói trên, nhưng cháu không chịu uống vì mùi hôi hăng hắc rất khó chịu.

Cách đây 1 tháng, con trai tôi không may lại bị chó cắn. Lần này các vết cắn rất sâu, trong đó có một vết sâu vào chỗ gân kheo phía sau đầu gối, khiến máu chảy nhiều. Tôi như chết điếng người khi nghe cháu khóc kêu bị chó cắn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ được chút bình tĩnh, đem rửa vết thương cho cháu bằng xà phòng liên tục dưới vòi nước chảy, rồi dùng cồn i-ốt sát trùng chỗ vết thương.

Xong tôi đưa cháu đến bác sĩ để được khám, tư vấn cách điều trị. Vị bác sĩ này sau khi cho cháu uống một lượng nhỏ amoxilline để test xem cơ thể cháu có bị dị ứng không, rồi chỉ định uống thuốc này nhằm điều trị vết thương. Riêng tiêm phòng, ông bảo chưa cần thiết mà nên theo dõi con chó trong vòng 7 đến 15 ngày rồi quyết định.

Tuy nhiên, tôi không được yên tâm như lần trước, bởi vết thương của cháu nặng, con chó cắn cháu ở cách nhà tôi khá xa. Tôi quyết định nhờ một đồng chí Công an khu vực lập biên bản sự việc nhằm buộc chủ nhà giữ lại con chó đó để theo dõi trong thời gian 3 tuần. Xong, tôi đang chuẩn bị đưa cháu đến chỗ lang y Sơn như lần trước để kiểm tra thì một người làm ở Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị biết sự việc, bảo tôi chạy đến nhà ông để được vợ ông cho mượn một chiếc răng con hổ 200 năm tuổi, mang về mài cho cháu uống 3 lần là khỏi.

Đúng như ông bà ngày xưa đã nói, có bệnh thì vái tứ phương, tôi chạy ngay tới nhà ông này để được mượn chiếc răng hổ và cảm ơn rối rít bà vợ ông ta đã rất hảo tâm, tốt bụng. Tuy nhiên, tôi chưa hề nghe răng hổ chữa được bệnh chó dại cắn, nên việc mượn nó chỉ là phòng, còn việc tới lang y Sơn vẫn là việc chính.

Vợ chồng tôi chở cháu ra tới nhà ông lúc 20 giờ tối. Nhưng ông bảo việc kiểm tra chó cắn phải có ánh sáng mặt trời. Rồi ông hẹn chúng tôi vào trưa hôm sau. Suốt đêm hôm đó, tôi lo lắng không ngủ được, lên mạng đọc các thông tin về chó dại cắn.

Sáng hôm sau, tôi quyết định đưa cháu đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Trị để được tư vấn. Tại đây, một bác sĩ sau khi xem qua vết thương của con tôi, bảo: Cháu bị chó cắn cấp độ 3, vết thương ở chỗ gân kheo rất sâu, virus chó dại nếu có rất dễ dẫn đến thần kinh trung ương, vì thế rất nguy hiểm. Đầu giờ chiều nay, anh đưa cháu tới đây để được tiêm ngay huyết thanh kháng dại, rồi tiêm vaccine phòng dại.

Chị này dặn thêm: Anh nhớ mang cháu tới sớm đấy, vì huyết thanh kháng dại phải tiêm rất chậm, nhất là vì cháu nhỏ nên phải tiêm ít nhất trong 3 giờ đồng hồ, vừa tiêm vừa phải theo dõi xem cơ thể có phản ứng gì không. Tôi nghe vị bác sĩ này nói thế bỗng cảm giác lạnh toát xương sống lưng.

Tôi quyết định đưa cháu trở lại lang y Sơn vào trưa hôm đó. Lần này khác với lần trước, ông đắp một nắm lá tươi đã giã nhuyễn vào chỗ gáy của cháu. Sau khi gạt chỗ lá này đi, tôi để ý nhưng không thấy dấu răng chó. Ông bảo chúng tôi, chó không có dại. Rồi ông cho uống thứ nước lá tươi, mùi vị dễ chịu hơn lần trước nên cháu đã uống được.

Các loại cây, lá cây mà các lang y thường dùng để chữa chó dại cắn.

Trên đường về nhà, chúng tôi vẫn không yên tâm lắm, lại nghe ở xã bên có một vị lang y chữa bệnh chó dại cắn còn giỏi hơn cả lang y Sơn. Chúng tôi liền đưa cháu đến đó để được kiểm tra thêm. Vị này thủng thẳng ra vườn cắt một cành cây ngà voi dài chừng 10cm, đem xẻ đôi, đắp vào chỗ vết thương chó cắn trên chân con trai tôi. Chừng 30 phút sau, ông lấy chúng ra khỏi đó và quan sát. Tôi để ý thấy ở hai đoạn thân cây ngà voi này, chỗ đắp trực tiếp vào vết thương có lỗ chỗ những vết máu bầm tím được hút vào, hình dáng giống như răng chó.

Sau khi đã xem, ông bảo chó không có dại, song để cho chắc ăn, thì cần uống thêm thuốc phòng bệnh. Đó là 1/3 bát nước có màu trắng đục, giống như được mài ra từ một chất sừng nào đó. Tôi hỏi có phải răng hổ không thì ông lắc đầu không tiết lộ, nhưng bảo chắc chắn rằng trong trường hợp người bệnh có virus chó dại, thì sẽ bị toát mồ hôi toàn thân, rồi ngất đi chừng 30 phút, sau đó tỉnh lại cho ăn cháu đậu xanh là khỏe mạnh trở lại như lúc bình thường?

Chúng tôi đã khá yên tâm cho đến khi vị lang y này tiết lộ một sự việc có liên quan, bỗng tá hỏa, chết lặng người. Đó là bài thuốc nam chữa chó dại cắn, ở thôn Cát Sơn, xã Trung Giang mà tôi đã uống cách đây 30 năm. Bài thuốc do chính vị lang y này, lúc đó đang ở Quảng Ngãi, truyền cho một người làng ở Cát Sơn đến đây học hỏi.

Bài thuốc có 7 vị, gồm: Rễ cây dâu, rễ cây dưới, thần sa, dây ma (dây bằng tre chằng néo nắp quan tài người chết), nấm cầu (nấm mọc ở các tấm ván, thân gỗ dùng để bắc cầu qua sông, suối, có màu đỏ au như máu, tai nấm nhỏ chỉ bằng cúc áo, đồng xu) và cà độc dược. Trong 7 vị này, thì 5 vị có chức năng giải độc, còn lại cà độc dược và nấm cầu là những chất cực độc, có thể gây chết người ngay lập tức. Chính bài thuốc này đã hủy hoại sức khỏe, cuộc sống của tôi suốt 5 năm liền sau đó và cho đến bây giờ.

Chúng tôi đưa con trai ra về, lòng tự trách mình sao có thể dễ dàng tin vào những bài thuốc, những công hiệu không có căn cứ. Bởi khi hiểu ra, một đứa trẻ mới học hết tiểu học, với kiến thức, khoa học thường thức cũng hiểu được rằng 7 chất trên trộn lại với nhau, chúng vừa có khả năng gây độc, vừa có tác dụng giải độc, thì giúp ích gì cho người bệnh? Kiểu như người ta vừa uống thuốc Tây, vừa ăn cháo đậu xanh, như vậy thuốc sẽ chẳng còn tác dụng(!)

Chúng tôi quyết định đưa cháu trở lại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Lần này thì khác, một bác sĩ trẻ hơn giải thích cho chúng tôi tận tình hơn, rằng vết thương của cháu ở cấp độ 2, chỉ cần tiêm vaccine phòng dại và theo dõi con chó trong vòng 3 tuần. Bác sĩ này cũng nói rằng, vaccine phòng chó dại, trong đó có loại Verorab của Pháp rất an toàn cho người bệnh.

Tôi nghĩ mình đã rất đúng khi chọn giải pháp tiêm phòng, bởi lẽ các bài thuốc nam phòng, chữa bệnh chó dại cắn trên thực tế đã được đồn thổi thêm công dụng trở thành huyền bí, huyễn hoặc, chưa được khoa học kiểm chứng, nghiên cứu có kết luận rõ ràng. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng bệnh chó dại cắn là rất cần thiết. Có thể con chó đó cắn bạn, người thân của bạn không bị dại tới 99%, nhưng biết đâu bạn không may gặp phải 1% còn lại.

Phan Thanh Bình
.
.