Những bài thơ sám hối của phạm nhân lĩnh án chung thân
- Gia cảnh chát đắng của tử tù sát hại vợ và người tình 21
- Cuốn nhật ký và mối tình đẫm nước mắt của một tử tù8
Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà Đỗ Văn Khiêm, (SN 1987, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) đánh chết người, để rồi nhận về bản án chung thân. Cay nghiệt hơn, lúc về trại cải tạo, Khiêm mới biết mình nhiễm HIV. Như con thú hoang không còn gì để mất, Khiêm đánh bạn tù, chửi cán bộ nên việc bị nhốt riêng một phòng kỷ luật xảy ra như cơm bữa. 2 năm nay, Khiêm là tác giả của 100 bài thơ, liên tiếp giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết do Trại giam Tân Lập tổ chức.
Đi tù vẫn chưa hết quậy phá
Cao lớn và nước da bánh mật khỏe khoắn, chẳng ai nghĩ nam phạm nhân này đang mang trong người căn bệnh thế kỷ. Càng ngạc nhiên hơn nữa là Khiêm nói chuyện đầy sự lạc quan yêu đời.
Nhất là khi nói đến những "đứa con tinh thần" mà Khiêm đã sáng tác ra, đôi mắt phạm nhân này ngời sáng. Khiêm say sưa kể về cuộc đời mình, thi thoảng lại đọc một vài câu thơ mà anh ta đã sáng tác.
"Em của trước đây là một kẻ ngang bướng, gàn dở và bất cần. Có lẽ vì phần mang bệnh trọng trong người, phần vì em thấy hối tiếc nên nhìn người xung quanh khỏe mạnh mà thấy ghen tỵ. Sự đố kỵ đã khiến em trở thành một kẻ bất cần, lúc nào cũng chỉ muốn đánh người cho đỡ tức", Khiêm tâm sự.
Khiêm sinh ra trong một gia đình đông con, bố mẹ làm nông nghiệp nhưng tính Khiêm lại quậy phá từ nhỏ. Học hết lớp 9 thì nghỉ học vì cảm thấy "chán", Khiêm ở nhà lêu lổng, kết bạn với những thanh niên xấu trong xã.
Chuyện đánh nhau với nhóm này, nhóm kia xảy ra như cơm bữa, quen đến nỗi hôm nào không thấy có người tới nhà mách tội con trai, bố Khiêm còn ngạc nhiên. Khiêm gây họa cũng vì cái sự "hăng tiết vịt", thích động tay động chân ấy.
Tù nhân Đỗ Văn Khiêm. |
Theo hồ sơ phạm nhân, do có mâu thuẫn từ trước với một nhóm thanh niên trong xã nên ngày 22-1-2008, Đỗ Văn Khiêm dùng dao nhọn đâm hai anh Bùi Thanh Liêm, Trương Minh Nguyệt, làm 2 người này thương tích nặng. Ngoài ra Khiêm còn gây thương tích cho một vài người khác nữa.
Với hành vi này, Khiêm bị kết án chung thân về tội giết người và cố ý gây thương tích. Về Trại giam Hồng Ca cải tạo, Khiêm bàng hoàng khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ. Kể từ đó, anh ta càng như con thú hoang.
"Tôi không biết vì sao mình mang bệnh, càng không hiểu là lây từ ai và làm thế nào mà bị. Chán ngán cuộc đời mà tôi sinh tiêu cực", Khiêm kể.
Nhận mức án dài trong khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng cái tin nhiễm HIV mới làm Khiêm sốc thực sự. Anh ta quậy phá, chống đối và luôn tìm cách gây sự với bạn cùng buồng.
Hồ sơ phạm nhân của Khiêm dày hơn nhiều so với các phạm nhân khác bởi những biên bản kỷ luật, những phiếu bình xét và cả những bản tường trình vụ việc của chính mình. Theo lời Khiêm thì chuyện vào phòng kỷ luật, với anh ta là chuyện xảy ra như cơm bữa.
"Lắm lúc nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao ngày đó mình ngông cuồng đến thế. Tôi hận cuộc đời, tôi hận tôi, nhưng giờ nghĩ lại mới thấy mình phi lý. Những người mà tôi đánh, chửi, thậm chí đe dọa ấy không hề có lỗi với tôi, nhưng tôi vẫn trút giận hờn lên họ chỉ vì thấy ghét và ghen tỵ", Khiêm nhớ lại.
Chính vì luôn đánh bạn tù, không chịu đi lao động và thậm chí còn chửi lại cán bộ nên trong khoảng thời gian 3 năm ở Trại giam Hồng Ca, phạm nhân này bị điều chuyển hết đội này sang đội khác, hết phân trại này sang phân trại khác, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Cuối năm 2011, Khiêm được chuyển về Trại giam Tân Lập. Tại đây, chỉ 6 tháng sau Khiêm đã thay đổi một cách không ngờ.
Bài viết của Khiêm trên báo tường của phân trại. |
Tiến bộ nhờ được… khơi nguồn cảm hứng
Theo lời kể của Khiêm thì việc viết văn, làm thơ đến với anh ta rất tình cờ. Đó là một buổi chiều lên thư viện, Khiêm thấy một cuốn truyện rất hay và anh ta cứ mải miết đọc cho đến hết.
Trở về buồng giam rồi mà nội dung câu chuyện cứ khiến đầu óc Khiêm vương vấn mãi. "Tức cảnh sinh tình", Khiêm bật lên 4 câu thơ và kể từ đó, chuyện sáng tác thơ với Khiêm nhẹ nhàng như hơi thở.
"Có đêm đang ngủ, tôi bật dậy vì những ý thơ cứ từ đâu xuất hiện trong đầu. Một lần, hai lần rồi nhiều hơn nữa, tôi không nhớ hết nhưng đến nay thì tôi cũng sáng tác được khoảng 100 bài thơ rồi", Khiêm kể.
Hỏi anh ta động cơ nào cho cảm hứng làm thơ, Khiêm cười hồn nhiên: "Là do môi trường cải tạo. Cán bộ không phân biệt mà còn cho tôi tự chọn nơi cải tạo. Khi tôi bảo thích làm thơ, cán bộ Huynh còn cho tôi giấy bút, bảo nghĩ gì cứ viết ra, cán bộ sẽ sửa cho, đừng ngại. Thế là viết", Khiêm kể.
Anh ta cũng thừa nhận là qua những lần trò chuyện với cán bộ Huynh, Khiêm nhận thức được cái sai của mình và biết xấu hổ mỗi khi bị nhắc đến tên trong các buổi họp đội, bình xét thi đua.
Là phạm nhân ngang bướng, chuyển trại giam vì thường xuyên đánh bạn tù nên khi về Trại giam Tân Lập, Khiêm trong mắt mọi người là một kẻ phải dè chừng.
Ngay bản thân Khiêm cũng nghĩ mình là người bỏ đi, không thể sửa chữa được. Thế nhưng, chính cán bộ giáo dục là người đã đánh thức chút lương thiện trong con người Khiêm. Trong một lần nghe anh ta tâm sự rằng rất thích chuyện trinh thám, người cán bộ này đã cho Khiêm mượn hai cuốn "Cổ học tinh hoa" khiến anh ta vô cùng ngạc nhiên.
"Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy cán bộ đưa cho tôi 2 cuốn sách đó. Tôi nhận với thái độ miễn cưỡng nên nghĩ mình sẽ đọc nó để giết thời gian nhưng càng đọc càng thấy hay và tôi phải cảm ơn anh vì cuốn sách đó đã làm tôi thay đổi", Khiêm kể.
Những trang báo tường do Khiêm và phạm nhân trong tổ làm ra. |
Những triết lý cuộc sống, lời phân tích trong cuốn sách đã giúp Khiêm vỡ vạc rất nhiều điều và khi được động viên tham gia cuộc thi cảm nhận sách, Khiêm đã không ngần ngại bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận của mình về hai cuốn sách vừa đọc.
Khiêm bảo từ khi đọc sách, làm thơ, Khiêm thấy yêu cuộc sống này hơn. Và những cảm nhận về cuộc sống của những con người tội lỗi, những tâm sự về lầm lỗi của mình cứ thế được Khiêm bày tỏ qua những vần thơ, được đăng tải lên những trang báo tường của trại.
Trong cuộc thi viết tìm hiểu về tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người do Cục Quản lý trại giam phát động, Khiêm đã viết một bài dài 15 trang.
Nhận xét về phạm nhân Khiêm, trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng Đội Giáo dục Trại giam Tân Lập hóm hỉnh: "Làm được bài thơ nào, Khiêm lại khoe với tôi, còn say sưa đọc những câu mà anh ta tâm đắc nhất. Những khi ấy tôi lại bảo Khiêm bây giờ nhiều chữ hơn cán bộ rồi. Anh ta lại cười. Nhìn gương mặt rạng rỡ của anh ta lúc ấy, chẳng ai nghĩ 2 năm trước, Khiêm là phạm nhân cá biệt ở Trại giam Hồng Ca".
Khiêm bộc bạch với chúng tôi về sự thay đổi của mình là do được cán bộ trại tin tưởng, cho lao động ở đội văn hóa. Và chính những công việc như làm báo tường, viết bản tin và tham gia các cuộc thi viết do trại giam tổ chức đã khơi nguồn cảm hứng cho anh ta. Khiêm cho biết ngoài làm thơ, viết các bài dự thi, anh ta còn viết truyện nữa.
"Tôi đã viết được 2 cuốn truyện ngắn và truyện nào cũng được các bạn tù đón nhận. Họ cổ vũ tôi bằng những câu khen ngợi khiến tôi rất hạnh phúc. Hai năm nay tôi được xếp loại khá.
Nghĩ lại thời gian 5 năm trước đây mà tiếc. Chỉ vì giận hờn vô cớ mà liên tiếp bị kỷ luật. Nhưng đó cũng là bài học để tôi nhìn lại bản thân mà nỗ lực phấn đấu", Khiêm bày tỏ khi chia tay chúng tôi. Anh ta không quên đọc cho chúng tôi nghe mấy câu trong một bài thơ vừa sáng tác như một lời nhắn nhủ rằng kẻ quậy phá ngày nào giờ đã biết quay đầu hướng thiện.