Nghịch lý bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể

Thứ Bảy, 28/12/2019, 09:47
Tiến sĩ Frank Proschan cố vấn của UNESCO về Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2003 khẳng định, UNESCO không vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể.

Những ngày này, trong khi thông tin UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khiến nhà nhà cùng hồ hởi thì việc UNESCO Hà Nội khẳng định UNESCO chỉ ghi danh, không vinh danh hay công nhận di sản văn hóa phi vật thể cũng khiến không ít người bất ngờ. Việc hiểu sai bản chất của hoạt động này, hiểu chưa đúng tinh thần của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã, đang kéo theo nhiều hê lụy đáng tiếc.

Nhiều nước đang hiểu sai

Tại hội thảo chuyên đề “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Các khái niệm chính trong Công ước 2003” do UNESCO Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Cục Di sản Văn hóa tổ chức, Tiến sĩ Frank Proschan, cố vấn của UNESCO về Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2003 (Công ước 2003), học giả Fullbirght 2019-2020 khẳng định, việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đang bị hiểu chưa đúng. Kết quả kiểm tra nhanh qua công cụ tìm kiếm của google cho thấy, rất nhiều người, nhiều văn bản thông tin chưa đúng về việc này.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa được UNESCO ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiến sĩ Frank Proschan khẳng định, UNESCO không vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Việc dùng từ “công nhận” di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể nhân loại gây ra sự hiểu nhầm về di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, không đúng theo tinh thần Công ước 2003. 

Theo Công ước 2003, di sản văn hóa phi vật thể thuộc về các cộng đồng, không thuộc về quốc gia, nhân loại và chỉ có cộng đồng có quyền công nhận cái gì là một phần di sản của họ. Nhiệm vụ bảo vệ di sản trước hết là của cộng đồng. 

Công ước ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng – cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan – mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. 

Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người…”. 

Công ước 2003 cũng không còn dùng cụm từ “của thế giới” hay “của nhân loại” cho di sản văn hóa phi vật thể mà dùng từ “của họ”, tức là di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng. Trong Công ước cũng chỉ có khái niệm “nguyện vọng về mối quan tâm chung của nhân loại về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” hoặc “việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc về mối quan tâm chung của nhân loại”. 

Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia, càng không thuộc về nhân loại. Cộng đồng sáng tạo và thường xuyên thực hành nó là chủ sở hữu duy nhất. Nhiệm vụ bảo vệ di sản trước hết phải là của cộng đồng. Cộng đồng nằm trên quốc gia nào thì gắn trách nhiệm với quốc gia đó. Chính phủ hay UNESCO cũng chỉ giữ vai trò hỗ trợ và không có biện pháp hỗ trợ nào được tách rời di sản khỏi cộng đồng.

Tiến sĩ Frank Proschan cũng chỉ ra rằng, mục đích của việc ghi danh của UNESCO là nhằm bảo vệ di sản và Công ước 2003 khuyến khích, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa nên tuyệt đối không so sánh di sản văn hóa này với văn hóa khác, càng không có chuyện vinh danh di sản văn hóa này mà không vinh danh di sản văn hóa khác. 

Việc hiểu sai sẽ chuyển tải thông tin sai và thực hiện sai so với tinh thần Công ước 2003 cũng không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà là tình trạng chung ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hệ lụy là di sản được ghi danh để bảo vệ chịu tác động tiêu cực, trở nên méo mó, biến dạng. Vì thế, trước đây, ngay trong UNESCO cũng đã có ý kiến đề nghị không nên ghi danh để tránh hiểu nhầm, tránh tác động tiêu cực đến di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng sau đó ý kiến này đã bị bỏ qua.

Tiến sĩ Frank Proschan.

Cần hiểu đúng để có ứng xử phù hợp với di sản văn hoá

Thực tế, tại Việt Nam, cách hiểu sai, chuyển tải sai và thực hiện sai trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh nói riêng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. 

Khi có di sản của cộng đồng nào đó ở địa phương được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hay danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hầu hết chính quyền các địa phương đều tổ chức các lễ đón nhận cùng nhiều hoạt động khác kèm theo khá tốn kém. Di sản của cộng đồng cũng được mặc định như là di sản của tỉnh, thành, quốc gia. 

Cũng vì hiểu chưa chính xác việc ghi danh và tinh thần Công ước 2003 nên đã có tình trạng tỉnh này, tỉnh khác cùng tranh di sản được ghi danh. Cũng vì hiểu chưa chính xác nên mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã dự kiến đưa màn đại Xòe trong đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải 2019 đăng ký kỷ lục thế giới. 

Với Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng không là ngoại lệ. Từ trước, trong và sau khi UNESCO ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể, đến nay, đây vẫn là một trong những di sản văn hóa phi vật thể bị lo ngại có nhiều biến tướng nhất, trong quá trình thực hành thường xảy ra nhiều hiện tượng gây tranh cãi nhất.

Không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực từ hoạt động ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách của UNESCO hay danh mục di sản văn hóa quốc gia. Ngay tại thời điểm Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt mới được UNESCO ghi danh, khi chúng tôi tìm về Nam Định – một trong những “thủ phủ” thực hành tín ngưỡng này, rất nhiều thanh đồng nổi tiếng tại đây đều cho hay, sau khi UNESCO ghi danh, lượng người tìm về địa phương tăng vọt. Đó không chỉ là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, du khách mà còn có rất nhiều “con nhang, đệ tử”. 

Không ít người lợi dụng mê tín để trục lợi thông qua các buổi lễ mang danh hầu đồng. Hiện đại hơn, chỉ cần nhờ công cụ tìm kiếm google, qua các trạng mạng xã hội, người quan tâm đến tín ngưỡng này dễ bắt gặp vô số các quảng cáo làm lễ kiểu “cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc”, kể cả xin số đánh… lô đề, mua xổ số.

Hát Xoan – một trong số các di sản văn hóa phi vật thể đang được đưa vào khai thác phục vụ du lịch.

Trao đổi quanh việc hiểu, chuyển tải và thực hiện sai việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, tinh thần Công ước 2003 nói chung, chuyên gia Phạm Cao Quý cho rằng, đây là vấn đề khó có thể giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn. 

Ông Phạm Cao Quý là một trong số các thành viên của đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Colombia. Tại phiên họp này, Mới đây, khi Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin, ông Phạm Cao Quý đã phải đính chính trên trang cá nhân rằng đây không phải là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như báo chí đưa. Và rằng, việc ghi danh là nhằm mục đích bảo vệ di sản. Không phải UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Tuy nhiên, giữa cơn lốc thông tin, đính chính này như “muối bỏ biển”.

Về vấn đề này, đại diện UNESCO Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hường và đại diện của Cục Di sản Văn hóa, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng thừa nhận, UNESCO và Cục Di sản Văn hóa đã nhận biết từ lâu nhưng chỉ đính chính được trong phạm vi và khả năng cho phép. Di sản văn hóa phi vật thể là những viên ngọc rất quý mà hiện nay không phải cộng đồng, xã hội đã nhận thức rõ ràng. Hiện tại, cả UNESCO Hà Nội và Cục Di sản Văn hóa đang cố gắng thay đổi thực trạng này. 

Trước mắt là việc tăng cường trao đổi với truyền thông, trong tương lai là tăng cường các buổi tọa đàm, hội thảo với quy mô lớn hơn, dài ngày hơn. Tuy nhiên, để bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, trong thực tế, còn rất nhiều vấn đề từ nguyên nhân khách quan và cả nguyên nhân chủ quan là sự chủ động của các cộng đồng, chủ thể của di sản. 

Minh Hà
.
.