Chấn chỉnh chính quyền cơ sở
Sự việc rất đơn giản. Em VA (trú tại xã Duyên Hà) mang sơ yếu lý lịch đến xã xin xác nhận để chuẩn bị nhập trường đại học. Tuy nhiên, cán bộ tiếp dân thông báo gia đình em chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới, gồm tiền làm đường 300.000 đồng mỗi khẩu, tiền điện chiếu sáng 130.000 đồng mỗi khẩu... vì vậy em phải về "nói với bố mẹ đóng đầy đủ, có hóa đơn thu của thôn thì xã mới xác nhận".
Ngày hôm sau, em lại mang lý lịch đến UBND xã xin xác nhận. Tất nhiên là các khoản phí trên đều chưa nộp nên cán bộ tiếp dân đã phê vào lý lịch của em: "bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương… " rồi mang lên để Chủ tịch xã ký, đóng dấu.
Minh họa của Lê Tiến Vượng. |
Quá bức xúc vì những nhận xét trên trong bản sơ yếu lý lịch, em VA đã đưa lên mạng xã hội và được nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình, cho rằng việc xác nhận của UBND xã Duyên Hà là sai quy định pháp luật, gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, đích thân Chủ tịch xã đã đến nhà em xin lỗi và xác nhận lại lý lịch. Sự việc chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch xã cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc này và hình thức kỷ luật sẽ được họp bàn tiếp.
Trước đó, việc xin giấy chứng tử chậm do tắc trách của cán bộ phường Văn Miếu, quận Đống Đa cũng gây bức xúc công luận. Đoàn kiểm tra công vụ của TP Hà Nội đã vào cuộc, xác minh, đưa ra những kết luận cụ thể cũng như những bài học chung cho chính quyền cơ sở. Cụ thể, sau sự việc này, đoàn đã công bố quyết định chấm dứt hợp đồng đối với cán bộ chuyên trách tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của phường.
Trên đây chỉ là 2 trong số những vụ việc liên quan đến hoạt động cũng như tư cách của những cán bộ trong bộ máy chính quyền cơ sở. Về cơ bản, cán bộ phường, xã đều có tư cách tốt, thái độ thân thiện, cởi mở giải quyết công việc nhanh chóng theo đúng quy định của pháp luật với người dân trong địa bàn.
Song, khi những sự việc đáng tiếc trên xảy ra đã khiến nhiều người bức xúc và mong muốn chính quyền cơ sở không chỉ có hình thức xử lý cần thiết mà còn phải chấn chỉnh để những việc trên không tiếp diễn.
Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận: Hà Nội xác định CCHC là một trong ba khâu đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.
Tuy nhiên, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận "một cửa" của cấp phường, xã vẫn còn hạn chế, thậm chí còn yếu kém và hách dịch, gây phiền hà cho dân, không để lại thiện cảm tốt đẹp mỗi khi người dân có việc phải đến.
Thường xuyên tiếp xúc với dân, trực tiếp giải quyết mọi việc cũng như những khiếu nại, thắc mắc của người dân trong địa bàn, rõ ràng cán bộ phường, xã không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn phải có nhiều kỹ năng cơ bản.
Vấn đề không dừng lại ở việc những sai phạm cần xử lý, rút kinh nghiệm mà còn phải tập huấn, trang bị kiến thức để những cán bộ này có thể đáp ứng những công việc được giao. Chỉ có vậy, uy tín của họ mới được đảm bảo và góp phần giữ gìn trật tự, bình yên trên địa bàn.