Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và niềm đam mê ẩm thực

Thứ Tư, 04/12/2019, 11:36
Đối với Nguyễn Quang Thiều, món ăn và câu chuyện ăn uống không chỉ đơn giản là để cho no bụng. Trong món ăn còn chứa rất nhiều điều như văn hóa, tâm linh, lịch sử và những ký ức tình người.


Nguyễn Quang Thiều là một người cầm bút nổi tiếng ở nhiều thể loại khác nhau. Nhưng ông cũng là một người rất thích nấu ăn và có một tình yêu đặc biệt đối với ẩm thực. Đối với Nguyễn Quang Thiều, món ăn và câu chuyện ăn uống không chỉ đơn giản là để cho no bụng. Trong món ăn còn chứa rất nhiều điều như văn hóa, tâm linh, lịch sử và những ký ức tình người. 

Cách đây vài năm, ông cho ra mắt bạn đọc cuốn ký - tản văn "Mùi của ký ức" viết về những món ăn tuổi thơ ám ảnh ông. Trong buổi tọa đàm mới đây về văn học ẩm thực, ông đã cùng độc giả "khai mở" rất nhiều điều thú vị về giá trị văn hóa, giá trị tâm hồn của những món ăn. Theo ông, những món ăn ngon cũng chính là di sản của dân tộc.

Ám ảnh những món ăn dân dã quê nhà

Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở Làng Chùa, thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Trong những trang viết và trong những câu chuyện đời thường, Nguyễn Quang Thiều thường nhắc về Làng Chùa, nhiều đến độ ngôi làng đã trở nên nổi tiếng. Ông cũng là người đi nhiều, đặt chân đến nhiều quốc gia khác nhau, thưởng thức nhiều món ăn ngon của các quốc gia dân tộc đó. 

Nguyễn Quang Thiều kể: "Mỗi khi có dịp đến một vùng đất nào đó, tôi thường trò chuyện với người bản địa về các món ăn đặc trưng nhất của vùng đất đó, và ăn món ăn của họ. Tôi phải thử các món ăn đặc trưng của mỗi một xứ sở. Có thể tôi không cảm nhận hết được những ý vị trong món ăn đó, vì tôi không có ký ức về món ăn như họ, không có những kỷ niệm cuộc đời gắn với những món ăn như họ. Nhưng tôi ít nhiều hiểu được đời sống văn hóa của họ thông qua những món ăn".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong các món ăn chứa một ký ức vô cùng mạnh mẽ của con người. Ông viết cuốn sách "Mùi của ký ức" là bởi lý do như vậy. Mặc dù đã đi rất nhiều nơi, ăn nhiều món ngon trên đời nhưng khi nhà văn đặt bút xuống để viết, ông chỉ thích viết về những món ăn gắn với ông thủơ nhỏ, khi còn là một cậu bé được sống trong tình yêu và sự chăm sóc của những người thân. 

Món ăn ngon nhất trên đời đối với ông chính là món ăn từ bàn tay mẹ nấu. Những món ăn dân dã từ miền quê nghèo trong những năm tháng đói khổ còn ám ảnh ông mãi, bởi nó chứa đựng cả phần đời đẹp đẽ ông đã đi qua. Là những buổi trưa hè đi xúc hến ngoài bãi sông, hái rau dại trên cánh đồng. Là những tối mùa đông mưa phùn gió bấc được cùng các anh chị em quây quần ấm áp trong ngôi nhà của mẹ, ăn những món mẹ nấu. Là tình làng nghĩa xóm, là họ hàng cô dì, chú bác, những người đã chia sẻ cùng nhau rất nhiều thăng trầm để vượt qua những ngày tháng khó khăn, vượt qua cái đói, cái nghèo. 

Nguyễn Quang Thiều nói, chính những giá trị cuộc đời được tạo ra từ những năm tháng ấu thơ đã tạo cho từng món ăn quê nhà một vẻ đẹp bất diệt. Ông kể về một món ăn mà đối với ông nó thực sự ngon, đến giờ phút này ông vẫn luôn vào bếp nấu cho gia đình, con cái cũng như thết đãi bạn bè, kể cả bạn bè quốc tế.

Đó là món canh hến nấu lá dâu tằm. Mẹ ông xưa rất nghèo, không có tiền đi chợ nên các con thường ra bãi sông hái lá dâu tằm bánh tẻ mang về cho mẹ nấu canh cùng hến xúc dưới sông. Đây là món canh đặc trưng nhất của Làng Chùa quê ông, đến nỗi mỗi khi nhớ về mẹ là ông nghĩ đến món này. Mẹ của nhà văn đã khuất bóng từ lâu, nhưng mỗi khi tưởng nhớ đến mẹ, ông vẫn thường vào bếp nấu món ăn này. 

Khi các con ông còn nhỏ, ông cũng thường dạy con nấu món ăn truyền thống của làng, giải thích cho các con nghe về cách kết hợp gia vị trong từng món. Theo ông, trong ẩm thực có tính giáo dục rất cao. Người ta có thể dạy cho trẻ em rất nhiều điều về lịch sử, văn hóa, số phận con người, tình yêu với quê hương, xứ sở thông qua các món ăn.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và mẹ. Đối với ông, món ăn ngon nhất trên đời là những món mà lúc sinh thời mẹ thường nấu cho ông ăn.

Nấu ăn và viết về ẩm thực đều cần tình yêu

Nếu bạn từng nghĩ rằng chuyện ăn uống không thể nào lại trở thành một đề tài có thể viết hay và xao động lòng người thì bạn có thể sẽ phải thay đổi quan điểm đó khi đọc cuốn sách "Mùi của ký ức" của Nguyễn Quang Thiều. 

Bởi những trang viết đắm say hồn người, như trong tản văn viết về rau cải: "Mẹ chàng đã mất nhiều năm nay và không còn ai trồng cải trong vườn để cải ra hoa và gọi chàng về nữa. Chàng đứng đó im lặng cho tới khi bóng tối phủ kín khu vườn. 

Một vài vạt hoa cải để làm giống cho mùa sau không làm thay đổi đời sống vật chất của chàng. Nhưng màu vàng của nó đã nuôi lớn một phần tâm hồn chàng… Chàng đứng trong vườn, lòng xao động lạ thường. Một cảm giác không cầm lòng được tràn ngập trong chàng. Và chàng đã viết một câu thơ "Hoa cải rơi không thể cầm lòng" như gieo một hạt giống trong lòng mình".

Luôn phải có một tình yêu sẵn đấy cho công việc nấu ăn hay viết văn, Nguyễn Quang Thiều khẳng định. Ông kể lại câu chuyện về một quán phở gà nổi tiếng ở Hà Nội. Ngày xưa khi bà cụ chủ quán phở còn sống, quán đông khách kinh khủng. Đến nỗi các hãng truyền thông lớn của thế giới đều đã tới làm phóng sự về quán phở này. Trên bức tường đầy rêu mốc dán đầy những bài báo tiếng nước ngoài viết về quán. 

Một số nhà báo quốc tế trong khi làm chương trình về Phở Việt họ cũng đã yêu thích đến nỗi dán ảnh quán phở trên mũ, trên máy quay của họ. Tuy nhiên từ khi bà cụ qua đời thì mọi chuyện đã khác. Công thức nấu phở chắc chắn bà cụ để lại cho con không sai một chút nào, nhưng quán đã không còn hấp dẫn như trước nữa. Vì sao vậy? Vì nấu ăn cần rất nhiều tình yêu của người nấu. Công thức chỉ là cái gì khô cứng, còn giá trị của một món ăn không thể không cộng vào đó tình yêu thiết tha của người đầu bếp. Nó là yếu tố dường như vô hình nhưng mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy rất rõ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cùng các diễn giả trong tọa đàm về văn học ẩm thực tại Hà Nội vừa qua.

Tương tự như vậy khi viết văn nói chung và viết về ẩm thực nói riêng, nhà văn phải dành rất nhiều tình yêu cho từng con chữ, cho từng món ăn. Họ không thể tạo ra sự lấp lánh nếu như thiếu đi sự run rẩy của trái tim trong đó. 

Nguyễn Quang Thiều hy vọng trong tương lai văn học Việt Nam sẽ có nhiều nhà văn viết hay về đề tài ẩm thực, tạo ra một dòng văn học ấn tượng gọi là văn học ẩm thực. Vì đất nước ta trên bản đồ du lịch thế giới là một nước có nhiều di sản quý báu trong đó ẩm thực cũng là một di sản đặc biệt quyến rũ với nhiều món ăn ngon. 

Ông nói: "Ẩm thực là một trong những di sản quan trọng của đất nước. Nó có sức mạnh tiềm ẩn vô cùng lớn, vừa vật chất vừa tinh thần. Nó có thể hóa giải rất nhiều điều mà chúng ta chưa bao giờ để ý đến, chúng ta vẫn chỉ coi nó mang tính thực dụng là một món ăn để đi qua cơn đói. Giờ đây khi cuộc sống đã khấm khá hơn lên, chúng ta phải nhìn câu chuyện ẩm thực theo một cách khác, như những giá trị cần được bảo vệ. 

Ở các nước phương Tây, nhiều nhà văn đặc biệt quan tâm đến ẩm thực và họ tạo ra một dòng văn học ẩm thực vô cùng mạnh mẽ, giàu có. Tôi nhớ câu chuyện ở Mỹ có một phụ nữ phạm tội phải đi tù. Trong 5 năm ở tù, bà đã viết một cuốn sách, sau đó trở thành tỷ phú nước Mỹ. Tất cả các bà nội trợ Mỹ đều có cuốn sách đó trong nhà. Cuốn sách của bà nói về nghệ thuật của ẩm thực rất hay".

Bìa cuốn sách “Mùi của ký ức” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Về việc gìn giữ các tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Ẩm thực không tự nhiên sinh ra mà chính là trong đời sống hàng ngày, con người đã sáng tạo ra các món ăn. Ẩm thực là văn hóa và nó cũng phải đối diện với nguy cơ bị mai một, bị "thôn tính" trở thành giá trị của quốc gia dân tộc khác nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn. 

Hẳn các bạn còn nhớ, hàng chục năm trước nước mắm Phú Quốc đã được gắn mác một thương hiệu Thái Lan, và chúng ta phải chấp nhận mất đi một thương hiệu ẩm thực tuyệt vời của xứ sở mình. Chúng ta phải thường xuyên giáo dục cho thế hệ trẻ thường xuyên liên tục thì có thể trẻ những kiến thức về văn hóa nói chung và các món ăn nói riêng, để họ biết yêu và trân trọng các vẻ đẹp văn hóa của dân tộc.

 Với ẩm thực cũng đừng nên xem nhẹ, phải luôn luôn quảng bá nó bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó văn học nghệ thuật là một kênh quan trọng. Chúng ta có những di sản tuyệt vời nhưng nếu chúng ta thờ ơ không biết cách giữ gìn thì đến một ngày nó có nguy cơ mất đi trong chính đời sống của dân tộc mình, hoặc chuyển hóa thành vẻ đẹp một dân tộc khác". 

Hội Quân
.
.