Từ thuở cất tiếng hát đầu tiên
- NSND Trần Hiếu: Cái sai lớn nhất là yêu lầm người
- NSND Trần Hiếu: Cái sai lớn nhất là yêu lầm người
- NSND Trần Hiếu và ca sỹ Tùng Dương “chat” trong “Khi người ta trẻ”
- Kính chào NSND Trần Hiếu, mới đây, ông vừa được trao kỷ lục "Nghệ sỹ nhân dân cao tuổi nhất còn tham gia biểu diễn trên sân khấu". Cảm xúc của ông ra sao, thưa ông?
+ Không có gì ghê gớm cả. Đó là một trong rất nhiều dịp đặc biệt nào đó trong cuộc đời mà thôi. Từ hôm biết tin tôi nhận được danh hiệu này, bạn bè, đồng nghiệp rồi học trò các thế hệ gửi tin nhắn, gọi điện thoại chia vui tới tôi nhiều. Mọi người nói tôi xứng đáng với danh hiệu ấy. Tôi thấy vui vì điều đó. Vui là vậy nhưng gia đình cũng không làm gì cả.
Trong nhà, mọi việc trước nay vẫn thế. Tự vui trong lòng mình, trong lòng vợ con và trong lòng bạn bè, học trò thế là được rồi. Bao nhiêu năm làm việc say sưa, có bao giờ tôi mong lúc nào đó được trao tặng cái này cái kia đâu. Tôi cũng không ngóng đợi điều gì hết. Cũng không có suy nghĩ, bây giờ, mình đến đây là đủ rồi, nghỉ được rồi, kết thúc được rồi. Tôi vẫn phải tiếp tục bước đi. Mà từ hôm được nhận danh hiệu này, tôi cũng có được nghỉ đâu.
Tôi vừa thực hiện xong chương trình kỷ niệm Trần Hiếu tuổi 80 do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh thực hiện ghi hình 10 tiết mục do tôi biểu diễn. Lịch quay liên tục từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều mới xong. Xong việc này, sau đó, tôi lại đi diễn cho bộ đội xem. Tất cả những việc tôi làm trước nay như thế nào thì bây giờ vẫn thế. Không có gì xáo trộn cả. Vừa rồi, người ta giới thiệu tôi, gọi tôi là "Nghệ sỹ nhân dân" là được rồi. Lại chêm thêm "Người vừa đạt kỷ lục…". Ai lại làm thế bao giờ. Tôi rất ngượng.
NSND Trần Hiếu ghi dấu ấn trong lòng khán thính giả cả nước bởi chất giọng nam trầm hiếm có. |
- NSND Trần Hiếu đi hát năm 11 tuổi. Đến nay, thời gian mà ông gắn bó với nghề đã hơn 2/3 thế kỷ. Làm sao ông giữ được niềm đam mê với sân khấu như thế?
+ Tôi cũng không biết bao giờ giời gọi. Hiện nay chẳng ai bảo cả nên tôi cứ hát thôi. Hát để phục vụ nhân dân mình. Hát cho nhân dân mình nghe. Với tôi, cả cuộc đời, hát là niềm đam mê lớn nhất. Tôi chưa bao giờ muốn mình có một căn nhà hay tài sản gì để lại cho con cháu. Từ thuở cất tiếng hát đầu tiên cho đến bây giờ đã gần 70 năm, trong đó có 60 năm hát chuyên nghiệp, bây giờ còn lại những năm cuối đời, tôi chỉ có một tâm nguyện là hát cho đến chết, nếu không thì cũng phải dạy cho đến chết.
Trong chừng ấy năm, tôi luôn muốn mang tâm hồn mình phục vụ cho người Việt Nam. Tôi nói vậy vì tôi được ba lần mời ở lại nước ngoài, ở Pháp, ở Ý và ở Nhật Bản. Họ đưa ra những đề nghị rất hấp dẫn, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra sống ở nước ngoài dù đang ở vào giai đoạn gian khó nhất của cuộc đời. Vì tôi chỉ muốn hát cho dân mình. Tôi được trao tặng danh hiệu "Nghệ sỹ nhân dân" thì tôi phải có trách nhiệm với điều đó.
- Mặc dù đam mê thế nhưng cũng phải có đôi lúc chán chứ, thưa ông?
+ Không có chuyện chán ca hát là niềm vui suốt đời của tôi. Đơn giản thế thôi.
- Nói như thế, hẳn NSND Trần Hiếu bận rộn với niềm đam mê của mình rồi?
+ Một tháng, có khi tôi đi diễn tới 16 buổi, bình quân 2 ngày một buổi nhưng cũng có lúc 1 ngày 2 buổi. Và dù ở tuổi bát tuần nhưng không tháng nào là tôi không đi diễn. Ngoài đi hát, tôi còn dạy nhạc cho học sinh - sinh viên trong Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, một vài trường Đại học có khoa Thanh nhạc và tại nhà riêng. Việc dạy cũng ngốn của tôi khá nhiều thời gian và tâm sức. Cũng may, nhờ ơn giời cho tôi chút sức khỏe để có thể vừa dạy học, vừa đi hát chứ kể ra ở cái tuổi như của tôi giờ chẳng còn ai đi hát nữa cả.
- So với những nghệ sỹ khác, NSND Trần Hiếu dường như "lười" ra băng đĩa. Nếu tôi không nhầm, mới có một băng cassette và một album "NSND Trần Hiếu - Còn lại với thời gian" về ông mà thôi. 2 sản phẩm này lại do những cá nhân, đơn vị khác thực hiện. Ông không có ý định ra một album cho chính mình?
+ Các nghệ sĩ thế hệ cũ có cách nghĩ riêng của mình. Ai cần thì mời thu âm, thế thôi. Hơn 70 năm ca hát, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ phải làm album cho mình. Mặc dù thế, khán giả vẫn nhớ tới tôi, yêu mến tôi. Còn gì bằng.
Những ca khúc làm nên tên tuổi của NSND Trần Hiếu phải kể đến: "Con voi" (Nguyễn Xuân Khoát), "Hò kéo pháo" (Hoàng Vân), "Tôi là Lê Anh Nuôi” (Đàm Thanh)… |
- Có ý kiến cho rằng, lứa nghệ sỹ cũ đã sống, cống hiến và để lại tượng đài lớn trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ sau khi mất đã mang tất cả về thế giới bên kia. Ý của họ ám chỉ ở đây, đó là, chúng ta đang có một sự đứt gãy trong việc chuyển giao thế hệ. Thế hệ trẻ không chịu tiếp thu những tinh hoa trong quá khứ vào hoạt động nghệ thuật của mình. Ông nghĩ sao về điều này?
+ À cái này, không phải là chuyện để tôi có thể nói một vài câu cho xong. Nó có nhiều vấn đề lắm. Nhưng nói chung, tôi cho rằng, đó là một điều mà chúng ta không nên so sánh. Anh bảo anh hay. Họ cũng bảo họ hay. Thậm chí, họ cho rằng, cái hay của họ còn hay hơn của anh rất nhiều. Nghệ thuật không phải là chỗ để người ta cãi nhau cái này hay cái kia hay hơn. Quan trọng là khán giả. Đó là đối tượng quyết định đường hướng, chứ không phải ông nọ bà kia đâu. Cuộc tranh cãi trên báo cũng chỉ là một thứ tranh cãi thôi.
Anh cứ nói ý anh. Tôi cứ nói ý tôi. Nhưng mà cứ để đó đi. Rồi thời gian sẽ trả lời tất cả. Khán giả sẽ biết cái gì cần nghe, cái gì không cần nghe. Cái cần nghe thì người ta không tiếc thời gian, tiền bạc, cái gì không có nhu cầu thì người ta không nghe. Đó là sự đánh giá công bằng nhất. Cũng như việc có khuynh hướng nọ khuynh hướng kia, thì theo tôi, cũng chỉ là khuynh hướng trong cuộc sống mà thôi. Chúng ta không thể nào nói cái này đúng cái kia sai. Quan trọng nhất là ai nghe. Và có nhiều người nghe không. Chúng ta đừng áp đặt điều gì cả. Mỗi thời sẽ có câu chuyện của mình.
- Lâu rồi không thấy NSND Trần Hiếu tham gia các chương trình truyền hình thực tế với tư cách giám khảo. Khán giả vẫn nhớ sự duyên dáng, bộc trực của ông đấy?
+ Gần đây tôi có tham gia một số chương trình như "Gia đình tài tử", "Tiếng hát truyền hình"…. Làm nhiều quá rồi thì người ta thay người, âu cũng là chuyện bình thường. Sau này, một trong những chương trình mà tôi từng làm giám khảo là "Gia đình tài tử" biến thái nhiều quá, thành ra xem không còn thú vị nữa.
Sắp tới, họ lại quay về format cũ và mời tôi làm giám khảo. Họ mời vì mình phù hợp với chương trình, hết lòng, nghiêm túc. Nhiều người không biết, chứ tôi làm nghề giám khảo lâu nhất đấy. Tôi làm từ năm 1957. Về nghề này, có những chỗ, ngồi mãi thấy mình vô duyên. Nếu lúc nào tôi cảm thấy thế, tôi chủ động xin rút để làm cái khác. Ngồi mãi ở vị trí đó, chương trình đó mãi cũng nhạt.
- Cảm ơn NSND Trần Hiếu. Kính chúc ông sức khỏe để tiếp tục với đam mê của mình.