Họa sĩ Vũ Thái Bình: Bởi một tình yêu với Dó

Thứ Ba, 28/02/2017, 10:41
Vũ Thái Bình có vẻ ngoài già dặn hơn tuổi. Anh thuộc tuýp người hoài cổ, thích tìm về các giá trị truyền thống, nâng niu các vẻ đẹp nhỏ bé, bình dị của cuộc sống. Xuất thân là một họa sĩ sân khấu, nhưng Vũ Thái Bình không theo nghề sân khấu, anh chọn hội họa. Và phần lớn niềm đam mê hội họa anh dành cho giấy Dó.


Tranh vẽ trên giấy Dó của Vũ Thanh Bình mang cho người xem những cảm xúc đăc biệt, rất khác với những tranh giấy Dó mà phần đông chúng ta từng biết. Tìm hiểu về chất liệu truyền thống này, Vũ Thanh Bình tin rằng, Dó là chất liệu có tầm quan trọng hơn rất nhiều trong hội họa, mà các họa sĩ của chúng ta chưa khám phá hết.

- Trước đây, tôi thường chỉ xem tranh ký họa, tranh vẽ mực tàu, mực nho trên giấy Dó. Tôi không thể hình dung giấy Dó có thể tạo ra những bức tranh màu sắc đa dạng, phong phú, điêu luyện như những bức tranh anh trưng bày trong triển lãm “Sắc Dó” vừa rồi. Thật là một sự ngạc nhiên thú vị, một hiểu biết mới của tôi về chất liệu giấy Dó.

+ Bạn biết đấy, trước đây, khi nhắc đến chất liệu truyền thống trong hội họa mọi người hay nhắc đến lụa với sơn mài. Dó thường được nhắc sau, nhắc ít hơn. Nhưng quay lại lịch sử, chúng ta có thể thấy ngày xưa cha ông ta thường xuyên dùng giấy dó để làm sắc phong, ghi chép tài liệu. Sau này mỹ thuật phát triển một chút, họa sĩ của ta hay sử dụng Dó nhiều hơn một chút, thường là để ký họa, ghi chép lại. Gần đây thì mới có một số họa sĩ dùng giấy Dó để làm tác phẩm.

Họa sĩ Vũ Thái Bình cũng vợ và các con trong một chuyến đi thực tế.

Nghiên cứu kỹ, tôi thấy Dó rất bền, thậm chí bền hơn các chất liệu khác. Tranh sơn dầu trong khí hậu của mình thường dễ hỏng, phải bảo quản rất tốt trong điều kiện nhiệt độ phù hợp. Nhiều tranh treo trong bảo tàng mấy chục năm đã phải phục chế. Nhưng Dó  thì khác, nó là chất liệu cực kỳ bền, có thể để được mấy trăm năm, thậm chí có thể để cả ngàn năm. Cây Dó vốn sinh ra từ khí hậu nhiệt đới nước ta, nên khi nó trở thành giấy, nó rất phù hợp với thời tiết và dễ dàng bảo quản. Các nguyên liệu trộn để làm giấy Dó cũng lấy từ tự nhiên, và đó là lý do vì sao giấy Dó tuy mỏng manh lại có độ bền đến mức các chất liệu khác phải ghen tị.

Quay lại câu hỏi của bạn, về việc đưa màu vào vẽ trên Dó. Bạn nghĩ nó phức tạp vì bạn chưa từng nhìn thấy một bức tranh có nhiều màu trên Dó, chứ điều đó thực ra hoàn toàn là lựa chọn của người họa sĩ thôi. Chúng ta hay nghĩ Dó chỉ phù hợp với mực tàu. Thực ra Dó cũng hợp với màu nước, thậm chí là sơn dầu. Ban đầu tôi cũng thường ký họa trên Dó, nhưng sau đó tôi muốn thử nghiệm bằng cách khác, và tôi phát hiện ra rằng Dó hoàn toàn có thể đẩy lên ở một mức độ cao hơn. Nó không hề là chất liệu bị giới hạn như người ta hay nghĩ.

Để phá giới hạn của Dó, nghe nói anh đã dành hẳn 3 năm để đi thực tế và vẽ rất nhiều tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau, đa dạng màu sắc, trên chất liệu truyền thống này?

+ Tôi đi suốt 3 năm trời, khắp các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Tôi nghĩ tôi phải làm một triển lãm tranh Dó, để người xem có thể cùng tôi khám phá các vẻ đẹp sâu sắc mà chất liệu này mang lại. Rằng giấy Dó hoàn toàn có thể tạo ra những bức tranh bình thường. Họa sĩ có thể vẽ bất cứ gì trên Dó, bằng các chất liệu đa dạng, chứ không đóng khung trong vài thể tài, vài chất liệu. Dó không phải chỉ để làm tranh Đông Hồ, Tranh Hàng Trống, vẽ ký họa, vẽ nude, và không chỉ bằng mực Tàu. Tôi cũng muốn các bạn trẻ khi đến với triển lãm của tôi, xem tranh của tôi, sẽ cảm thấy yêu hơn, muốn tìm hiểu nhiều hơn về chất liệu truyền thống này.

Tranh của họa sĩ Vũ Thái Bình.

Hình như anh mải bàn về chất liệu Dó mà quên mất cả chính những bức tranh rất đẹp của mình. Xem tranh của anh trên giấy Dó, tôi có một cảm nhận thế này, anh không lợi dụng sự mong manh của chất liệu để miêu tả những vẻ đẹp rộng lớn, rợn ngợp, dễ gây mênh mang trong cảm xúc người xem, mà thường vẽ những góc rất nhỏ, rất hẹp của của cảnh vật, con người. Dụng ý của anh là gì vậy?

+ Tôi chủ tâm làm vậy. Chẳng hạn vẽ nhà sàn tôi chỉ vẽ một góc của nó. Ngôi nhà tôi chỉ đặc tả mái hiên. Con thuyền cũng chỉ vẽ một khoảng nhỏ của nó. Chân dung một người Dao đỏ chẳng hạn, tôi đặc tả những nếp nhăn khóe miệng, đuôi mắt. Tôi không muốn kể những câu chuyện lớn lao rộng lớn, tôi cắt những khoảng nhỏ để kể. Nghĩa là tôi nói những điều nhỏ của đời sống thôi, nó giống như những tiếng thì thầm vậy.

Vì sao anh chỉ vẽ những cảnh sắc, con người ở nông thôn. Không nhìn thấy đô thị trong tranh của anh, dù anh đang sống ở đô thị?

+ Tôi  muốn kể những câu chuyện mà chỉ những người sinh ra ở làng quê mới hiểu. Các bạn trẻ hôm nay không sinh ra ở nông thôn nên không hiểu được nhiều các giá trị đó. Tôi vẽ những con người thân thiện, luôn biết chia sẻ với người khác mà tôi gặp trong những chuyến đi. Đó là cách để lưu giữ những vẻ đẹp đang có nguy cơ mất dần đi. Thông điệp của tôi với các bạn trẻ, là dù cho công nghệ hôm nay có phát triển thế nào, dễ dàng thế nào. Cho dù bạn ngồi nhà có thể nhìn thấy cả thế giới đi nữa thì vẫn không gì có thể thay thế được trải nghiệm của bạn. Bạn phải đi để trải nghiệm, để hiểu. Để cảm nhận rằng mọi cái dù hiện đại đến đâu cũng đều phaỉ được phát triển trên nền tảng truyền thống. Mà giấy Dó là truyền thống.

Xem tranh của anh người ta thấy mình phải chậm lại. Tôi thích việc anh lưu tâm những vẻ đẹp nhỏ trong đời sống. Những vẻ đẹp nhỏ đến mức người ta có nguy cơ quên nó đi, không đoái hoài đến nó, hay thậm chí không có khái niệm về nó nữa. Nhưng tôi nghĩ, khi những vẻ đẹp nhỏ đó đã trở thành nghệ thuật rồi thì nó không còn là nhỏ nữa, nó nhắc nhở người ta người xem về đời sống...

+ Tôi rất đồng cảm với điều này. Tôi vẽ nhẹ nhàng lắm, quan niệm của tôi là không bắt người xem phải suy nghĩ khi xem tranh mình. Tôi muốn khi xem tranh tôi, người ta được thư giãn. Sống chậm lại một chút trong bối cảnh hiện nay thực ra rất tốt. Đôi khi cần khoảng lặng, chậm rãi để nhìn lại mình, để hiểu rõ hơn con đường mình đi..

Tranh của họa sĩ Vũ Thái Bình.

Nghe nói họa sĩ Vũ Thanh Bình là người hoài cổ lắm, không thích các đồ công nghệ. Anh là họa sĩ thế hệ 7X mà...

+ Đúng là tôi chưa thuộc thế hệ cao tuổi. Nhưng từ nhỏ tính cách của tôi hay hoài cổ, thích những đồ vật xưa xưa, cũ cũ. Mà bạn bè nhận xét vui, nhìn bề ngoài tôi cũng xưa xưa cũ cũ thế nào đó. Trong gia đình tôi bây giờ, đồ xưa, đồ cổ nhiều hơn đồ hiện đại. 

Chẳng hạn tôi thích nấu cơm trong cái nồi đồng. Nó nặng lắm, con tôi không bê nổi. Tôi thích ngủ trên chiếc sập gụ, không thích những chiếc giường hiện đại. Về công nghệ thì tôi cũng thông thạo hết, nhưng tôi chỉ dùng những đồ tôi cảm thấy cần thiết thôi, không lạm dụng nó. Cái gì cảm thấy không cần thiết tôi từ chối. 

Chúng ta đang tạo ra một ðời sống phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ mà quên mất đời sống thực bên ngoài, quên mất thiên nhiên, quên mất các sợi dây kết nối thực tại. Công nghệ cần thiết nhưng không thể thay thế những mối giao cảm của con người với nhau, con người với thiên nhiên. Tôi cho rằng người thông minh hãy sống hài hòa các yếu tố. 

Thực tế cho thấy công nghệ làm chúng ta mất tự do hơn, dễ rơi vào các áp lực không cần thiết. Tôi dạy các con tôi về giá trị truyền thống, làm sao để chúng nó hiểu rằng cái hiện đại luôn phải phát triển trên nền tảng của truyền thống. Nói thật là càng đi về các miền quê, các làng nghề tôi càng lo rằng các giá trị truyền thống sẽ mất đi.

Riêng với giấy Dó, anh đang ấp ủ dự định gì?

 + Tôi sẽ sớm thành lập một nhóm những người yêu mến và đang làm việc với giấy Dó. Họ có thể thuộc nhiều thế hệ. Những người đam mê giấy Dó và muốn phát triển công việc, tình yêu của mình trên chất liệu này. Hiện nay số người sử dụng giấy Dó còn tương đối ít. 

Hàng năm, nhóm chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm các sản phẩm trên Dó. Bằng các hoạt động của mình, nhóm sẽ lan tỏa tình yêu của mọi người dành cho Dó. Làm sao để đánh thức chất liệu truyền thống này, không để nó ngủ quên, nâng tầm giá trị của Dó lên, cho xứng với vị trí mà nó xứng đáng. 

Tôi thấy Dó hơi bị thiệt thòi trong mỹ thuật, trong khi nó là chất liệu cổ xưa nhất, truyền thống nhất. Trường Mỹ thuật hiện chưa có chuyên ngành Dó, chỉ có lụa, sơn dầu và sơn mài. Ước mong của tôi là các trường Mỹ thuật sẽ đưa Dó vào giảng dạy như một chuyên ngành chính. Tôi nghĩ chúng ta không thể thờ ơ với chất liệu tuyệt vời này, nó thật tuyệt vời.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh và chúc cho niềm say mê của anh với Dó sẽ bay bổng thành những tác phẩm hội họa làm say lòng công chúng nhiều hơn nữa.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.