Ca sĩ Tân Nhàn: Nghệ thuật đang bị thương mại hóa

Thứ Hai, 16/05/2016, 07:44
Tưởng như cuộc sống của một ngôi sao sẽ bận rộn với lịch diễn kín mít, nhưng Tân Nhàn khá thư thái và nhàn nhã. Đó là tâm thế sống mà Nhàn lựa chọn, ngay cả trong sự bận rộn thì chị vẫn giữ được trạng thái bình tĩnh. 


Chị nói, bây giờ, nghệ thuật đang bị thương mại hóa, nhiều người trẻ tài năng không còn giữ được thái độ bình tĩnh trước guồng quay vội vàng của cuộc sống…

- Tôi nhớ 3 năm trước Tân Nhàn làm show, ra đĩa, cảm giác như chị đang tiến ra thị trường. Thế mà bây giờ thấy chị im ắng quá?

+ Tôi chưa bao giờ có khái niệm tiến ra thị trường, dòng nhạc của tôi không có khái niệm thị trường mà nó âm ỉ chảy trong trái tim khán giả, với những bài hát theo năm tháng. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là giảng dạy và học tập, tôi đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Đó là con đường dài nhất của tôi.

Ca sĩ Tân Nhàn.

- 10 năm đứng trên đỉnh cao của vinh quang, chị có nghĩ mình là người may mắn. Và may mắn hơn, trên đỉnh cao ấy, đến bây giờ, điểm mặt, đặt tên cũng chỉ có Tân Nhàn, Anh Thơ...?

+ Dòng nhạc này mang đến cho chúng tôi cuộc sống nhẹ nhàng, không phải bon chen, tranh giành nhau. Mỗi người có một thị phần riêng, khán giả riêng. Dòng nhạc thị trường do bầu sô chọn, còn đây họ mời đích danh, có gì đâu mà lộn xộn, thương hiệu làm nên tên tuổi của ca sĩ, không phải tranh giành, nói xấu nhau để được hát. Đó là một may mắn phù hợp với tính cách của tôi. 

Nhưng để có sự may mắn, tôi đã phải khổ công rèn luyện. Vì sao đến bây giờ vẫn chưa có những gương mặt nổi bật. Phải có một thế hệ đủ sức bật lớn, các bạn bây giờ có nhiều cơ hội hơn, nhưng cần thời gian, không thể chín ép được. Các bạn trẻ hơn cũng thế, cần thời gian để chứng minh tài năng có thực sự hay không hay chỉ là phong độ nhất thời khi thi mà thôi. Các bạn có lẽ chưa đủ thời gian và sự trải nghiệm. 

Các bạn giờ rất trẻ và cuộc sống khá đủ đầy, ít ai trải qua tuổi thơ cơ cực, khốn khó như chúng tôi, vì thế tôi có sự nồng nàn, quyết liệt hơn chăng. Các em bây giờ giọng bản năng rất tốt, nhưng thiếu sự trải nghiệm, bởi âm nhạc là con đường dài, không thể vài năm mà có. 

Từ khi tôi thi Sao Mai đến giờ đã 10 năm. Tôi thấy nhiều người hát hay, nhưng chưa nhìn thấy những nhân tố nổi bật. Từ chị Anh Thơ đến tôi là 10 năm. Có thể cuộc thi hai năm một lần, nhưng nổi tiếng bền vững thì cần thời gian, để biết người nghệ sĩ có đi đúng đường hay không.

- Chị làm công tác giảng dạy ở trường, theo chị vì sao bây giờ nhiều ca sĩ trẻ không đủ bình tĩnh để đi hết con đường của mình?

+ Vì các bạn thích kiếm tiền sớm hơn. Học được vài năm các em đã đi hát quán, kiếm tiền, hoặc đang thi, được giải thì học hành chểnh mảng, tiền bạc đã cuốn các bạn đi và các bạn mất rất nhiều thứ. Điều đó cũng lý giải vì sao, đầu vào có vài ba chục người, nhưng khi tốt nghiệp chỉ còn vài người mà thôi. Ngày xưa, tôi được giải Sao Mai, phải vài ba năm sau tôi mới ra đĩa, và đi hát. 

Tân Nhàn lộng lẫy trên sân khấu.

Tôi chưa bao giờ vội vàng. Vì tiêu chí đầu tiên của tôi là đi học. Bây giờ các bạn vội vàng ra đĩa, vội vàng làm nóng tên tuổi của mình bằng nhiều cách. Các bạn không hiểu rằng điều đó cũng nhất thời thôi, cái quan trọng là bạn hát có chạm tới trái tim khán giả hay không, các bạn  đang xây dựng những giá trị tạm thời. 

Tôi vẫn nói với học sinh của tôi rằng, các em hãy xây dựng những giá trị chống hao mòn hơn là những giá trị tạm thời. Bây giờ, cô nào cũng hát những bài nhẹ nhàng giống nhau, nhưng nghe nhàn nhạt, thiếu cá tính âm nhạc.

- Vâng,  theo chị, cá tính âm nhạc được xây dựng từ những gì?

+ Phải hát để khán giả có thể nhận ra, à, đây là Tân Nhàn, Anh Thơ, hay Thành Lê mới là điều quan trọng. Đó là cả quá trình lâu năm, tôi phải tìm tòi, cái gì hợp với mình và phát triển theo hướng nào chứ không phải hát dân gian chung chung đâu. 

Đến bây giờ tôi vẫn không ngừng học, nghe cả em trẻ hát để biết thế mạnh của các em thế nào, để mình không tụt hậu. Nhưng các bạn trẻ lại ít nghe đĩa của thế hệ đi trước, họ quá bận rộn, không có thời gian để nghe mà quên rằng phải nghe để học, để hát không giống.

- Nếu vẽ một bức tranh về dòng nhạc dân gian, Tân Nhàn sẽ vẽ như thế nào?

+ Đó là một bức tranh nhiều màu sắc nhưng thiếu những chấm phá đặc biệt. Nhiều người cứ na ná giống nhau, thiếu sự đột phá, dũng cảm theo cái mới. Thiếu sự trải nghiệm và đam mê, sống chết với nghề. Các bạn vẫn chưa hiểu thế nào là đam mê thực sự. 

Ngày xưa, tôi đi kiếm củi cũng hát, đi lấy rong biển cũng hát, có thể say sưa ngồi nghe một bài hát mình thích mà quên hết mọi thứ quanh mình. Rồi nghe bài hát, thích quá, chép lấy chép để trên sóng phát thanh. Nhiều khi mất cả tháng mới xong một bài. Niềm đam mê phải nằm trong máu. 

Tân Nhàn và chồng - ca sĩ Tuấn Anh.

Các bạn cần thời gian để chín, thời gian là vấn đề mấu chốt nhất ở đây. Nhiều học sinh mới học 1, 2 năm đã nhắn tin cho tôi, cô ơi làm thế nào để nổi tiếng. Buồn lắm. Muốn nổi tiếng thực sự, cần 8-10 năm khổ luyện đã. Nhiều bạn không nói ra, nhưng nhìn sự vội vã của các em trong cuộc sống thì thấy. Vì thế mà tài năng hiếm dần, nghệ thuật đang bị thương mại hóa.

- Còn chị, gần như đứng ngoài cuộc truyền thông?

+ Tôi nghĩ đó không phải là tiêu chí của mình. Tôi không chạy theo những giá trị ảo. Tôi luôn hiểu một điều rất thực tế rằng, báo chí hôm nay có thể đưa mình lên rất cao, nhưng ngày mai có thể vứt toẹt mình xuống đất. Mình phải phân biệt rõ ràng đó không phải là cái chính làm nên giá trị. Tôi đều đặn ra đĩa nhưng không đều đặn lên báo và truyền hình. Khán giả vẫn tìm nghe đĩa của tôi.

- Vì sao đang ở đỉnh cao nhưng chị lại chọn con đường giảng dạy chỉn chu, gò bó?

+ Tôi đang đi hai con đường song song, bổ trợ cho nhau. Quan điểm của vợ chồng tôi là trở thành người nghệ sĩ được nhân dân yêu quý cũng tốt, nhưng trở thành nhà giáo được nhân dân yêu quý còn tốt hơn nhiều. Bởi đời một người nghệ sĩ rất ngắn, như dòng nhạc tôi theo đuổi đến 40 - 50 tuổi đã là nhiều, còn làm nghề giáo, có thể 60-70 tuổi, mình được cống hiến nhiều hơn, đào tạo ra những tài năng âm nhạc giá trị hơn nhiều việc mình làm một ca sĩ.

- Công việc của một công chức nhà nước có làm hạn chế con người nghệ sĩ trong chị, luôn cần sự phá cách, đổi mới?

+ Tôi sẽ bớt đi sự bay bổng của người nghệ sĩ, cuộc sống lúc nào cũng chạm đất, tỉnh táo hơn, và để luôn thấy rằng, mình chỉ là một phân tử rất nhỏ trong biển vũ trụ bao la. Còn nếu là nghệ sĩ đơn thuần, họ sẽ luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. 

Điều đó giúp tôi sống yên bình và cân bằng hơn. Cuộc đời tốt nhất là được sống yên bình, không phải tự nhiên mà có được, quan trọng từ sự lựa chọn của mình cho con đường mình muốn đi, nhìn nhận các vấn đề như một người bình thường.

- Một ca sĩ và một cô giáo trong Tân Nhàn khác nhau thế nào?

+ Tôi đến trường như sinh viên, giản dị và dễ gần. Còn lên sân khấu tôi lộng lẫy, chỉn chu quần áo, và không có chuyện chạy hộc tốc đến và trang điểm. Bao giờ tôi cũng đến đúng giờ, bình thản, thư thái trước khi lên sân khấu. Ít người có được sự ung dung đó. Nhất là những người trẻ, họ vội vàng chạy show khắp nơi, và thiếu sự chuyên nghiệp khi làm việc.

- Điều gì giúp chị giữ được tâm thế đó trong cuộc sống vội vàng hôm nay?

+ Từ khi tôi làm đĩa nhạc Phật, dành hai năm đi nhiều nơi, đọc - nhiều sách Phật, gặp các nhà sư, và ngẫm nghĩ về giáo lý nhà Phật. Tôi nghĩ, những sóng gió mình đã đi qua từ rất lâu rồi, từ tuổi thơ nghèo khó, vất vả của mình. 

Vì thế, tôi cảm ơn tuổi thơ gian khó đã làm giàu tâm hồn tôi, cho tôi sống nhân hậu hơn, bình tĩnh hơn, biết chấp nhận và biết hài lòng. Tôi cứ bình tĩnh mà sống, chả đi theo phong trào, khi rộ lên các phong trào bolero, nhạc xưa, rất nhiều ca sĩ đổ xô làm đĩa. Còn tôi, đứng ngoài những cuộc chơi đó.

- Nhưng rõ ràng âm nhạc đã làm thay đổi cuộc sống của chị, mang lại cho chị nhiều thứ đấy chứ?

+ Âm nhạc mang cho tôi cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc, bởi tôi biết hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi biết buông bỏ, sẽ thấy mọi thứ nhẹ nhàng. Bây giờ nhiều người theo Phật pháp, làm từ thiện, nhưng tôi thấy tâm hồn họ vẫn đầy những tham sân si, họ làm từ thiện vì để nổi tiếng, để được truyền thông nhắc tới chứ không phải từ chính tấm lòng mình. Tôi nghĩ, nên lặng lẽ mà làm thôi, bởi những gì mình làm được còn quá bé nhỏ trong cuộc sống này.

- Vợ chồng nghệ sĩ, để giữ được sự cân bằng và hạnh phúc rất khó, chị lại nổi tiếng hơn chồng. Làm sao chị cân bằng được?

+ Vì chúng tôi nghĩ mình là người bình thường, cuộc sống hằng ngày của chúng tôi đơn giản lắm, không nghĩ mình là cái gì đặc biệt cả. Cố gắng hài lòng với ngày hôm nay, cố gắng hài lòng với những gì mình có. Tôi cần sự yên bình.

- Một ca sĩ xinh đẹp như chị sẽ từ chối những cám dỗ của cuộc sống như thế nào?

+ Tôi cố gắng tránh hết sức, cho người ta biết quan điểm sống của mình là một cô gái vừa quê mùa, cứng nhắc, kiên định với cách sống của mình. Dù tôi cũng phải vất vả đi kiếm tiền, vì chồng tôi, ca sĩ Tuấn Anh theo đuổi dòng nhạc thính phòng kén khán giả hơn.

Nhưng tôi không bao giờ thỏa hiệp để đạt được cái này, cái kia. Mọi thứ chúng tôi có được hôm nay đều bằng lao động  của chính mình. Tôi yêu không khí của gia đình, vợ chồng tôi thường ở nhà, đi diễn ở đâu tôi cũng cố gắng về trong đêm. Có thói quen ăn cơm ở nhà. Con tôi không có cảm giác xa bố xa mẹ, đi đâu xa thì cả gia đình cùng đi. Đều đặn như một công chức thực thụ. Và tôi thấy bình yên.

- Nhưng yên bình quá có nhàm chán không? Khi nghệ sĩ cần sự phá cách để sáng tạo?

+ Tôi muốn cân bằng giữa cuộc sống gia đình và nghệ thuật. Bao nhiêu năm tôi chọn con đường không hy sinh gia đình cho nghệ thuật mà vẫn thành công trong sự nghiệp. Tôi yêu nghệ thuật nhưng không đánh đổi tất cả vì nó được. Bởi những hạnh phúc mà nghệ thuật mang lại chỉ nhất thời thôi. Giá trị bền vững vẫn là gia đình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.