Vị thám tử đầu tiên xứ Ontario

Thứ Ba, 08/12/2020, 09:50
Mở ra bất kỳ quyển sách nào nói về lịch sử ngành cảnh sát Canada và chắc chắn có một cái tên bạn sẽ tìm thấy ngay trong chương đầu tiên: John Wilson Murray! Vị thám tử sinh ra tại quê hương Ontario này không những có một sự nghiệp  với vô vàn  những chuyến phiêu lưu thú vị, mà hơn thế, ông còn là người đã mở đường cho việc áp dụng bộ môn tội phạm học tại Canada. Ảnh hưởng của John Murray còn được truyền lại đến tận ngày hôm nay trong ngành cảnh sát lẫn nền văn hoá đại chúng Canada.


John Murray sinh ngày 26 tháng 1 năm 1840. Cha của ông là một thuyền trưởng, vậy nên John cùng gia đình thường xuyên chuyển chỗ ở giữa Mỹ và Canada. Khi cuộc nội chiến Mỹ nổ ra, chàng thanh niên John Murray xung phong nhập ngũ vào lực lượng Hải quân miền Bắc. John được phân công giữ vị trí pháo thủ trên con tàu chiến USS Michigan. Nhiệm vụ của con tàu đó là, tuần duyên trên các con sông miền Đông Bắc nước Mỹ, đồng thời canh chừng nhà ngục giam giữ tù nhân địch nằm trên một hòn đảo giữa hồ nước Erie.

John Murray xuất ngũ ngay  sau khi cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc. Ông dành vài năm tiếp theo làm việc cho Sở cảnh sát hồ Erie. Trong thời gian này, John đã học được nhiều kinh nghiệm quý giá trong nghề điều tra. John đặc biệt "có nghề" trong các vụ chống bạc giả, một lĩnh vực mà ông sẽ liên tục tham gia điều tra cho đến tận cuối sự nghiệp của mình.

Các diễn viên tham gia bộ phim truyền hình Murdock Mysteries dựa trên hồn ký của John Murray.

Vào năm 1873, nhờ quan hệ với doanh nhân địa phương có tên là William Lawrence Scott, John được nhận vào làm trong lực lượng cảnh sát tàu hoả hãng Canada Southern Railway. Thời đó việc một hãng tàu hoả có lực lượng cảnh sát riêng không phải chuyện gì lạ. Khách hàng đi tàu lúc nào cũng bị đe doạ bởi những kẻ ăn cắp, trấn lột, lừa đảo và nguy hiểm nhất là những băng cướp cao bồi. Mỗi chuyến tàu vì thế cần phải có vài cảnh sát có vũ trang đi theo để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Danh tiếng của John Murray sớm lan ra như một vết dầu thơm vi diệu khắp vùng Ontario vì những chiến công ông đạt được trong một vài vụ truy bắt kẻ làm bạc giả. Chính quyền Ontario đã đề nghị ông bỏ việc hiện tại mà trở thành sỹ quan cảnh sát đầu tiên của họ. John đồng ý và mở văn phòng trên phố King Street West, thành phố Toronto. Đây là một trong những đồn cảnh sát đầu tiên tại Canada và hiện nay được coi là di tích lịch sử.

Ngay khi nhậm chức, John đã phải đối mặt với một loạt các khó khăn chồng chất. Khi đó Ontario chưa có lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp tập trung. Việc giải quyết các vấn đề an ninh trong cộng đồng phần nhiều là những người dân quân đảm nhiệm. Thế nhưng, họ không những thiếu kiến thức, kỹ năng… một cách trầm trọng mà tinh thần trách nhiệm cũng rất kém. Một kẻ ăn trộm chỉ cần chạy sang làng bên cạnh là đã có thể thoát được sự truy đuổi của dân quân rồi. John phải làm hết mọi việc, từ thu thập chứng cứ, điều tra đến viết biên bản luận tội và canh giữ tù nhân. Gánh nặng công việc của ông cũng chẳng nhẹ hơn khi hai thám tử khác trở thành đồng nghiệp của John.

Vậy nhưng, điều mà ba vị thám tử này đã làm được trong thời gian tại vị quả là phi thường. Chỉ riêng John Murray đã giải quyết được hơn 200 vụ án trong sự nghiệp của mình. Gần như tất cả những tên tội phạm "tai to mặt lớn" trong vùng Ontario đều bị John tống vào tù. Ông là viên thám tử theo đúng nghĩa đầu tiên tại Canada. Đồng thời, John cũng chính là người đã đưa nhiều lý thuyết tội phạm học - khi đó còn là một ngành khoa học non trẻ - đi vào hiện thực. Nhờ vào các kiến thức tội phạm học mà John mới giải quyết được nhiều vụ án tưởng như là vô vọng, đơn cử như là cái chết bí ẩn tại làng Minto.

Vào mùa xuân năm 1899, một người nông dân tại làng Minto phát hiện ra cái xác nằm trong hào nước bên ruộng. Tử thi dường như đã có từ đầu mùa đông và trong suốt mấy tháng liền bị tuyết chôn vùi. Phải đến khi xuân về và tuyết tan ra, cái xác mới lộ diện trong tình trạng bị phân huỷ nặng. Ngôi làng Minto đang yên bình trở nên nặng nề, nhất là khi hai ngày sau khi phát hiện người chết, dân quân tìm được một lọ thuốc độc nằm lăn lóc gần hiện trường. Người dân lẫn giới báo chí bàn tán rộn cả lên, người nói là giết người; kẻ lại quả quyết rằng nạn nhân tự tử.

Giữa cơn rối loạn, John Murray được cử đến làm rõ vụ việc. Sau cả một ngày khám nghiệm tử thi, ông đưa ra kết luận rằng: nạn nhân đã chết nhiều khả năng vì lí do tai nạn. John đã phát hiện ra dấu vết của cồn rượu trong tử thi. Bản thân lá gan của người chết cũng đã bị xơ vữa, một dấu hiệu của bệnh nghiện rượu. Nhiều khả năng nạn nhân đi đường trong lúc say rượu, ngã xuống, rồi ngủ quên ngay ngoài trời. Khí lạnh sau đó đã giết chết ông ta bằng chứng mất nhiệt.

Nhờ vào phương pháp huấn luyện khoa học mà John đã đào tạo được một lực lượng cảnh sát Ontario chuyên nghiệp.

Không ai tin được John hay những bằng chứng mà ông đưa ra. Báo chí chế giễu ông, hay thậm chí còn yêu cầu thám tử khác mở lại cuộc điều tra. Vậy nhưng chẳng mấy chốc mà họ phải ngậm miệng lại. Một người phụ nữ trong làng khai nhận rằng cô ta cố ý để lọ thuốc độc gần hiện trường như cách "gây dư luận", làm cho vụ án thêm phần "ly kỳ". Sau đó mọi người lại tá hoả ra khi phát hiện Steve Noble, một ông chủ nông trại sống cách làng Minto vài ki-lô-mét, đã mất tích. Vào mùa đông, nông trại bị cô lập hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài, vậy nên mãi không ai nhận ra rằng Steve đã biến mất khỏi nơi ở. Ông ta cũng là một con "sâu rượu" có tiếng. Mọi bằng chứng đều chỉ ra Steve là người chết trong hào và "minh oan" cho John Murray.

John còn được nhiều người biết đến nhờ vụ bắt giữ "bậc thầy" làm bạc giả Edwin Johnson. Cả cảnh sát Mỹ và Canada đều đã dành nhiều năm truy đuổi Edwin. Hắn ta không những sở hữu đôi bàn tay điêu khắc hiếm thấy, mà khả năng hoá trang của Edwin cũng rất đáng gờm. Cuối cùng, phía Mỹ cũng phải tìm đến John để hợp tác. Qua bằng chứng thu thập và lời khai của nhân chứng, viên thám tử đã soạn ra một bộ hồ sơ chân dung tội phạm về Edwin, rồi cứu từ đó mà cảnh sát Mỹ và Canada mở một cuộc săn lùng quy mô lớn. Rốt cuộc, sau năm năm truy tìm, cảnh sát Canada đã bắt được Edwin Johnson, chấm dứt được những ngày "tác oai tác quái" của kẻ làm bạc giả.

Lý do đằng sau sự tiếp nhận nhiệt tình của John Murray đối với khoa tội phạm học là vì ông hiểu rõ sự khác nhau giữa cảnh sát và thám tử. Ông từng viết trong hồi ký của mình những con chữ như một sự chiêm nghiệm, đúc kết thế này: "Một người cảnh sát giỏi chưa chắc đã là thám tử giỏi!". Theo Murray, một thám tử giỏi là con người thông hiểu khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý, hoá học, tâm lý, kinh tế, v.v… Anh ta đồng thời phải tìm cách nào đi được vào đầu óc của những kẻ tội phạm, nhìn được thế giới qua con mắt của họ mới có thể bắt được đúng người, đúng tội được.

Trong những năm cuối đời,  John trở thành một con người nổi tiếng tại Ontario. Báo chí theo sát "nhất cử nhất động" của ông chỉ để mong John sẽ lại giải quyết một vụ án "khó nhằn" khác. Nhưng tất cả cái danh vọng đấy không có ảnh hưởng gì với John. Ông tiếp tục công tác và ngoài việc điều tra John còn tập trung xây dựng một lực lượng cảnh sát Ontario chuyên nghiệp, tài năng, trách nhiệm. Cả một mạng lưới nhân lực, cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc của cảnh sát Ontario cũng do John góp phần lập nên. Ông "say nghề" đến mức đã gửi đơn xin tiếp tục công tác kể cả khi đã qua tuổi nghỉ hưu. John Murray mất ngày 12 tháng 6 năm 1966 khi đang giữ chức Tổng thanh tra cảnh sát Ontario, hưởng thọ 66 tuổi. Cái chết của John vẫn không làm danh tiếng của ông suy giảm. Mới đây thôi đã có hai bộ phim trinh thám truyền hình phát sóng tại đài quốc gia Canada dựa trên chính hồi ký do John để lại, ấy vậy!

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.