Những người trẻ làm ta đỏ mặt

Thứ Hai, 24/08/2015, 15:16
Tuần qua, có 3 câu chuyện xôn xao cộng đồng mạng. Một chàng trai cầm biển đứng giữa đường xin việc, một cô gái đi xe máy vào phố đi bộ bị một người nước ngoài kiên quyết chặn lại, một nữ sinh Việt bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì bỏ rơi con.
Câu chuyện về người trẻ Việt khiến cho bất kỳ ai cũng phải suy nghĩ buồn lòng. Họ đã tạo ra hình ảnh Việt Nam xấu đi trong mắt người nước ngoài. Những chủ nhân của đất nước với ý thức chấp hành pháp luật như vậy, với lối sống như vậy, với lòng tự trọng ít ỏi như vậy, họ sẽ tạo ra những giá trị gì để thế hệ đi trước tự hào về họ, hay chỉ là cảm giác xấu hổ mà thôi...

Trên tấm biển của chàng trai tên là P.Đ.N đứng xin việc giữa đường có dòng chữ: "Tôi vừa tốt nghiệp. Tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi". Một lời cầu xin của một thanh niên được ăn học, giữa đường đời tấp nập, giữa xã hội đang nhộn nhịp người xe, ai cũng đang tất bật công việc của mình. Người ta tự hỏi, sao một trí thức trẻ lại chọn cách chứng minh bản thân mình như vậy, lòng tự trọng của một người được giáo dục đã hạ thấp xuống đến mức nào khi cậu ta đứng giữa đường van vỉ như vậy.

Không biết cậu ta đã đến những đâu để xin việc làm. Một vài commen trên mạng suy luận rằng chắc chắn cậu ta chỉ đến xin việc ở những địa chỉ "danh giá" và bị từ chối. Vì cho rằng những nơi như vậy mới xứng đáng với bằng cấp của cậu ta. Nếu cậu ta chịu đến những nơi "thấp kém" hơn, như phải lao động chân tay với mục đích giản dị rằng tồn tại đã, kiếm tiền mua sữa cho con đã thì sao phải van lơn "bạn cần tuyển tôi". Luôn luôn có việc cho cậu ta làm.

Nữ sinh Việt bị Cảnh sát Nhật áp giải ra khỏi nhà.

Phải chăng câu chuyện bằng cấp đã thấm vào trí não cậu đến mức thà phải hạ mình đi van lơn để vào chỗ làm "xứng đáng" còn hơn là giữ lòng tự trọng của tuổi trẻ để làm bất cứ việc gì kiếm sống miễn là lương thiện, đúng pháp luật. Một người yêu lao động, hiểu giá trị của lao động, biết tôn trọng bản thân sao có thể hành xử như cậu ta.

Tương tự, cô gái là nữ sinh một trường dạy nghề của Nhật, cũng là một người trẻ có tri thức, nhưng lại để bản thân rơi vào một câu chuyện rất buồn lòng. Mang thai rồi sinh con, rồi bỏ đứa trẻ lại bên đường, rồi bị bắt giữ. Thật là xấu hổ khi người nước ngoài nhìn vào hình ảnh một người trẻ Việt như vậy: thiếu kiến thức trang bị cho bản thân, thiếu kỹ năng, hành động thiếu suy nghĩ, thiếu tình người.

Những cái "thiếu" đó thật đáng sợ, nó khiến cô gái nhầm đường lạc lối, phải tự mình gánh chịu những tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Hơn thế, cô còn gây ra vết thương cho cha mẹ, gia đình, cho hình ảnh đất nước mình. Một cô gái khác, ngay giữa Thủ đô, ở tuyến phố đi bộ đông du khách quốc tế, cứ phóng xe máy vù vù gây mất an toàn cho người khác. Hành vi của cô gây bức xúc cho khách du lịch đến nỗi một người đàn ông phải chặn cô lại một cách kiên quyết.

Họ nhắc nhở rằng tuyến phố này rất nhiều trẻ con đi bộ, rằng cô phải chấp hành quy định, đây là một việc nhỏ mà sao không làm được. Thái độ của cô gái là không muốn chấp hành và cuối cùng miễn cưỡng dắt xe vì sự kiên quyết của người đàn ông ngoại quốc kia. Một sự đỏ mặt nữa cho người Việt về ý thức chấp hành pháp luật. Thêm một ví dụ để người nước ngoài thấy rằng giao thông ở Việt Nam đáng sợ thế nào.

Không ít người đã nêu ý kiến, tại sao cô gái phóng xe vào đường cấm trên cả một tuyến phố dài mà không một người Việt nào đứng ra chặn cô lại, nhắc nhở cô, phải để cho một người nước ngoài "cực chẳng đã" làm công viêc ấy. Phải chăng chúng ta đã quá quen với hình ảnh ai đó vi phạm các quy định của pháp luật, của xã hội rồi? Chấp nhận một cái xấu cũng có nghĩa là đồng lõa với cái xấu. Người Việt đã mất dần những phản ứng trước những hành vi như vậy chăng, hay chính mỗi người, ở đâu đó, từng có lần cho phép mình vi phạm những quy định chung như vậy?

Một đất nước văn minh là khi từng cá nhân hành xử văn minh, hiểu biết và tôn trọng những quy định của pháp luật, hiểu biết về bản thân và tự tôn trọng giá trị bản thân mình. Hãy học người Nhật ở thói quen xếp hàng, tính trung thực, nhường nhịn. Hãy học người Mỹ ở ý thức tuân thủ luật pháp. Hãy học chính ông bà cha mẹ mình ở tình nhân ái, yêu thương đùm bọc người thân trong mọi hoàn cảnh. Hãy học lấy những kỹ năng để tự bảo vệ mình, làm chủ cuộc sống của mình, trong mọi hoàn cảnh cũng không hạ thấp lòng tự trọng của mình.

Với những bậc trí giả, trí thức, lòng tự trọng đôi khi còn quan trọng hơn cả sinh mệnh. Lòng tự trọng là gốc, để thúc đẩy ý chí vươn lên, vượt qua những khinh khi, thấp kém, những tự ti... để thành một người được tôn trọng trong xã hội. Tiếc là, trong khi có nhiều bạn trẻ đang nỗ lực góp phần làm thay đổi hình ảnh đất nước, thì vẫn còn những người trẻ Việt làm ta đỏ mặt như vậy.

TS. Nguyễn Mai Phương
.
.