Hãy nói chuyện có đầu có đuôi
Việc người dân tụ tập ở một số thành phố bày tỏ nỗi bức xúc ngày 10-6 thì ai cũng biết, nhưng đáng lo ngại hơn, đám đông đã tấn công doanh trại Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, phá hoại một số phương tiện, làm hàng chục chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ bị thương. Thật đáng tiếc. Tại sao? Bởi đám đông đã "việt vị" mà không biết.
Chuyện bày tỏ bức xúc là quyền chính đáng của mỗi người dân. Trong những người lãnh đạo, có người chưa nghe rõ, có người nghe rõ và có tiếng nói tích cực.
Các đại biểu nhân dân trong kỳ họp Quốc hội cũng đã chuyển những bức xúc của dân về mọi vấn đề, từ chuyện đặc khu, giáo dục, y tế, giao thông... và truyền hình trực tiếp để toàn dân nắm và đồng hành cùng đại biểu của mình.
Việc cân nhắc bấm nút là việc đau đầu, bởi đại biểu phải đủ tâm và tầm và dũng cảm với quyết định của mình. Những người đại diện cho tiếng dân đã quyết định dừng lại luật đặc khu để tiếp tục nghiên cứu. Thế mà đám đông vẫn tiếp tục bức xúc. Vậy thì bức xúc "việt vị" rồi.
![]() |
Minh họa của Tả Từ. |
Sự nỗ lực “việt vị” này không phải ở những người dân chất phác. Thực tế, một số đối tượng kích động, tổ chức tụ tập, phá hoại quan hệ dân và chính quyền đã bị bắt với đầy đủ tang, vật chứng để xử lý. Các đối tượng này không mang theo Quốc kỳ mà dùng cờ ngoại bang. Thông điệp gì thì ai cũng hiểu.
Đất nước ta đã trải qua những năm kháng chiến đầy hy sinh. Hòa bình, ổn định là điều quan trọng nhất. Nhớ lại những năm kinh tế trì trệ thập kỷ 80, nghe tiếng dân, lãnh đạo đã mở cửa chấp nhận kinh tế nhiều thành phần để tham gia vào kinh tế thị trường.
Điều dân mong mỏi đã được đáp ứng, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Hãy xem vài so sánh về GDP. Singapore: Từ gấp Việt nam 59.19 lần xuống còn 24.52 lần; Malaysia: từ gấp 10.65 lần xuống còn 4.94 lần; Thái Lan: từ gấp 5.05 lần xuống còn 2.5 lần.
Chúng ta còn đòi hỏi thần kỳ hơn được nữa? Vậy sao vẫn bức xúc? Không làm kinh tế cũng bức xúc, làm kinh tế có thành tích, vẫn bức xúc.
Tiếng nói của dân đã đến những cơ quan cao nhất, và đã từng phần được giải quyết, sao vẫn bức xúc. Liệu có đáng phải duy trì AUTO bức xúc như vậy?
Đừng để sự cuồng nộ lấn án lý trí.
Hãy hạ viên gạch xuống để nói chuyện với nụ cười. Trên thế giới, chưa bao giờ bài học về sự hỗn loạn được nhìn thấy rõ như những năm gần đây.
"Cách mạng hoa nhài" chẳng hạn. Lybia từ một quốc gia ổn định có đời sống, phúc lợi cao hàng đầu châu Phi đã bị đoàn biểu tình trà nát quốc gia, chia rẽ và tất yếu bị ngoại bang ném bom.
Syria, một đất nước tươi đẹp cũng bắt đầu từ đám đông tay nhanh hơn não mà phá hoại khối đoàn kết, khiến khủng bố quốc tịch 80 nước tấn công. Syria thành bãi gạch vụn cũng từ sự kích động tài trợ từ bên ngoài.
Ucraina từ một quốc gia hàng đầu thuộc Liên Xô với thế mạnh nông nghiệp và công nghiệp đã trở thành một đất nước thảm hại, chỉ còn mỗi thương hiệu về cách mạng màu.
Cuộc bạo loạn nào kịch bản cũng vậy, đầu tiên cần những người nhẹ dạ hiến thân. Những kẻ tổ chức dùng tiền ngoại bang cung cấp hung khí, bố trí những kẻ bắn tỉa tạo xác chết thiết kế ra sự phẫn nộ.
Ai cũng có quyền yêu nước. Nhưng hãy giữ giới hạn văn minh. Những chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ đã kiềm chế để giữ bình yên cho nhân dân. Hãy bỏ gạch đá xuống và nói chuyện có đầu có đuôi.
Chúng ta không sợ bất kỳ kẻ địch nào. Chỉ sợ chính chúng ta không nói chuyện chân thành với nhau.
Tình yêu nước không ai thiếu, cái cần là yêu đúng cách.