Châu Á: Ngày càng nhiều người trẻ ngại kết hôn
Theo nền tảng chuyên về dịch vụ cưới hỏi Meituan, trong mùa cao điểm kết hôn ở Trung Quốc diễn ra vào mùa thu năm nay, từ khóa tìm kiếm các studio chấp nhận thực hiện ảnh cưới chỉ có mình cô dâu tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ này có mức giá từ 500-2.000 NDT (75-298 USD), thấp hơn nhiều so với ảnh cưới truyền thống có đầy đủ cặp uyên ương.
"Không yêu đương, không kết hôn"
Theo China Statistical Yearbook 2019, tính đến tháng 12-2019, Trung Quốc có khoảng 120 triệu người trên 15 tuổi chưa kết hôn. Ngoài ra, số liệu mới nhất của Bộ Dân chính Trung Quốc cũng cho thấy, tỷ lệ kết hôn có xu hướng giảm từ năm 2013. Năm ngoái, khoảng 9,2 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, giảm 8,5% so với năm 2018. Sự phổ biến của xu hướng "không yêu đương, không kết hôn" tại nước này đã thúc đẩy ngành công nghiệp "dành cho một người", với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ nhắm tới khách hàng độc thân. Điển hình là các suất ăn đơn, phòng karaoke đơn, hoạt động dùng bữa cùng gấu bông...
Theo Hou Hongbin, nhà hoạt động nữ quyền người Quảng Châu (Trung Quốc), chính sách dân số và quan niệm "trọng nam khinh nữ" là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tỷ lệ kết hôn tại đất nước tỷ dân. Bên cạnh đó, một lý do khác chính là sự độc lập, tự chủ của phụ nữ hiện đại. "Thời xưa, không phụ nữ nào dám khẳng định: 'Tôi không muốn lấy chồng'. Giờ đây, câu nói trên đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều dù không phải cô gái nào cũng 'nói là làm'", Hou giải thích.
Không chỉ phụ nữ Trung Quốc, các cô gái ở Nhật Bản cũng đi theo trào lưu chụp ảnh cưới một mình này. Thậm chí, có người bước xa hơn, tự làm đám cưới mà không có chú rể.
Giữa những năm 1990, chỉ 1/20 phụ nữ Nhật tới 50 tuổi vẫn chưa kết hôn, nhưng vào năm 2015, con số này là 1/ 7. Với phụ nữ từ 35 tới 39 tuổi, tỷ lệ này còn cao hơn, gần 25% chưa bao giờ kết hôn, so với 10% của hai thập niên trước.
Tang Yunuo chụp ảnh cưới một người tại một studio chuyên nghiệp ở Cáp Nhĩ Tân. Ảnh: China Daily |
Đại diện cho một hình thức giải phóng
Anh Masayuki Kado, 39 tuổi, đã trải qua 10 lần tìm cô dâu thông qua dịch vụ mai mối nhưng không được. Anh Kado thậm chí còn học qua lớp đào tạo chú rể nhưng vẫn không tìm được vợ vì "không ai xung quanh muốn lấy chồng". Anh Kado chia sẻ: "Phụ nữ Nhật Bản giờ đây không còn muốn lấy chồng nữa. Nhưng tôi vẫn muốn đi làm về có người đợi ở cửa và nói: Chào anh yêu".
Một xu hướng mới đây đã xuất hiện tại xã hội Nhật Bản đó là có rất nhiều phụ nữ độc thân ở Nhật Bản nuôi chó mèo. Họ không muốn lập gia đình mà thường nuôi chó, làm bạn với chó để không cảm thấy cô đơn. Họ thoải mái khi ở bên cạnh chúng hơn là tìm kiếm một người bạn trai.
Dù chính quyền ở các địa phương đã tìm mọi cách, khởi động nhiều chiến dịch khuyến khích người dân kết hôn và sinh con. "Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy ý định kết hôn của mọi người", đó là quảng cáo về một tour du lịch mai mối và hội thảo dành cho người độc thân do chính quyền Tokyo tài trợ.
Tuy nhiên, ngày nay, càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản, những người bị truyền thống trói buộc trong các mối quan hệ, coi việc độc thân là đại diện cho một hình thức giải phóng. "Khi lấy chồng, họ phải hy sinh nhiều thứ. Họ phải từ bỏ tự do và độc lập", Mari Miura, giáo sư môn khoa học chính trị, Đại học Sophia, Tokyo nói.
Ngày nay, phụ nữ Nhật Bản không cần lấy chồng để có chỗ dựa về kinh tế. Miki Matsui, 49 tuổi, giám đốc một nhà xuất bản ở Tokyo, cho hay một trong những lý do chính để phụ nữ kết hôn là đảm bảo tài chính ổn định. Tuy nhiên, với công việc hiện tại, cô không cần lo lắng về việc mình sẽ thiếu thốn tiền bạc nên không có lý do gì để cô phải "tự dồn mình vào góc tường và lấy chồng vì lý do tài chính".
Đối với một số phụ nữ độc thân, những người bạn đã lấy chồng, cuộc sống vô cùng bận rộn, xoay quanh nhà cửa với con cái cũng là "tấm gương" khiến họ e ngại. Shigeko Shirota, 48 tuổi, làm quản trị viên một trường mầm non, sống trong căn hộ chung cư tự mua, cho biết nhiều người bạn của mình sau khi lấy chồng chỉ ở nhà chăm con, không được chồng giúp đỡ nhiều. "Thật không công bằng với phụ nữ khi họ bị mắc kẹt trong nhà với công việc nội trợ. Họ hạnh phúc khi ở bên con, nhưng một số thấy chồng như những đứa trẻ to xác, mãi không chịu lớn. Họ không muốn chăm sóc chồng kiểu đó", cô nói.
Độc thân khiến Shirota thảnh thơi đi du lịch, theo đuổi sở thích cá nhân. Cô đăng ký các lớp học làm đồ trang sức và học nhảy. Vào hè năm ngoái, cô từng đi thi nhảy và đưa mẹ du lịch Trung Quốc. Vài năm trước, cô tận hưởng chuyến du lịch trên du thuyền hạng sang Nữ hoàng Elizabeth. "Chúng tôi không cần dựa vào đàn ông nữa", Shirota nói.