Phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam dùng chiêu thức gì để thực hiện 84 vụ cưỡng đoạt tài sản?
Chiều 24/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục xét hỏi các bị cáo từng là cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam do bị cáo Đồng Xuân Thụ là cựu Tổng Biên tập. Được biết, trước khi gây ra vụ án này, tháng 10/1997, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo đối với Đồng Xuân Thụ về hành vi giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.
Theo cáo trạng, tháng 5/2024, Nguyễn Ngọc Tuyên (phóng viên Ban Kinh tế Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) phát hiện hộ gia đình ông P. T.V (ở tỉnh Thái Bình cũ) có dấu hiệu sai phạm trong xây dựng phần tường nhà lấn chiếm vỉa hè và kè sông nên dùng điện thoại, flycam để chụp ảnh, quay phim ghi lại hình ảnh rồi gọi điện thoại qua ứng dụng Zalo cho Bùi Văn Toàn (khi đó là Trưởng ban Kinh tế Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) để trao đổi, báo cáo về nội dung phát hiện.
Toàn chỉ đạo Tuyên thu thập các thông tin, tài liệu về sai phạm của ông V và đặt lịch làm việc với chính quyền địa phương, đề nghị cung cấp thông tin về dấu hiệu sai phạm của ông V.
Khi Tuyên đăng ký viết bài về sai phạm của ông V, Toàn báo cáo lên Ban Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và được đồng ý cho viết bài. Từ buổi làm việc với chính quyền địa phương, Tuyên đã viết bài theo chỉ đạo của Toàn. Bài viết của Tuyên sau đó đăng tải trên tạp chí.

Từ đây, Toàn tiếp tục chỉ đạo Tuyên thu thập thông tin và viết thêm 8 bài nữa phản ánh sai phạm của ông V đăng trên website của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Ngay khi các bài viết được đăng, Tuyên lập tức chia sẻ trên trang Facebook cá nhân và Zalo của Tuyên…
Đây chính là lý do khiến ông V tìm gặp Tuyên nhưng Tuyên không gặp mà cho số điện thoại của Toàn để ông V gặp Toàn. Khi ông V gặp Toàn để xin ẩn bài viết, Toàn lấy một phong bì và mở ra trong ông V xem, bên trong có Hợp đồng chương trình “Cây chổi Vàng”. Toàn dùng bút gạch chân vào số 300 triệu đồng và nói, ông V phải ủng hộ số tiền này thì mới ẩn, xóa bài viết.
Khi ông V xin ủng hộ 200 triệu đồng, Toàn trao đổi thông tin này với bị cáo Đồng Xuân Thụ và Thụ đồng ý để ông V góp 200 triệu đồng. Số tiền này được ông V trực tiếp đến Tòa soạn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam để nộp. Sau khi bộ phận thu tiền của tạp chí nhận đủ 200 triệu đồng, bị cáo Thụ chỉ đạo đã trích lại cho Toàn 100 triệu đồng. Ngoài số tiền này, Toàn còn nhận trực tiếp từ ông V 50 triệu đồng. Số tiền 50 triệu đồng, Toàn chuyển hết cho Tuyên sử dụng.

Trước bục khai báo, hai bị cáo Tuyên và Toàn thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu. Tuyên khai, trong thời gian làm việc ở tạp chí này, bị cáo đã thực hiện 4 vụ cưỡng đoạt tài sản của bị hại với tổng số tiền 335 triệu đồng. Trong số tiền này, Tuyên được chia gần 60 triệu đồng.
Bùi Văn Toàn khai, bị cáo là trưởng ban, đã tiếp nhận ý chí của bị cáo Đồng Xuân Thụ và trực tiếp cùng các phóng viên, cộng tác viên thực hiện 42 vụ cưỡng đoạt tài sản của các bị hại với tổng số tiền gần 2,9 tỷ đồng. Trong số tiền này, Toàn được chia gần 860 triệu đồng. Được biết, năm 2016, Toàn bị TAND huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xử phạt 12 tháng tù treo về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Trước bục khai báo, bị cáo Phạm Ngọc Hoàng (cựu Trưởng ban Media thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) khai, bị cáo tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Đồng Xuân Thụ, đã trực tiếp và cùng phóng viên, cộng tác viên thực hiện 7 vụ cưỡng đoạt tài sản của bị hại với tổng số tiền hơn 380 triệu đồng. Trong số tiền này, Hoàng được hưởng lợi hơn 82 triệu đồng.

Bị cáo Đặng Văn Phục (phóng viên Ban Kinh tế Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) khai, tiếp nhận chỉ đạo từ bị cáo Bùi Văn Toàn, bị cáo trực tiếp tham gia 18 vụ cưỡng đoạt tài sản của các bị hại với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng, qua đó hưởng lợi hơn 153 triệu đồng.
Bị cáo Vũ Đức Lân (phóng viên Ban Kinh tế, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) khai, tiếp nhận chỉ đạo từ bị cáo Bùi Văn Toàn, bị cáo đã trực tiếp tham gia vào 13 vụ cưỡng đoạt tài sản của các bị hại với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng, qua đó hưởng lợi gần 128 triệu đồng.
Bị cáo Vũ Đình Năm (cựu Trưởng Văn phòng Tây Nguyên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) khai, bị cáo tiếp nhận chỉ đạo từ bị cáo Đồng Xuân Thụ đã trực tiếp hoặc cùng phóng viên, cộng tác viên thực hiện 4 vụ cưỡng đoạt tài sản với tổng số tiền 264 triệu đồng. Trong số tiền này, bị cáo được hưởng lợi gần 55 triệu đồng.

Khai báo tại tòa, các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định. Các bị cáo trình bày, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội đều tương tự như cách thức mà bị cáo Bùi Văn Toàn chỉ đạo các phóng viên.
Kết quả điều tra xác định, năm 2010, bị cáo Đồng Xuân Thụ được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam. Trong quá trình điều hành hoạt động của tạp chí này, Thụ biết rõ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường và biết rõ đây là điểm yếu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Từ năm 2018, bị cáo Thụ đã chỉ đạo các ban chuyên môn, các văn phòng đại diện, các phóng viên, cộng tác viên của tạp chí lợi dụng hoạt động chuyên môn trong công tác báo chí đi thực tế tìm hiểu nắm bắt các thông tin sai phạm về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp rồi đăng ký qua Zalo với Ban Biên tập để viết bài phản ánh.
Sau khi các phóng viên, cộng tác viên đăng ký với các ban, các văn phòng đại diện về nội dung bài viết phản ánh sai phạm, bị cáo Thụ trực tiếp hoặc thông qua bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng (Phó Tổng biên tập) ký giấy giới thiệu cấp cho các phóng viên, cộng tác viên đi đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoặc liên hệ trao đổi hẹn gặp người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức doanh nghiệp.
Các phóng viên, cộng tác viên được tạp chí cấp giấy giới thiệu thực hiện việc đe dọa, ép buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải miễn cưỡng ký hợp đồng Chương trình “Cây chổi vàng” do tạp chí in sẵn, ký khống yêu cầu “tài trợ” các mức “tài trợ kim cương: 300.000.000 đồng”, “tài trợ vàng: 200.000.000 đồng”, “tài trợ bạc: 100.000.000 đồng”, “tài trợ đồng: 50.000.000 đồng”, “tài trợ khác” hoặc Chương trình vẽ tranh cho thiếu nhi hoặc hợp đồng giới thiệu thông tin...
Với cách thức, thủ đoạn như trên, các bị cáo đã thực hiện 84 vụ cưỡng đoạt tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Đồng Xuân Thụ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền liên quan tới 84 vụ mà các phóng viên đã chiếm đoạt của các bị hại là hơn 5 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng trong vai trò là Phó Tổng biên tập và Thủ quỹ trong quá trình điều hành hoạt động của tạp chí đã giúp bị cáo Thụ trong việc điều hành công việc của tạp chí, ký giấy giới thiệu cho các phóng viên đi tìm hiểu sai phạm của các cá nhân, công ty, doanh nghiệp; thực hiện xóa, ẩn, gỡ, đính chính bài viết phản ánh sai phạm của các cá nhân, công ty, doanh nghiệp khi các cá nhân, công ty, doanh nghiệp nộp tiền dưới hình thức ủng hộ chương trình “Cây chổi vàng”; đồng thời, bị cáo Hồng giúp bị cáo Thụ trong việc thu chi, chia phần trăm thụ hưởng các khoản tiền mà phóng viên chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp.
Do đó, Hồng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền mà các phóng viên đã chiếm đoạt của các bị hại trong các vụ việc…
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.