Phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển

Thứ Sáu, 28/03/2025, 11:10

Thị trường vốn Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng đáng kể và mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều quan trọng là cơ chế và giải pháp để các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế có thể cùng nhau xây dựng một thị trường vốn sôi động và toàn diện, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta có thể thiết lập một hệ sinh thái tài chính năng động, thúc đẩy đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng, cuối cùng dẫn đến một tương lai thịnh vượng hơn cho Việt Nam.

Những nhận định này được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” được Bộ Tài chính tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 28/3, với sự tham dự của 300 nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới.

Phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.

“Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển -2
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tham luận.

Năm 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP; nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới,

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối năm 2024 tương đương 1,2% vốn hóa thị trường chứng khoán; tổng giá trị tài sản quản lý của công ty quản lý quỹ tương đương 6,5% GDP; trên thị trường chứng khoản số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%, theo đó hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoản chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển -1
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập, Tập đoàn VinaCapital phát biểu tham luận.

Các đại biểu đã có những nhận định, đánh giá đa chiều, thẳng thắn, các ý kiến đề xuất khách quan, mang tính xây dựng để cùng hiến kế cho Bộ Tài chính giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập, Tập đoàn VinaCapital, cho rằng hiện nay ngành quản lý quỹ có quy mô khiêm tốn và mức độ thâm nhập quỹ thấp đồng nghĩa rằng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Chỉ có 7% dân số Việt Nam có tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế trong giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn ít…

Ông đề xuất, Việt Nam cần nâng cao năng lực quản lý thị trường, tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư; thay đổi quy định về chứng khoán để thúc đẩy ngành quỹ phát triển; thay đổi quy định về các tổ chức tín dụng để mở rộng kênh phân phối và nâng cao hoạt động phân phối quỹ; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán…

Phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển -0
Các đại biểu đã có những nhận định, đánh giá đa chiều, thẳng thắn, các ý kiến đề xuất khách quan, mang tính xây dựng.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB, Văn phòng Thường trú tại Việt Nam, nhận định thị trường vốn Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm cả các quỹ đầu tư. Từ cổ phiếu và trái phiếu đến các công cụ phái sinh và quỹ tương hỗ, thị trường vốn của Việt Nam rất đa dạng và đang phát triển nhanh.

Theo ông Shantanu Chakraborty, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trên thị trường trái phiếu. Tổng dư nợ trái phiếu tại Việt Nam hiện chỉ chiếm hơn 30% GDP so với tổng dư nợ tín dụng ngân hàng trên 120% GDP. Thị trường trái phiếu và các quỹ đầu tư thu nhập có thể đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong việc huy động cả vốn công và tư nhân để tài trợ cho sự phát triển của đất nước...

Phú Lữ
.
.