“Khai tử” Dự án thủy điện Krông H’Năng 2 hơn 400 tỷ đồng

Chủ Nhật, 28/04/2024, 19:09

Dự án thủy điện Krông H’Năng 2 (thuộc xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) hơn 400 tỷ đồng vừa được chính Công ty Cổ phần Sông Ba ký (SBA) chủ trương dừng vĩnh viễn Dự án vì lý do "10 năm vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định và buộc phải dừng'... 

Ngày 28/4, ông Thái Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty SBA đã ký Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có nội dung thống nhất chủ trương dừng vĩnh viễn Dự án thủy điện Krông H’Năng 2. Đồng thời, giao HĐQT chỉ đạo Công ty tổ chức làm việc với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan giải quyết các thủ tục để dừng vĩnh viễn dự án theo quy định và xin nhận lại tiền ký quỹ dự án; tổ chức quyết toán vốn đầu tư dự án theo quy định.

Theo tờ trình của SBA, Công ty được thành lập năm 2007, vốn điều lệ doanh nghiệp gần 604,9 tỷ đồng. Trụ sở chính ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. 

Dự án Dự án thủy điện Krông H’Năng 2 do SBA làm Chủ đầu tư, công suất 15MW, thuộc Xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Dự án đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 nhưng do thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên hơn 10 năm qua dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định và buộc phải dừng cho đến nay.

“Khai tử” Dự án thủy điện Krông H’Năng 2 hơn 400 tỷ đồng -1
Dự án thủy điện Krông H’Năng 2 (thuộc xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) hơn 400 tỷ đồng vừa được chính Công ty Cổ phần Sông Ba ký chủ trương 'khai tử'. 

Dự án này có ảnh hưởng đến 78,05 ha đất rừng và đã được Bộ Công Thương có công văn yêu cầu SBA làm việc với cơ quan có thẩm quyền liên quan về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Vùng đất đai bị ảnh hưởng của dự án (đất vùng lòng hồ và đất xây dựng đường ống, nhà máy), chủ yếu trên địa bàn tỉnh Phú Yên, chiếm nhiều diện tích và trong đó có cả đất rừng tự nhiên. Đồng thời, trong giai đoạn từ 2012 đến nay, Nhà nước có nhiều thay đổi về chủ trương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, về cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong đó có việc cấp phép cho các dự án thủy điện.

 Vì nhiều năm qua, công ty nghiên cứu, chỉnh sửa thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa diện tích đất ảnh hưởng; đồng thời nhiều lần làm việc với các sở, ban, ngành tỉnh Phú Yên để triển khai thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng do vướng mắc liên quan đến đất rừng nên chưa giải quyết được nên Bộ Công Thương chưa có cơ sở điều chỉnh quy hoạch dự án, dẫn đến dự án bị kéo dài và tạm dừng hơn 10 năm qua. Theo SBA, tiền ký quỹ dự án đã nộp từ năm 2008 là 2 tỷ đồng và chi phí đã đầu tư dự án sau thuế giá trị gia tăng hơn 3,7 tỷ đồng.

Hoài Thu
.
.