Xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hoá – động lực phát triển kinh tế số bền vững
Xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Các chuyên gia tin tưởng, bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả, và cạnh tranh.
Sáng 8/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” với sự góp mặt của các diễn giả, đại biểu là đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp sản xuất.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia thông tin, trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Nổi bật là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Theo Đại tá Phạm Minh Tiến, hiện nay, khi nền kinh tế số trở thành trụ cột quan trọng của tăng trưởng quốc gia, việc bảo đảm tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên, tại nước ta vẫn còn tồn tại một số bất cập như: mã định danh nguồn gốc chưa thống nhất trên toàn quốc; dữ liệu phân tán theo các bộ ngành, lĩnh vực, chưa tập trung; và thiếu cơ sở dữ liệu tập trung để kiểm soát hàng hoá...

Từ góc độ cơ quan quản lý dữ liệu quốc gia, Đại tá Phạm Minh Tiến cho rằng, việc xây dựng, triển khai các nền tảng công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như blockchain chính là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín quốc gia và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số có trách nhiệm.
"Điều có ý nghĩa hơn cả là những nền tảng này sẽ do chính các kỹ sư công nghệ thuộc các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phát triển dựa trên năng lực nội tại, phù hợp với đặc thù của thị trường Việt Nam, và từng bước được chuẩn hóa, kết nối vào hạ tầng dữ liệu quốc gia. Trung tâm Dữ liệu Quốc gia – Bộ Công an cam kết đồng hành, hỗ trợ về thể chế, kỹ thuật và bảo mật để các hệ thống này phát triển bền vững, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý", Đại tá Phạm Minh Tiến nêu rõ.

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia) nêu cùng quan điểm, cho rằng, từ thực tế những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy đã đến lúc không thể làm ngơ mà cần phải siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ để tránh các rủi ro tương tự xảy ra. "Thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng", ông nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những giải pháp riêng giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc, nhiều doanh nghiệp lớn đã tự chủ công nghệ, có hệ thống cho sản phẩm và xác thực sản phẩm riêng. Tuy nhiên, ông cho rằng, những giải pháp đó chưa dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất toàn quốc hay liên thông quốc tế.

"Ở thời điểm cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về ngành cung cấp thực phẩm tại Pháp và Liên minh châu Âu (EU), bà Marion Chaminade, Tham tán nông nghiệp Pháp tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam cho hay, việc truy xuất nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ cần được thực hiện, gắn nhãn mác đối với mọi thành phần của hàng hoá, dịch vụ trên mọi công đoạn từ "nông trại đến bàn ăn" để đảm bảo tính minh bạch.

Bà Chaminade nêu một số chính sách, công nghệ tiên tiến đang được Pháp cũng như các nước EU thực hiện trong xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hoá, đồng thời khẳng định, việc ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có công nghệ blockchain là giải pháp thiết thực hạn chế tình trạng gian lận nguồn gốc.

Tại hội thảo, các đại biểu, diễn giả uy tín là đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp sản xuất đã cung cấp thêm thông tin, trao đổi chuyên sâu nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và xu hướng công nghệ trong xác thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị và mô hình ứng dụng thực tiễn, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các nền tảng xác thực truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ số.