Trưởng thành hơn khi được tăng cường về Công an cơ sở
Là phóng viên, biên tập viên Ban Điện tử Báo CAND, được điều động tăng cường về xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo kế hoạch của Bộ Công an, gần 2 năm qua, bên cạnh công việc của một cán bộ Công an tại cơ sở, tôi vẫn tranh thủ dùng ngòi bút của mình làm “ngọnđuốc” để giữ lửa đam mê với nghề báo bằng những câu chuyện giản dị, đời thường trong hành trình “4 cùng” với bà con nhân dân miền biên cương phía Bắc củaTổ quốc…
Những ngày này gần 2 năm về trước, tôi đang tất bật dọn dẹp góc làm việc đã gắn bó với mình hơn 4 năm công tác để chuẩn bị rời thành thị, lên đường về xã thì anh Trần Huy - cán bộ Ban Trị sự Báo CAND (hiện nay là Phó trưởng ban) điện thoại: “Trung à, sang phòng anh luôn nhé, nhớ mang theo thẻ nhà báo”.
Tôi luýnh quýnh chạy sang phòng anh Huy ngay sau đó, không quên đem theo tấm thẻ nhà báo được cất cẩn thận trong chiếc ví da luôn mang theo người. Tấm thẻ này với tôi quý lắm, quý vì nó là vật bất ly thân đã gắn bó với tôi suốt quá trình tác nghiệp trên khắp các nẻo đường thời gian qua.
“A Trung đây rồi, nãy anh chỉ kịp gọi thông báo cho chú xong tắt máy luôn vì đang bận hoàn thiện một số giấy tờ để chú yên tâm về xã công tác đây”, anh Huy thân mật khi thấy tôi bước vào phòng. “Giờ chú đưa anh thẻ nhà báo, đơn vị sẽ giữ hộ. Hai năm sau nếu có cơ duyên quay về tiếp tục cống hiến cho Báo, đơn vị sẽ gửi lại chú, nguyên đai, nguyên kiện”, anh Huy vui vẻ nói. Để tôi khỏi bỡ ngỡ, anh giải thích thêm rằng việc đơn vị thu lại thẻ là để đảm bảo yêu cầu công tác khi tăng cường đến đơn vị mới và tránh một số trường hợp rủi ro có thể xảy ra.
Tâm trạng lúc đó của tôi khi trả lại chiếc thẻ ấy giống như lúc tân binh bịn rịn nói lời chào tạm biệt người yêu trước khi lên đường nhập ngũ vậy. Ra về, tôi tếu táo đùa với anh Huy rằng giờ không còn“chứng chỉ hành nghề”nữa thì tôi sẽ chuyển qua làm một cộng tác viên tích cực cho Báo CAND tại Cao Bằng.
Ngẫm lại, tôi thấy câu nghề chọn người rất đúng với mình vì nghề báo đến với tôi một cách vô cùng tình cờ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi không chọn về địa phương công tác như những người bạn đồng trang lứa khác, mà cơ duyên lại đưa đẩy tôi về với mái nhà Báo CAND. Chập chững bước vào nghề từ con số không tròn trĩnh, tuổi đời và tuổi nghề sau 4 năm còn rất non trẻ so với anh chị em đồng nghiệp xung quanh, song với sự giúp đỡ của Ban Biên tập, lãnh đạo BanĐiện tử và các đồng chí trong mái nhà Báo CAND, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều trong suy nghĩ và hành động, cũng như dạn dĩ và chắc ngòi bút hơn qua những tháng ngày lăn lộn với nghề.
Khi nhận quyết định điều động về Lăng Hiếu, xã biên giới trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng hồi đầu tháng 10 năm 2021, lúc đó thật sự cảm xúc trong tôi khá hỗn độn, trong đó phần nhiều là những trăn trở về việc mình có còn được tiếp tục gắn bó với nghề báo nữa hay không, vì tôi vô cùng trân quý quãng thời gian hơn 4 năm được làm nghề,được sống với nghề. “Tại sao mình còn trẻ, mình lại không thử sức ở môi trường mới, nơi mà ở đó mình có thể tiếp cận được gần nhất với cuộc sống của người dân?”, “Vừa là một cán bộ Công an xã, mình vẫn có thể thỏa sức phóng bút với những đề tài mới lạ ở cơ sở mà?”..., những câu hỏi tự vấn bản thân khi đó đã khiến chàng phóng viên trẻ như tôi quyết tâm “xông pha”lên đường.
Nhớ lại một buổi sáng ngày đầu đông nắng dìu dịu, vài tuần sau khi tôi nhận công tác tại xã, Trung tá Lương Anh Tú, Trưởng Công an xã Lăng Hiếu bỗng mở chiếc tủ sắt của đơn vị, lấy ra một chiếc máy ảnh hiệu Canon khá mới. “Đây là chiếc máy ảnh mà Bộ Công an vừa trang cấp cho mỗi đơn vị Công an xã một chiếc. Anh em Công an xã mình chuẩn bị đi giúp người dân xóm làm đường dân sinh, chú mang máy ảnh này đi chụp vài tấm để tuyên truyền về hoạt động nhé”, Trung tá Tú giao chiếc máy ảnh, ánh mắt đặt trọn niềm tin vào tôi.
Tất nhiên, như cá gặp nước, tôi hồ hởi nhận lời ngay, trong suốt quá trình làm đường không quên ghi lại những hình ảnh đẹp giữa người dân và các cán bộ chiến sĩ Công an xã. Khi về, tôi không quên gửi tin tức về hoạt động này cho Báo CAND để “khoe chiến tích”là tin bài đầu tiên tại xã.
Có một kỉ niệm có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được khi ở cơ sở, đó là vào một ngày tổ công tác lưu động của Công an huyện đến xã để làm Căn cước công dân và thu nhận hồ sơ định danh điện tử cho bà con nhân dân trên địa bàn. Hôm ấy trời mưa tầm tã, chúng tôi phải dùng cả xe ô tô của Công an xã để tới tận nhà người dân, đón những trường hợp già yếu, khuyết tật đến trụ sở Công an xã để thu nhận hồ sơ. Khi các đồng chí, đồng đội của tôi dìu một cụ già hơn 90 tuổi từ ngoài sân vào trong phòng làm việc, bất giác tôi đã giơ điện thoại lên để ghi lại khoảnh khắc đó.
Bức ảnh được tôi đăng tải lên trang fanpage Công an xã, sau đó nhận được nhiều lượt tương tác và bình luận, khen ngợi tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của những cán bộ chiến sĩ Công an tại cơ sở.Tôi thì lại ấn tượng nhất với bình luận “Cảm ơn Trung nhé, từ khi Trung về xã là lại có thêm nhiều hình ảnh đẹp" của một đồng chí công tác cùng xã. Có thể điều này không quá to tát đối với nhiều người, nhưng với tôi, dòng bình luận giản dị và chân thành này lại vô cùng ý nghĩa, bởi đó như một lời nhắc nhở rằng ngọn lửa nghề trong tôi vẫn đang cháy ngay tại cơ sở, nhờ ngọn lửa ấy mà những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nước quên thân, vì dân phục vụ đến gần hơn được với người dân.
Khoảng giữa tháng 9 năm 2022, tôi được Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác Đảng, Công tác chính trị Công an tỉnh “mượn” vài tuần để thực hiện các tác phẩm tham gia dự thi Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ XIII năm 2022 tổ chức tại Cần Thơ. Khăn gói ra ngoài tỉnh để hội ngộ cùng đội ngũ làm công tác tuyên truyền của Công an tỉnh, tôi cùng các đồng chí sau đó bắt tay ngay vào công việc để kịp tiến độ. Hôm thì vượt đèo dốc cheo leo tới trụ sở Công an xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình để trò chuyện với nữ Trưởng Công an xã đầu tiên của tỉnh, hôm lại cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh dầm mưa đến động viên, thăm hỏi một thanh niên là nạn nhân bị lừa sang Campuchia lao động, có hôm lại là những chuyến đi vượt hơn 200 cây số tới Bảo Lâm, huyện xa nhất của tỉnh để cùng các anh em Công an đi xuống xã vận động, tuyên truyền bà con đồng bào dân tộc Mông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình…, tất cả những chuyến đi, những câu chuyện tại cơ sở đều được chúng tôi khắc họa rõ nét thông qua những phóng sự, những bài phát thanh. Liên hoan lần ấy, Công an tỉnh Cao Bằng đã gặt hái được kha khá“trái ngọt".
Tất cả những kỉ niệm trong quá trình tác nghiệp kể từ khi về xã đã được chính tôi dùng làm câu trả lời cho một câu hỏi ngoài lề của Ban Giám khảo chấm thi hạng mục Phát thanh viên, người dẫn chương trình truyền hình tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ XIII vừa rồi, về việc bản thân có cảm thấy thiệt thòi khi về cơ sở công tác không. Cuối câu trả lời, tôi nói rằng mình vô cùng trân quý khoảng thời gian này, tôi không mất đi bất cứ thứ gì mà trái lại đã học hỏi được thêm rất nhiều điều, để từ đó trưởng thành hơn về nhiều mặt, vun đắp thêm tình yêu và sự tự tin với nghề viết.