Sẵn sàng lên đường vì miền Nam thân yêu
Dù biết khó khăn, hiểm nguy đang chờ đợi ở nơi tâm dịch, nhưng những y, bác sĩ CAND vẫn không nhụt chí, xung phong tình nguyện lên đường vì miền Nam thân yêu với tinh thần “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc và Nhân dân cần”.
Hôm nay 24/8, đoàn cán bộ y, bác sĩ CAND chi viện tình nguyện lên đường bay vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.
Ở đợt xuất quân chi viện lần thứ 3 hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch này, đoàn cán bộ y tế CAND gồm 100 y, bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế của 3 bệnh viện hạng I CAND gồm Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 199 và Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Bộ Công an, đảm nhận nhiệm vụ thiết lập và quản lý vận hành Bệnh viện Dã chiến của Bộ Công an tại xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
Tại Hà Nội, chuyến bay lúc hơn 13h chiều xuất phát từ sân bay Nội Bài được đẩy sớm hơn gần 2 tiếng đồng hồ so với lịch trình ban đầu, cho nên công tác chuẩn bị xuất quân của đoàn càng thêm gấp gáp. Không chỉ các y, bác sĩ trong đoàn cán bộ chi viện, lãnh đạo của 2 bệnh viện 19-8 và YHCT đã có mặt ở bệnh viện từ rất sớm để kịp thời sắp xếp hành trang, chuyển những thùng trang thiết bị y tế và các thùng thuốc mang theo chuyến bay vào Nam phục vụ công tác điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Mọi người ai cũng tất bật khuân vác hành lý, khuân những thùng máy móc, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị lên xe ô tô, chở ra sân bay Nội Bài cho kịp chuyến bay.
Trực tiếp chở vợ là Trung uý Nguyễn Thị Thùy, cán bộ Khoa Dược, Bệnh viện 19-8 đến điểm tập kết chuẩn bị lên đường, Thiếu tá Nguyễn Tất Thắng, cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa chuyển chiếc balo to cho vợ vừa tranh thủ dặn dò, cố gắng giữ gìn, đảm bảo an toàn sức khỏe, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Dù 2 con còn nhỏ, trong đó bé út chưa đầy 2 tuổi nhưng anh Thắng không nề hà, động viên vợ tham gia đoàn cán bộ y tế CAND tình nguyện. Bản thân anh là cán bộ Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng tham gia phòng chống dịch ở cơ sở, nên anh rất thấu hiểu những khó khăn vất vả của người chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng chống dịch.
“Cũng may, vợ chồng tôi ở cùng ông bà nội nên được hỗ trợ trông nom quán xuyến các cháu giùm” – Anh Thắng chia sẻ.
Nhận được điện thoại của vợ gọi đến dặn dò đâu là túi để thuốc, đâu là túi để đồ dùng cá nhân, Trung úy Lê Xuân Cường, cán bộ Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện 19-8 tâm sự, đây là lần đầu tiên anh đi công tác tỉnh xa nên vợ anh dặn dò rất cẩn thẩn. Khi nhận được tin mình có tên trong danh sách đoàn cán bộ chi viện đợt này, anh nói chuyện cùng bố mẹ và được hai cụ rất ủng hộ, động viên. Anh Cường khoe, bố mẹ anh trước đây cũng công tác tại Bệnh viện 19-8. Bố anh là Thượng tá Lê Văn Công, bác sĩ Khoa truyền nhiễm, từng tham gia “cuộc chiến” chống dịch SARS năm 2003, còn mẹ anh là bà Đỗ Thị Thu, bác sĩ Khoa Tai - mũi họng. Cũng vì là người cùng ngành nên 2 cụ rất hiểu tính chất nghề nghiệp, thấu hiểu yêu cầu nhiệm vụ của các “chiến sĩ áo trắng” trước những khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh, và rất ủng hộ, động viên con trai lên đường vào tâm dịch.
Cũng là con “ nhà nòi” nghề y khi cả bố và mẹ đều là bác sĩ, Đại úy Trần Phương Khoa, cán bộ Khoa Dược, Bệnh viện YHCT cho biết, mẹ anh là bác sĩ Bệnh viện Nông nghiệp, còn bố anh là bác sĩ Bệnh viện Giao thông vận tải. Không những vậy, vợ anh - chị Lê Thị Phương - cũng là cán bộ công tác tại Bệnh viện K. Chỉ vì 2 con còn nhỏ nên đợt này hai vợ chồng anh phân công nhau, chồng xung phong lên đường tham gia chống dịch còn vợ có nhiệm vụ ở nhà, vừa đảm trách nhiệm vụ tại cơ quan, vừa chăm sóc các con.
“Nhẹ nhõm” nhất có lẽ là Trung uý Lê Việt Hà, kỹ thuật viên Khoa Hóa sinh bệnh viện 19-8. Là trai trẻ lại chưa vướng bận vợ con, cho nên kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay đã 3 lần Hà xung phong tham gia đoàn cán bộ y, bác sỹ CAND tình nguyện chi viện cho các địa phương chống dịch. Trong đó, đã tham gia cả hai đợt chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang và đợt này tiếp tục xung phong tình nguyện vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch.
Hà chia sẻ, xung phong tình nguyện lên đường vào tâm dịch với anh như một lẽ “đương nhiên”, anh coi đó như là một thách thức của tuổi trẻ, để ngày càng có thêm kinh nghiệm và trưởng thành.
Đảm trách nhiệm vụ trưởng đoàn y, bác sĩ bệnh viện YHCT lên đường vào Nam chống dịch đợt này, Thượng tá Đinh Tạ Hiển, Trưởng Khoa xét nghiệm chia sẻ, vinh dự tự hào khi được cùng với các y, bác sĩ cả nước đóng góp công sức của mình để giúp chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong cuộc chiến đấu đẩy lùi dịch COVID-19.
Chúng tôi xác định người chiến sĩ CAND dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sẵn sàng đi bất kỳ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì mà Tổ quốc và Nhân dân cần.
Anh Hiển cho biết, mới hôm qua, cậu con trai cả của của vợ chồng anh là Đinh Quang Minh, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Y Hà Nội cũng vừa mới nhận được quyết định lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Hy vọng rồi đây dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, hai bố con sẽ có dịp hội ngộ, đón chào niềm vui ngay tại thành phố mang tên Bác.
Trực tiếp ra tận sân bay Nội Bài tiễn đoàn y, bác sĩ CAND lên đường vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, Đại tá Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 và Đại tá Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT đã gửi lời chúc sức khỏe tới toàn thể cán bộ y, bác sĩ tham gia đoàn công tác; biểu dương tinh thần xung phong tình nguyện của của các y, bác sĩ đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng lao vào tâm dịch để cùng với chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.
Dù chưa hình dung được nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến sẽ cam go, khốc liệt ra sao, nhưng tất cả các y, bác sĩ trong đoàn đều rất phấn chấn, động viên cùng nhau quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sẵn sàng cùng chính quyền và nhân dân miền Nam ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.