Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam

Thứ Năm, 10/10/2024, 17:48

Trong 3 ngày (từ 7 đến 10/10), tại TP Hải Phòng, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) đã tổ chức Hội thảo “Ngăn chặn dòng tài chính nhằm phòng, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam”.

Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa và ông David Peter Frend, Cố vấn cấp cao Chương trình toàn cầu chống rửa tiền, tiền thu được từ tội phạm và tài trợ khủng bố, Cố vấn UNODC khu vực sông Mê-kông, đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của 2 chuyên gia về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Liên hợp quốc cùng 30 đại biểu đại diện cho các đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an; Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính; Cục Phòng, chống rửa tiền và Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hội thảo “Ngăn chặn dòng tài chính nhằm phòng, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam”. -0
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tài trợ khủng bố có vai trò quan trọng và liên quan mật thiết tới cuộc đấu tranh phòng, chống khủng bố. Sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính đã và đang làm xuất hiện những nền tảng kỹ thuật số mới giúp các phần tử khủng bố gây quỹ và chuyển tiền thông qua các hình thức như sàn giao dịch điện tử, trò chơi trực tuyến, ví điện tử, các loại tiền ảo, tài sản ảo…, đặc biệt tiền điện tử sử dụng công nghệ mật mã có tính ẩn danh cao, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong truy vết và xác minh thông tin chi tiết của giao dịch cũng như áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Hội thảo “Ngăn chặn dòng tài chính nhằm phòng, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam”. -0
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa phát biểu tại hội thảo.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Bộ Công an Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tài trợ khủng bố, hoàn thiện hệ thống pháp lý trong nước, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Hội thảo “Ngăn chặn dòng tài chính nhằm phòng, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam”. -0
Ông David Peter Frend, Cố vấn cấp cao Chương trình toàn cầu chống rửa tiền, tiền thu được từ tội phạm và tài trợ khủng bố, Cố vấn UNODC khu vực sông Mê-kông, phát biểu tại hội thảo.

Trong 3 ngày, hội thảo đã trải qua 10 phiên làm việc, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi kiến thức, kinh nghiệm hay liên quan việc ngăn chặn dòng tài chính nhằm phòng, chống tài trợ khủng bố và 4 phiên thảo luận tình huống vụ án giả định, qua đó giải đáp nhiều vấn đề trong quá trình phân tích chức năng tài chính và kiểm toán mạng lưới khủng bố, xác định thông tin quan trọng trước khi lên kế hoạch ngăn chặn hiệu quả, không để phần tử khủng bố thực hiện hành vi tài trợ khủng bố.

Hội thảo “Ngăn chặn dòng tài chính nhằm phòng, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam”. -0
Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông David Peter Frend, Cố vấn cấp cao Chương trình GPML, đồng thời là Cố vấn UNODC khu vực sông Mê-kông tin tưởng, với sự chuẩn bị đầy đủ và chia sẻ nhiệt tình từ các chuyên gia Liên hợp quốc, cùng với tinh thần làm việc tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm của các đại biểu, hội thảo sẽ đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Đồng thời, hy vọng tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả với Bộ Công an Việt Nam về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác thuộc Đề án Bộ Công an phối hợp UNODC tổ chức 3 hội thảo về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong năm 2024 tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai hội thảo trước đó có chủ đề “Nâng cao về điều tra rửa tiền và tài trợ khủng bố” tổ chức từ 22 - 25/7 tại tỉnh Ninh Bình và “Ngăn chặn khai thác dịch vụ chuyển giá trị tiền (MVTS), Hawala và ngân hàng ngầm nhằm rửa tiền và tài trợ khủng bố” tổ chức từ 29/7 - 1/8 tại tỉnh Quảng Ninh. Đề án được triển khai nhằm mục đích trang bị kiến thức về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết, xử lý vụ việc liên quan rửa tiền và tài trợ khủng bố, từ đó tham mưu Chính phủ giải quyết các thiếu hụt về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đáp ứng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền.

Nội dung xuyên suốt chương trình Đề án bao gồm: những khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền; phát hiện, điều tra và ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố sử dụng tiền điện tử; lên kế hoạch gây cản trở dòng tài chính… cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về sử dụng nguồn tin và thông tin tình báo tài chính nhằm điều tra tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và đặc điểm các loại hình dịch vụ chuyển tiền hiện nay.

Tại các hội thảo, thay mặt Bộ Công an, đại diện Cục An ninh nội địa đã có bài trình bày tóm tắt về các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về rửa tiền và tài trợ khủng bố, dịch vụ chuyển tiền trong bối cảnh của Việt Nam và cách thức gây cản trở dòng tài chính trong bối cảnh của Việt Nam.

Xuân Mai
.
.