Đổi mới công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy CAND là nhiệm vụ cấp bách
Chiều 11/3, tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề “Đổi mới công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND chủ trì hội thảo.

Đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Công tác quản lý, điều hành là hoạt động cốt lõi trong mọi tổ chức nhằm đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng trọng yếu của Đảng và Nhà nước, công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy CAND không chỉ là công cụ tổ chức và chỉ đạo mà còn là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH.

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đổi mới công tác lãnh đạo chỉ huy CAND, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là nâng cao năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo chỉ huy CAND. Trong bối cảnh Bộ Công an đang thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng sắp xếp tổ chức bộ máy Công an địa phương tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở", đòi hỏi công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lực lượng Công an không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua đổi mới phương thức quản lý điều hành, đẩy mạnh ứng dung khoa học công nghệ và tăng cường chuyển đối số, lực lượng CAND tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước…
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã làm sâu sắc hơn những vấn đề chung về công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy CAND tại một số đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị địa phương; yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo chỉ huy CAND trong tình hình mới. Từ đó, đề xuất các sáng kiến, giải pháp đổi mới công tác quản lý, điều hành nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy CAND nhằm góp phần bảo vệ vững chắc ANQG, đảm bảo TTATXH trong thời gian tới.

Thiếu tướng, GS.TS Bùi Trung Thành, nguyên Phó Giám đốc Học viện ANND cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, người lãnh đạo, chỉ huy CAND cần phải có kiến thức toàn diện và tầm nhìn đủ lớn để lãnh đạo có hiệu quả toàn bộ các hoạt động của đơn vị mình; có chuyên môn nghiệp vụ cao; có tính kỹ luật và chiến đấu; thể hiện trách nhiệm phụng sự sự nghiệp của Đảng, Tổ quốc vừa phải thực hiện có hiệu quả các quyền lực đặc biệt của Nhà nước và Nhân dân trao cho.

Đại tá Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ Công an cũng khẳng định chuyển đổi số trong CAND thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy trong CAND. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin đề xuất cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị về chuyển đổi số; lựa chọn chiến lược để ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số; tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số, đặc biệt là khung chính sách thử nghiệm công nghệ và các mô hình công nghệ mới trong CAND; xây dựng văn hóa số trong lực lượng CAND.

Từ thực tiễn công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn Thủ đô, Đại tá, TS Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác đảm bảo ANTT phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới của Công an ba cấp như: Tham mưu Thành ủy, UBND các nhiệm vụ, giải pháp trong lộ trình xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế trên tất cả các lĩnh vực, đưa mọi hoạt động vào “khuôn khổ”; lãnh đạo chỉ đạo Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động tham mưu phát huy tiềm năng, lợi thế, tiềm lực của Thủ đô để hỗ trợ Công an TP trong công tác đảm bảo ANTT…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND khẳng định, đổi mới công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương là nhiệm vụ cấp bách và hết sức quan trọng hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của bối cảnh, tình hình mới. Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tập hợp các tham luận của các nhà khoa học và những ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận trong hội thảo, xây dựng báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Hội đồng lý luận Bộ Công an để có căn cứ, cơ sở khoa học tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương cả về phương diện lý luận và thực tiễn...