“Kiến tha lâu đầy tổ” chiêu vận chuyển cocaine mới

Thứ Ba, 27/06/2017, 10:52
Một vụ bắt giữ cocaine gần đây ở Peru cho thấy các nhóm tội phạm có tổ chức ngày càng tinh vi hơn trong việc sản xuất và vận chuyển ma túy để có thể qua mặt được các cơ quan chức năng.


Trong tháng 6 này, chính quyền Peru đã tịch thu 474kg cocaine được giấu trong một thùng hàng có 1.234 cuộn bông. Lô hàng được vận chuyển bằng đường biển đến cảng Abidjan. Các lô hàng trên được báo sẽ cập cảng Abidjan, Bờ Biển Ngà. Một người Ecuador và 6 người Peru có liên quan đến lô hàng đã bị bắt.

Các nguồn tin từ Cục Phòng chống tội phạm ma túy (DEPOTAD) cho biết, đầu tiên những kẻ buôn ma túy mang cocaine được sản xuất, tinh chế ở  khu vực thung lũng sông Apurimac, Ene và Mantaro (VRAEM), nơi tập trung những đồn điền trồng cây coca lớn nhất Peru, tới các kho hàng được lựa chọn sẵn nằm ở Piura, sau đó vận chuyển nó tới cảng Paita gần đó hoặc tới Ecuador.

Ảnh minh họa.

Nhưng khi những kẻ buôn lậu ma túy đến những điểm tập kết hàng, chúng sẽ làm những việc mà nhà chức trách gọi là “kiến tha lâu đầy tổ” (plan hormiga). Thực chất là chúng mang cocaine qua các lô hàng nhỏ hơn trong vài ngày để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện.

“Bọn chúng sẽ vận chuyển ma túy từng chút một như những người vận chuyển hàng hóa thông thường để tránh bị phát hiện”, một nhà chức trách của DEPOTAD cho biết.

Thực tế những kẻ buôn ma túy lợi dụng việc vận chuyển các chuyến hàng nhỏ sẽ mất nhiều thời gian để mở rộng phạm vi buôn lậu ma túy bên trong Peru. Điều này cho thấy các nhóm tội phạm đã áp dụng các chiến thuật tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng, khiến các cơ quan này khó điều tra ra được các hoạt động phi pháp, những tổ chức tội phạm cũng như kẻ đứng đầu tổ chức buôn lậu.

Trước đó, chiến lược buôn bán nhiều với lượng nhỏ đã rất thành công với những kẻ buôn lậu súng Mỹ vào Mexico. Vụ bắt giữ ma túy gần đây ở Peru cũng cho thấy sự thay đổi quan trọng trong những xuất phát điểm được ưu tiên của những kẻ buôn người.

Có khoảng 80% các lô hàng cocaine của Peru rời khỏi thành phố cảng Callao, gần Lima, trong khi 20% còn lại từ Paita. Thật khó để nói việc bắt giữ gần đây có tạo ra được những thay đổi đáng kể nào trong việc truy quét tội phạm ma túy ở Peru hay không, nhưng dường như hoạt động phi pháp này ngày càng trở nên nhộn nhịp và khó kiểm soát hơn tại Paita, vì việc kiểm soát tại cảng Tây Bắc này ít nghiêm ngặt hơn ở Callao.

Dù biết buôn lậu ma túy là phạm pháp, dù nhiều đối tượng cộm cán đã bị bắt, nhiều tấn cocaine các loại bị thu giữ, song hoạt động sản xuất, tàng trữ và buôn bán ma túy vẫn diễn ra hàng ngày, và ngày càng tinh vi hơn trước, số lượng người tham gia cũng đông hơn. Ngăn chặn buôn bán ma túy vừa là nhiệm vụ, nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với cảnh sát phòng chống ma túy không chỉ của Peru mà các nước, trong đó có Việt Nam.

Xuân Trường
.
.