Cựu kỹ sư Coca-Cola bị cáo buộc ăn cắp bí quyết công nghệ

Thứ Hai, 25/02/2019, 14:40
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14-2 cho biết ,một cựu kỹ sư cấp cao của hãng sản xuất nước ngọt Coca-Cola đã bị khởi tố ở Tennessee với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại trị giá 120 triệu USD cho một công ty Trung Quốc.


Cựu kỹ sư này là bà Du Hiểu Dung (You Xiaorong), một công dân Mỹ gốc Hoa 56 tuổi. Theo hồ sơ tòa án, bà bị buộc tội ăn cắp kỹ thuật lớp phủ bao bì không chứa Bisphenol A (BPA) thuộc sở hữu của một số công ty Mỹ, trong đó có một nhà tuyển dụng trú tại Atlantar không được nêu tên trong bản cáo trạng.

Cáo trạng cho biết bà Du đã cùng một người đàn ông Trung Quốc tên Liêu Hướng Thời (Liu Xiangchen, 61 tuổi, tỉnh Sơn Đông) và người họ hàng của ông Liêu, thông đồng để đánh cắp bí quyết công nghệ lớp phủ bao bì không chứa BPA. Bà Du còn bị cáo buộc vi phạm 7 tội trộm cắp bí mật thương mại và một vụ lừa đảo chuyển khoản điện tín khác.

Ông Liêu hiện có kế hoạch phát triển dây chuyền sản xuất bao bì không có chứa BPA, một chất gây hại cho thân thể con người nếu tiếp xúc, nên đã “nhờ vả” bà Du Hiểu Dung giúp đỡ để lấy được kỹ thuật của Mỹ, và hứa sẽ giúp bà giành được giải thưởng “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của Trung Quốc.

Một nghiên cứu nhỏ đã tìm thấy mối liên hệ có thể có giữa BPA và nguy cơ sảy thai ở phụ nữ dễ gặp vấn đề về sinh sản. Hóa chất này thường được tìm thấy trong nhựa và lót thực phẩm đóng hộp, và có thể ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể.

BPA, một hợp chất tổng hợp, đã từng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thực phẩm và dụng cụ chứa nước. Trong thập kỷ qua, một số nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của phơi nhiễm BPA đối với sức khỏe con người, khiến nhiều nhà sản xuất tìm kiếm các lựa chọn thay thế, có thể khó khăn và tốn kém để phát triển.

Công tố viên Tennessee J. Douglas Overbey tuyên bố, bị cáo Du Hiểu Dung “bị buộc tội trộm cắp và chuyển giao bí mật thương mại trị giá hơn 100 triệu USD để thành lập một công ty Trung Quốc khác - có thể trở thành đối thủ của các công ty Mỹ”.

“Thật không may, Trung Quốc lại tiếp tục sử dụng các chương trình quốc gia như Kế hoạch Ngàn nhân tài để thu hút và khen thưởng cho những kẻ trộm ăn cắp bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi”, Công tố viên Overbey nhận xét.

Kế hoạch Ngàn nhân tài được Bắc Kinh triển khai vào tháng 12-2008, là một chương trình khen thưởng khuyến khích nhân tài đang làm việc ở nước ngoài về Trung Quốc lập nghiệp, hoặc mang công nghệ nước ngoài về Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Kế hoạch này được Bắc Kinh tài trợ kinh phí nhiều nhất, nhằm lôi kéo các nhà nghiên cứu và các giáo sư đại học về đại lục.

Giáo sư Tạ Điền thuộc Học viện Aiken, Đại học South Carolina của Mỹ, cho biết: “Kế hoạch Ngàn nhân tài không phải là cách tuyển dụng nhân tài bình thường, chẳng hạn như sử dụng lương cao để thu hút nhân tài, trở lại Trung Quốc. Các yêu cầu của chương trình là rất lạ thường, trong đó các ứng cử viên sẽ làm việc một vài tháng ở Trung Quốc mỗi năm, trong khi vẫn duy trì công việc tại các nước khác. Trên thực tế, đó là công việc xuyên quốc gia”.

Chính vì vậy, kế hoạch này bị cáo buộc là một nỗ lực để lấy cắp công nghệ của nước ngoài. “Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để ăn cắp công nghệ từ Mỹ”, Nghị sỹ Francis Rooney (tiểu bang Florida) nhận định.

Troy Sowers - Đặc vụ phụ trách bộ phận Knoxville của FBI, người đi đầu trong cuộc điều tra - cho biết bản cáo trạng cho thấy "hành vi trộm cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ là mối đe dọa kinh tế mới nổi, ngay cả ở Đông Tennessee".

Đông Văn
.
.