Bảo mẫu ác quỷ: Vụ án chấn động Nhật Bản
- Vụ bê bối gián điệp giả chấn động Ấn Độ
- Vụ trộm ngân hàng gây chấn động nước Đức
- Vụ bắt cóc xe chở học sinh chấn động dư luận
Miyuki Ishikawa có biệt danh là "Oni-sanba" (Quỷ sản bà) hay là "bảo mẫu ác quỷ", "nữ hộ lí quỷ dữ". Ngày ấy, Bệnh viện Phụ sản Tokobuki chính là đường dây giết người kinh hoàng và chủ đường dây này không ai khác chính là Miyuki.
Khi tội ác bị phơi bày đã làm chấn động khắp nước Nhật Bản, đặc biệt là vùng Shinijuku - nơi bảo mẫu ác quỷ cùng đồng bọn thực hiện hành vi tội ác. Ước tính có gần 200 trẻ sơ sinh bị bảo mẫu ác quỷ này bỏ đói cho đến chết. Đây cũng là vụ án có nhiều người chết nhất của nước Nhật tính đến thời điểm hiện tại.
Cuộc đời
Tại Nhật Bản những năm 1944 - 1948, đất nước đang trong thời kì khôi phục kinh tế sau hậu quả nặng nề của Thế chiến thứ 2, hoàn cảnh thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng, xã hội loạn lạc dẫn đến việc phúc lợi và đời sống người dân bị tổn hại nghiêm trọng. Đồng thời bấy giờ, chính phủ có đạo luật cấm nạo phá thai, điều này dẫn đến rất nhiều cặp vợ chồng nghèo lỡ có thai sẽ phải sinh nhưng không có điều kiện chăm sóc trẻ.
Vào giai đoạn này, việc khôi phục nền kinh tế đất nước được chính quyền ưu tiên hàng đầu nên các vấn đề khác được xếp vào thứ yếu, trong đó có việc tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, chính điều này làm cho bệnh viện phụ sản bị quá tải và Bệnh viện Phụ sản Kotobuki nơi Miyuki làm việc cũng không ngoại lệ.
Chân dung Miyuki trong giấy tờ tuỳ thân (trái) và Miyuki đã che mặt khi bị bắt (phải). |
Đây cũng là thời kỳ bùng nổ dân số của Nhật Bản, ước tính khoảng 2,6 triệu đứa trẻ chào đời mỗi năm trong giai đoạn từ 1947-1949.
Miyuki sinh năm 1897 tại Yanagimachit, Miyazaki, Nhật Bản. Cảnh sát chỉ tìm được tài liệu sau khi nữ sát nhân này tốt nghiệp đại học Tokyo và theo lời khai của Miyuki thì bà ta có một tuổi thơ bất hạnh. Bà ta thường xuyên bị cha bỏ đói và đánh đập dã man.
Khoảng những năm 1900, Miyuki Ishikawa được làm Giám đốc Bệnh viện Kotobuki tại Yanagimachi, Shinjuku, Nhật Bản vì bà ta nổi tiếng là một bà đỡ có nhiều kinh nghiệm.
Sau khi lên làm Giám đốc Bệnh viện Kotobuki, Miyuki kết hôn với chồng là Takeshi Ishikawa, nhưng rất nhiều năm sau đó, không biết vì lý do gì, họ vẫn không thể có con. Đất nước Nhật bấy giờ đang trong giai đoạn khôi phục kinh tế, các gia đình nghèo không đủ điều kiện nuôi con của mình, chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng trong tình trạng tổn thất nặng nề của Thế chiến thứ 2 nên đã không thể hỗ trợ hết.
Bệnh viện Kotobuki đa số đỡ đẻ cho những hộ gia đình tầng lớp lao động nghèo khổ không đủ điều kiện để nuôi nhiều con, trước tình cảnh ấy, Miyuki đã nghĩ ra một cách giải quyết vô cùng ghê rợn và ác độc.
Tộc ác ghê rợn
Bảo mẫu ác quỷ cho rằng việc mình làm vô cùng đúng đắn, vừa cứu rỗi được cho đứa trẻ không phải sống một cuộc đời khổ sở mà ngay cả cha mẹ chúng cũng không phải mệt mỏi gánh vác theo một gánh nặng nuôi con cái khi kinh tế gia đình kiệt quệ.
Cách thức của Miyuki chính là nhận "giết hộ" những đứa trẻ sơ sinh này bằng cách bỏ đói đến chết rồi đem giấu xác trong khắp thành phố. Đáng sợ hơn là có rất nhiều gia đình chấp nhận cách thức này của nữ hộ sinh và tự nguyện nhờ Miyuki giúp giải quyết "gánh nặng" bằng cách thức tàn độc ấy.
Bệnh viện Kotobuki đã mở thêm dịch vụ "thủ tiêu trẻ sơ sinh" thay cho những gia đình nghèo, tội ác của Miyuki đã đem lại cho bà ta một khoản lợi nhuận "kếch xù". Để hợp thức hóa cho tội ác của mình, bảo mẫu ác quỷ rủ chồng là Takeshi Ishikawa và một bác sĩ khác là Shiro Nakayama để làm giả mạo giấy chứng tử cho cái chết của những đứa bé.
Miyuki và chồng đã thuyết phục những gia đình nghèo khó chọn dịch vụ này của bà cùng với lời dụ dỗ: rằng tiền phí dịch vụ chắc chắn ít hơn số tiền phải bỏ ra để nuôi nấng một đứa trẻ. Việc trục lợi trên thân xác của trẻ sơ sinh vô tội đã mang về cho vợ chồng Miyuki khoản thu khổng lồ.
Rất nhiều y tá làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Kotobuki không thể chấp nhận được tội ác ghê rợn của Miyuki nên đã xin nghỉ việc nhưng không một ai dám đứng lên tố cáo.
Bắt giữ và xét xử
Tranh minh hoạ lại vụ án bảo mẫu ác quỷ sát hại những đứa trẻ sơ sinh. |
Cho dù dịch vụ của Miyuki có kín kẽ đến đâu thì đến một ngày vẫn bị lôi ra bởi ánh sáng của pháp luật. Tội ác được phát hiện khi 2 viên cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát Waseda (Nhật Bản) bắt gặp kẻ khả nghi đi ra từ Bệnh viện Kotobuki. Các thanh tra viên đã kiểm tra cái túi mà người nọ vứt lại thì nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng: 5 thi thể của trẻ sơ sinh đã khô quắt, nhăn nhúm bị nhét vào trong túi.
Sau khi khám nghiệm pháp y, bản báo cáo cho thấy những đứa trẻ không chết vì bệnh tật. Cảnh sát liền mở một cuộc điều tra gấp rút, tâm điểm là Bệnh viện Phụ sản Kotobuki. Khi Cảnh sát ập vào Bệnh viện Kotobuki thì chỉ còn 5 đứa trẻ sống sót, chúng đều đang trong trạng thái thoi thóp, suy dinh dưỡng trầm trọng cùng với nhiều chứng bệnh khác.
Người đứng đầu của Chính phủ Nhật Bản thời đó đã đích thân đến thăm những đứa trẻ đó và quyết định sẽ họp bàn thay đổi luật nhằm chấm dứt những thảm kịch tương tự.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện thêm 40 thi thể trẻ sơ sinh tại một nhà hoả táng trong đường dây của Miyuki, tất cả các thi thể đều teo tóp, khô lại, nguyên nhân dẫn đến cái chết đều là vì bị bỏ cho đói khát. Tiếp đến, các thanh tra viên cũng tìm thấy 30 thi thể khác tại một ngôi đền gần đó.
Số thi thể trẻ sơ sinh được tìm thấy càng nhiều, cuộc điều tra kéo dài nhiều ngày nhưng cảnh sát không thể thống kê chính xác hết số nạn nhân bị sát hại dưới tay của nữ sát nhân tàn bạo Miyuki. Số nạn nhân chính thức được đăng trên báo là 103 nạn nhân, vợ chồng Miyuki bị bắt giữ vào ngày 15/1/1948.
Các cảnh sát vẫn không thể biết động cơ giết người của bảo mẫu ác quỷ Miyuki. Nữ sát nhân làm vì tiền hay vì không thể mang thai nên muốn giết hại những đứa trẻ khác? Hay đơn thuần Miyuki muốn tước đi sinh mạng của những đứa trẻ vì di chấn tâm lí bị đánh đập, bỏ đói thủa nhỏ của mình?
Vụ án gây chấn động dư luận nhưng những biện pháp nghiệp vụ và hệ thống luật thời đó không đủ để kết thành tội danh giết người. Vì vậy toà án tối cao Nhật Bản kết án bảo mẫu ác quỷ 8 năm tù giam với tội danh "vô trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng", người chồng và tên bác sĩ là đồng phạm bị kết án 4 năm tù.
Một thời gian sau, vợ chồng Miyuki đã nộp đơn kháng cáo, khiến tòa giảm một nửa hình phạt, Miyuki chỉ bị phạt 4 năm tù còn chồng và tên bác sĩ Shiro là 2 năm. Dư luận cho rằng đây là án phạt quá nhẹ nhàng cho nữ hộ sinh quỷ dữ nhưng do không đủ bằng chứng nên không thể phạt ở mức cao hơn. Tội ác đươc làm sáng tỏ gây chấn động cả thế giới.
Truyền thông Mỹ cũng đưa tin về hành vi độc ác này của nữ hộ sinh ác quỷ, họ gọi Miyuki là kẻ kiếm tiền với công việc kết liễu mạng sống của những trẻ sơ sinh, không khác gì người nông dân nuôi gia súc. Sau khi ra tù, không ai biết Miyuki ra sao và mất như thế nào, tuy nhiên tội ác của nữ ác quỷ này sẽ mãi làm người đời kinh sợ.
Vụ án của Miyuki làm xã hội Nhật Bản sau Thế Chiến thứ 2 chấn động, đồng thời chính phủ đã ban hành nhiều đạo luật giúp bảo vệ những thiên thần nhỏ mới chào đời. Ngày 13/7/1948, Bộ luật Bảo vệ bà mẹ trẻ em được Nhật Bản thông qua, đồng thời chính phủ đã thành lập hệ thống đào tạo, giảng dạy và kiểm tra chuyên môn các hộ sinh, bác sĩ phụ sản.
Ngày 24/6/1949, chính phủ Nhật Bản ban hành đạo luật cho phép phá thai với những gia đình không đủ tài chính nuôi con. Qua vụ việc, song song với khôi phục kinh tế sau tổn thất chiến tranh, chính phủ Nhật Bản đã thắt chặt thêm an ninh đất nước và các vấn đề xã hội khác cũng được quan tâm hơn.