Ai cướp 1 tỉ USD của Saddam Hussein?
- Mười tên cướp nhà băng khét tiếng ở Mỹ
- Venezuela: Cướp nhà băng, 30 người bị bắt làm con tin
- Trùm đánh cướp nhà băng sa lưới sau 13 năm lẩn trốn
- Nga khám phá vụ cướp nhà băng lớn nhất trong vòng một thập kỷ gần đây
Theo trang tin Ozy News, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tiến vào Baghdad hồi đầu tháng 3-2003, bọn hôi của đã tấn công trụ sở Ngân hàng Trung ương Iraq vốn được xây như một pháo đài, chứa tài sản quốc gia, gồm kho dự trữ ngoại tệ. Những người lính tìm thấy những ống hàn, súng phóng lửa, nhưng bọn hôi của không thể lọt vào kho tiền. Ai đó đã rút hết gần 1 tỉ USD ra khỏi kho ngoại tệ.
“Con heo đất” của Hussein
Lúc 4 giờ sáng 18-3-2003, một ngày trước khi tên lửa hành trình Mỹ bắt đầu “dội mưa” xuống thủ đô Iraq, 3 xe tải lớn lao đến Ngân hàng Trung ương. Trong vài giờ, vô số thùng sắt chứa 900 triệu USD bằng tờ 100 USD và 100 triệu USD bằng đồng euro - được chất lên 3 chiếc xe.
Vụ cướp ngân hàng này chẳng cần súng, chất nổ, mà chỉ là một tờ giấy viết tay gởi Thống đốc Ngân hàng, nhấn mạnh biện pháp đặc biệt này là cần thiết, để tiền không lọt vào tay kẻ thù nước ngoài. Người viết tờ giấy chỉ đạo này là Qusay Hussein, con trai Hussein và là Chỉ huy an ninh Iraq, sau này bị người Iraq chỉ điểm nơi trốn cho lính Mỹ giết.
Dù vậy, các xe chở đầy tiền “đô” này rơi vào tay người nước ngoài, “thậm chí có thể lọt vào túi của bạn”, theo Ozy News. Vẫn theo trang tin này, Hussein xem kho dự trữ ngoại tệ là “con heo đất” của ông, một nhân vật đầy quyền lực, khiến cấp dưới chỉ biết vâng dạ chứ không dám cãi lệnh.
Thế nên, vào giờ chót khi Hussein ra lệnh giao 1 tỉ USD, không ai ở Ngân hàng Trung ương dám cãi lệnh. Một quan chức Iraq giấu tên biết về vụ cướp này, đã nói với báo New York Times: “Khi bạn nhận lệnh từ Hussein, bạn chớ nên cãi”.
Khi các quan chức Mỹ biết số ngoại tệ đã bị rút khỏi Ngân hàng Trung ương, họ lo sợ số tiền này sẽ được dùng để nuôi quân nổi dậy.
Ngân hàng Trung ương Iraq. |
Không ít người cho rằng 650 triệu USD giấu sau bức tường giả trong dinh thự của Uday - một người con trai khác của Hussein - là từ Ngân hàng Trung ương Iraq. Thật ra đó là số tiền vơ vét riêng của Uday, người cũng chịu chung số phận như Qusay.
Hussein sau này bị bắt dưới một hầm trú ẩn ở quê ông, và bị xử tử hình. Nhưng số tiền 1 tỉ USD bị hôi khỏi Ngân hàng Trung ương Iraq được giấu ở đâu?
Mỹ giữ tiền của Hussein
Theo cuốn sách “Trả bất cứ giá nào” của tác giả James Risen, ngay trước khi Mỹ biết vụ cướp “heo đất đô-la” của Hussein, lính Mỹ đã phát hiện hàng trăm hộp nhôm - mỗi hộp chứa khoảng 4 triệu USD bằng tờ 100 USD - tại một dinh thự của Hussein. Số tiền này được bí mật chuyển đến Kuwait, nơi quân nhân Mỹ phải đếm số tiền đến mỏi tay.
Khi trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Taylor, phụ trách các vấn đề quốc tế, biết số tiền này, ông yêu cầu các quan chức cấp cao tại Phòng Tình hình ở Nhà Trắng hoàn trả số ngoại tệ về đúng nơi của nó, là Ngân hàng Trung ương Iraq.
Nhưng Nhà Trắng và Lầu Năm Góc quyết định giữ lại số tiền trên. Những năm sau đó, những tờ 100 USD trong “heo đất” của Hussein - cùng 12 tỉ USD bằng tờ 100 USD mới toanh mà Mỹ đưa lên máy bay chở qua Iraq để tái thiết đất nước này - trở thành nỗi ám ảnh của quân nhân Mỹ.
Chương trình phản ứng nhanh (CERP) được lập để phát số tiền này cho các sĩ quan chỉ huy Mỹ tại Kuwait “sử dụng vào các mục đích phù hợp” như xây trường học, nâng cấp đường sá cùng các dự án phát triển khác.
Jame Risen viết: “Số tiền này nhanh chóng biến mất vào balô và tủ đựng thức ăn của các sĩ quan và binh lính có quyền tiếp cận. Một vài khoản tiền được họ gởi về nước tặng vợ và bạn gái. Vụ cướp ngân hàng ở Iraq đạt tới tầm cỡ sử thi!”.
Lính Mỹ ăn cắp
Đó cũng là lý do Ozy News viết “thậm chí có thể lọt vào túi của bạn”. Ví dụ vụ tiền “đô” của Hussein mau chóng xuất hiện tại nhiều nơi ở Mỹ, như ở Yuma (bang Arizona) là nơi mà FBI phát hiện sĩ quan lính thủy đánh bộ Mark Richard Fuller sở hữu 91 tài khoản tiết kiệm với tổng cộng hơn 440.000 USD.
Fuller là một phi công dự bị lái máy bay F-5 của lính thủy đánh bộ, năm 2005 anh ta được giao nhiệm vụ 6 tháng ở Iraq. Tại Fallujah, một trong những thành phố nguy hiểm nhất Iraq, anh ta lọt được vào Chương trình phản ứng nhanh dành cho các sĩ quan Mỹ, lãnh nhiệm vụ đếm tiền.
Sau khi trở về Mỹ, từ ngày 5-10-2005 đến 3-4-2006, Fuller đã lập 91 tài khoản ở nhiều ngân hàng với rất nhiều tờ 100 USD mới tinh, do anh ta làm chủ tài khoản.
Theo quy định thì ngân hàng phải báo cáo với chính quyền liên bang về một tài khoản có trên 10.000 USD. Nhưng Fuller “lách” quy định bằng cách chỉ gởi chưa tới 10.000 USD ở mỗi tài khoản, và nhiều tài khoản anh ta chỉ lập cách nhau 15 phút trong cùng một ngân hàng.
Trong lần lập tài khoản vào tháng 11-2005, Fuller nói với nhân viên ngân hàng về nguồn gốc số tiền gửi: bán tài sản cá nhân của một người thân trong gia đình. Nhân viên này cho biết cô nhận thấy nhiều tài khoản khác do anh ta lập, toàn tờ 100 USD mới và chưa đưa vào lưu hành.
Tiền đôla trong Ngân hàng Trung ương Iraq. |
Ngoài ra, Fuller còn mở nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác vào ngày 29-11 và 9-12-2005, đều với lý do bán được tài sản cá nhân của người thân.
Cáo trạng cũng nêu trong thời gian làm nhiệm vụ tại Iraq, Fuller đã gởi khoảng 20 bưu phẩm về Mỹ cho vợ. Nhưng Mỹ không thể xác minh chúng có chứa tiền hay không.
Tháng 5-2010, Fuller ra đầu thú với chính quyền liên bang, nhận 2 trong 22 tội danh “lách” quy định gởi 10.000 USD trở lên thì ngân hàng phải báo chính quyền liên bang. Mỗi trong 22 tội danh này có mức án tối đa 5 năm tù, hoặc nộp phạt 250.000 USD hoặc phải chịu cả hai mức phạt. Fuller đồng ý nộp 300.000 USD, mỗi tháng nộp “góp” 3.000 USD, và Viện Công tố liên bang đồng ý hủy các tội danh còn lại ”.
Vào trung tuần tháng 6-2011, tờ Time đưa tin Fuller, 43 tuổi, bị tuyên án một năm tù vì tội “lách quy định”. Nếu cải tạo tốt, Fuller có thể được trả tự do trước lễ Giáng sinh 2011. Nếu đúng như chính phủ nghi, rằng Fuller cướp 440.000 USD, và vì anh ta đồng ý nộp phạt 300.000USD, thì anh ta chỉ bị một năm tù nhưng vẫn còn “lời” 140.000 USD.
Chính phủ Mỹ vẫn không thể chứng minh Fuller trộm tiền, vì không ai trong đơn vị hoặc không có người Iraq nào có thể làm chứng việc này.
Một người Mỹ gốc Việt cũng ... trộm tiền ở Iraq
Đó là đại úy bộ binh Michael Dung Nguyen, người phụ trách đếm tiền của CERP ở tỉnh Anbar.
Trong cáo trạng ngày 3-5-2010, tòa tuyên án 30 tháng tù vì Dung Nguyen, 29 tuổi, sau khi anh ta nhận tội cướp tài sản chính phủ, “lách quy định”. Anh ta cũng bị giám sát trong 3 năm sau khi ra tù, nộp phạt 200.000 USD và bị hủy mọi quyền lợi trong các tài sản cá nhân mà anh ta mua bằng tiền trộm được.
Dung Nguyen khai nhận đã trộm 690.000 USD khi đi lính ở Iraq, và đã gửi số tiền này về gia đình anh ta ở Portland (bang Oregon).
Sau khi về nước, từ ngày 9-6 đến 26-9-2008, Dung Nguyen lập nhiều tài khoản ngân hàng, gởi tổng cộng 387.000 USD, nhưng ở mức dưới 10.000 USD/tài khoản để “lách quy định”. Anh ta còn dùng tiền mặt mua một chiếc xe BMW 2008 giá 70.000 USD và một chiếc Humvee H3T 2009 giá 43.000 USD, đồ gia dụng điện tử và đồ nội thất đắt tiền. Tất cả số tài sản này sau đó đều bị tịch thu.
Cục Thuế Mỹ nghi ngờ, vì các khoảng tiền gởi và mua sắm quá mức lương lính mà Dung Nguyen được hưởng. Họ cùng cảnh sát địa phương và FBI mở cuộc điều tra. Khi khám nhà, FBI còn phát hiện 300.000 USD Dung Nguyen giấu trên mái nhà.
Một năm trước đó, Dung Nguyen còn chối tội. Ngày 3-5-2009, công tố viên nói anh ta không thuộc diện trốn ra nước ngoài, nhưng anh ta bị thu hồi hộ chiếu, không được sở hữu vũ khí.
Dung Nguyen từng tốt nghiệp Trường võ bị West Point năm 2004, nhưng vì trộm tiền để giúp dân Iraq, “Đại úy Nguyen đã phản bội tổ quốc của anh ta, phản bội các nam, nữ chiến hữu của anh ta”, theo cáo trạng.
Tác giả Risen kết luận: Tổng cộng 35 quân nhân Mỹ đã bị buộc tội trộm tiền của Iraq từ năm 2004 đến 2008, và “những tên đầu trộm nay vẫn còn lẩn tránh công lý”.