Một thời họ đã sống hào hùng như thế
Ông Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy phó Công an vũ trang Vĩnh Linh nay đang ở tuổi xưa nay hiếm, song trí óc vẫn còn rất minh mẫn. Ngồi trước hàng hiên nhà tỏa bóng cây râm mát ở TP Đông Hà, ông rót bát nước chè xanh đặc quánh mời tôi. Cuộc đời binh nghiệp của ông là những thước phim quý về chiến tranh, từ từ lần mở cho người xem những phút giây vừa oanh liệt vừa bi hùng và đầy xúc động.
“Ngày 30/7/1954 sau khi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết 10 ngày, tôi cùng với một số cán bộ chỉ huy như Trần Tình, Võ Bảng ra làng Tiên An, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh để khảo sát tình hình, chuẩn bị cho công tác điều động, tổ chức xây dựng Đại đội 1 Công an vũ trang Vĩnh Linh theo quyết định của Liên khu ủy Liên khu 4.
Đến giữa tháng 8 năm đó, đại đội hình thành với 100 cán bộ, chiến sĩ của các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, biên chế thành 9 tiểu đội, triển khai về 10 đồn, chiếm lĩnh các vị trí dọc giới tuyến ở bờ Bắc sông Bến Hải. Thấy ta lập nên 10 đồn, đại đội Cảnh sát của Liên hiệp Pháp ở phía bờ Nam cũng thành lập 9 đồn canh gác”.
Anh hùng LLVTND Đào Xuân Hướng hạnh phúc với cháu con lúc sinh thời. |
Ông nhấp một ngụm chè xanh đặc quánh rồi kể tiếp: “Tại Hiền Lương, Đồn Công an vũ trang có nhiệm vụ quan hệ, đưa thông tin, thư từ, liên lạc từ bờ Bắc của Phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam và Ban Liên hợp khu phi quân sự trao đổi với Cảnh sát bờ Nam và ngược lại. Riêng nhiệm vụ kiểm soát thuyền bè trên sông Bến Hải thì cả hai bên cùng phối hợp thực hiện. Khi quân Pháp rút toàn bộ vẫn còn nhiều điều khoản của Hiệp định có liên quan đến trách nhiệm của họ chưa được thi hành. Chính quyền Ngô Đình Diệm với sự giúp đỡ và có sự chỉ đạo của Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định nhằm chia cắt vĩnh viễn đất nước ta.
Từ đây, công tác tuần tra kiểm soát giới tuyến cũng như đánh trả địch ném bom phá hoại diễn ra vô cùng khó khăn, gian khổ. Hôm chợ Bạn nằm ở xã Trung Giang bờ Nam sông bị tên Quận trưởng Gio Linh đưa Cảnh sát và đặc vụ về đốt phá, ngăn cấm không cho người dân hai bên sông qua lại buôn bán, chúng tôi rất tức giận nhưng phải kiềm chế vì mục đích lớn hơn. Biết được âm mưu thâm độc của Mỹ- Quân đội Sài Gòn, Liên khu 4 đã thành lập Đại đội 2 Công an vũ trang giới tuyến, hành quân từ Nghệ An vào nhận nhiệm vụ.
Lúc này, toàn bộ Đại đội 1 rút từ cầu Hiền Lương về Cửa Tùng (phía Đông), Đại đội 2 phụ trách từ Huỳnh Hạ lên khu vực Bến Tắt (phía Tây). Biết được âm mưu của địch muốn chiếm biên giới phía Tây, cấp trên đã nhanh chóng cử một trung đội lên tìm dân, tìm đất lập nên xã Hướng Lập (thuộc huyện Hướng Hóa ngày nay), cắm cờ khẳng định chủ quyền ở ngã ba biên giới. Bên cạnh trực tiếp chiến đấu với địch bằng súng đạn, còn có những cuộc đấu trí nảy lửa trên cây cầu Hiền Lương lịch sử.
Nhờ những cuộc đấu trí thông minh, linh hoạt này mà bên ta đã dần vận động, lôi kéo được nhiều đối tượng trở về chính nghĩa; cài cắm hoạt động trong lòng địch vì lợi ích cách mạng và dân tộc”.
Ông Hà bảo, ngày đó những người lính Công an giới tuyến chiến đấu với lời thề quyết tử: “Tới chừng nào tim còn đập thì lá cờ Tổ quốc bên dòng Bến Hải còn bay. Chúng tôi ghi nhớ mệnh lệnh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là phải yêu Vĩnh Linh như quê hương mình và bảo vệ Vĩnh Linh như bảo vệ con ngươi mắt mình”.
Ngót cuộc đời khoác trên mình chiếc áo quân nhân, ông Hà nói kỉ niệm khó quên nhất trong đời lính của mình có lẽ là những năm tháng chiến đấu ở Đồn Công an Hiền Lương. “Đa phần những đồng đội chung chiến hào bên bờ Hiền Lương ngày ấy giờ đã khuất núi. Mỗi lần về lại Hiền Lương, tôi như thấy mình đang cùng đồng đội kề vai chiến đấu bên tuyến lửa. Mới đó mà đã hơn 60 trôi qua, thời gian như cái chớp mắt. Gian khổ nhưng tự hào”, ông Hà bộc bạch.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chúc mừng 35 tập thể và 40 cá nhân Công an tỉnh Quảng Trị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc. |
Trong câu chuyện của ông Hà, tôi nhớ đến ông Nguyễn Anh Thạc, nguyên Đồn trưởng Công an vũ trang Hiền Lương. Lần gặp và chuyện trò với chúng tôi vài năm trước, ở vào tuổi ngoài 80, ông Thạc vẫn hào sảng khi kể về những năm tháng bám trụ bên bờ Hiền Lương – Bến Hải. Năm 1954, khi đang là trinh sát của bộ đội địa phương huyện Cam Lộ thì ông Thạc được lệnh cùng với 100 cán bộ, chiến sĩ gấp rút ra Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ mới. Ông được phân công làm Tổ trưởng Tổ Công an vũ trang, tiếp nhận bàn giao Đồn Cửa Tùng và Đồn Hiền Lương theo tinh thần hiệp định đình chiến.
Ngày 25/8/1954, ông cùng một quan hai Pháp đã ký vào biên bản bàn giao và tiếp nhận. Ngày đó công tác ở Đồn Hiền Lương gặp nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ, chủ yếu là mượn nhà dân, quân số chỉ có 9 người… nhưng những người lính ấy đã khắc phục mọi khó khăn để thực thi nhiệm vụ.
Những năm tháng ấy ông đã cùng các đồng đội đấu tranh buộc thi hành hiệp định, tổ chức cho đồng bào hai bờ Bắc - Nam thăm thân, đồng thời làm nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tình báo của địch ở hai bờ giới tuyến. Đến năm 1955 trở đi, Mỹ ngang nhiên tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, đơn phương phá hoại Hiệp định Geneva.
Tiếp đó là đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đồng thời tổ chức càn quét, đốt chợ Bạn (Gio Linh), đưa cảnh sát dã chiến ra phía Nam sông Bến Hải, ngăn sông, cấm chợ. Cuộc chiến trở nên cam go và khốc liệt hơn. Ông Thạc cùng đồng đội luôn sát cánh bên nhau. Hôm gặp chúng tôi, ông nói, vượt qua hòn tên mũi đạn để được sống những năm tháng hòa bình với ông là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống khi chưa kịp nhìn thấy đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải nối liền. Vì vậy, nguyện vọng của ông là được thấy một đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến…
Dọc dài câu chuyện về những người lính Công an vũ trang bên bờ giới tuyến, tôi nhớ đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng. Năm 22 tuổi ông tham gia quân ngũ thuộc bộ đội địa phương khu Vĩnh Linh.
Thời điểm ấy, sông Bến Hải đã bị chia cắt giới tuyến. Ban ngày ông mặc quân phục Công an làm nhiệm vụ canh giữ ở bờ Bắc cầu Hiền Lương, ban đêm trở ra khu Vĩnh Linh trong quân phục bộ đội để cùng với đồng đội bàn kế hoạch vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 4/1970, ông làm cán bộ biệt phái hoạt động bên kia giới tuyến nhằm xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Năm 1973, ông được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Tiếp đó, ông giữ các chức vụ Đồn phó Đồn Biên phòng Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá), Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Tùng (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh)...
Năm 1983, ông về nghỉ hưu tại thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh). Người anh hùng thời chiến trở về làm người nông dân sống đời thường trên đồng đất quê hương. Rồi hơn 15 năm trước, một đêm mưa gió, ông bắt gặp những cánh cò sũng nước trong khu vườn nhà mình, ông quyết định nhường khu vườn rộng cho đàn cò trú ẩn và chính ông trở thành người bảo vệ cho ngôi nhà của cò.
Ông bảo lý do ông nhường đất để bảo vệ đàn cò bởi con cò giống với người nông dân, đôi chân lúc nào cũng đen như đất bùn. Cò không bao giờ đặt chân lên ruộng vừa gieo hoặc ruộng cấy, mà chỉ kiếm ăn ở những kênh thoát nước hay bờ ruộng, nơi không có hạt giống, cây lúa non. Nhưng sâu xa, tôi ngầm hiểu, người anh hùng thời chiến ấy thêm một lần làm anh hùng giữa thời bình, chung tay gìn giữ môi trường sống của quê hương.
Những người lính như ông Thạc, ông Hướng bây giờ đã khuất bóng núi nhưng câu chuyện về những năm tháng chiến đấu bảo vệ quê hương bên bờ Hiền Lương – Bến Hải vẫn tiếp tục được nhắc nhớ, khắc ghi. Nhân Kỷ niệm 75 năm, Ngày truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam, qua bài viết xin dâng một nén tâm nhang tưởng nhớ những Anh hùng, người chiến sĩ Cộng sản Công an một thời đã xả thân mình vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân bên bờ Vĩ tuyến.