Trận tuyến an ninh thầm lặng ở Tây Nguyên

Thứ Hai, 23/08/2021, 09:38

Sau giải phóng 1975, trong khi cả nước bước vào giai đoạn kiến thiết, dựng xây để hàn gắn những vết thương chiến tranh thì trên mảnh đất Tây Nguyên vẫn phải tiếp tục cuộc chiến chống các tổ chức phản động, đặc biệt là tổ chức phản động Fulro.

 

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh, những hy sinh mất mát vẫn còn in sâu trong tâm trí của những người chiến sỹ từng tham gia cuộc chiến này...

Thiếu tướng Rah Lan Lâm (dân tộc Ra Jai), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nhớ lại, đầu năm 1976, khi đó Rah Lan Lâm là một cậu bé 11 tuổi cùng với hàng trăm người dân tập trung tại UBND xã để vui mừng cách mạng toàn thắng, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Đúng lúc đó, hàng chục đối tượng FULRO kéo quân vào buôn làng ở xã Nhơn Hòa, huyện Chư Prông bắn giết hàng chục đồng bào cả người dân tộc thiểu số và người Kinh.

CANDDB-41-Trận tuyến an ninh thầm lặng ở Tây Nguyên -0
 Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

“Để thị uy, chúng nã thêm nhiều quả đạn M79 vào nhà đồng bào mình nhưng rất may, vào thời điểm ấy mọi người đang tập trung ở trung tâm xã nên không ai bị thiệt mạng nhưng nhiều căn nhà đã bị thiêu rụi”, Thiếu tướng Rah Lan Lâm kể.

Những năm sau đó, cậu bé Rah Lan Lâm đã chứng kiến hàng chục thanh thiếu niên của làng mình bị bắt đi FULRO, ai phản ứng hoặc chống cự lại đều bị chúng giết hại rất thê thảm. Bản thân Rah Lan Lâm cũng bao phen phải đi lánh nạn để không bị ép vào tổ chức này.

Từ  tình yêu buôn làng, ông đã tự nguyện viết đơn xin tham gia vào lực lượng Công an để đi chống FULRO, bảo vệ bình yên cho buôn làng, quê hương của mình. Và trong cuộc chiến ấy, ông đã bao lần “chết hụt” cũng như chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống trước họng súng tàn ác của FULRO.

Còn đối với Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk), những năm tháng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu chống lại tội ác của FULRO sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của ông. Đó là những ngày tháng xa vợ con, xa nhà đằng đẵng, cùng chung nắm cơm vắt, ngủ núi rừng, thậm chí sự hy sinh xương máu của đồng đội diễn ra trước mắt. Nói về những hy sinh của đồng đội trong cuộc chiến khốc liệt ấy, Thiếu tướng Rơi không cầm được nước mắt.

Ông bồi hồi nhớ lại: Vào khoảng tháng 2/1977, đồng chí Y Thuyên Ksơr (lúc bấy giờ là Trưởng phòng Bảo vệ Ty Công an Đắk Lắk) được cấp trên điều động xuống địa bàn huyện Krông Pắk để nắm tình hình, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh chống FULRO. Chiều 22/2/1977, nhận được tin FULRO sẽ về hàng tại buôn Ea Mtá, đồng chí Y Thuyên Ksơr cùng đồng đội đến ngay địa bàn để nắm tình hình.

“Đêm hôm đó, có khoảng 50 tên FULRO bất ngờ đột nhập vào buôn tập kích. Trong cơn điên loạn, chúng đã xả súng bắn chết đồng chí Ma Nghi (cán bộ huyện), bắn trọng thương đồng chí Y Nang (cán bộ xã) và cụ Ma Yan (già làng). Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, nhưng đồng chí Y Thuyên Ksơr cùng đồng đội vẫn bám trụ chiến đấu bảo vệ cán bộ, bảo vệ Nhân dân. Trong tình huống đối mặt với kẻ thù, đồng chí Y Thuyên đã bị chúng bắn trọng thương.

Ông tiếp tục gượng dậy chiến đấu, tiêu diệt 4 tên FULRO thì ngã xuống. Trong 16 năm công tác và chiến đấu, đồng chí Y Thuyên Ksơr đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi kể lại.

Đầu năm 1979, tại huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ chặn đánh, bắn giết và bắt giữ cán bộ, người dân trên các tuyến đường giao thông do lực lượng FULRO gây ra. Điển hình là vào ngày 31/3/1979, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng (cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Đắk Lắk) được giao bảo vệ đoàn cán bộ Tỉnh ủy và Trung ương về làm việc tại huyện Ea Súp.

Trên đường đi, khi cách trung tâm huyện khoảng 6km thì bị 8 tên FULRO phục kích đánh hỏng trần và kính chắn gió của xe. Bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng, đồng chí Tùng nhoài người ra cửa xe dùng súng bắn trả quyết liệt, khiến bọn FULRO phải cuống cuồng tháo chạy, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác.

Tuy nhiên, đồng chí Tùng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh. Cũng theo Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, vào thời điểm đó, song song với công tác truy quét FULRO ngoài rừng, lực lượng Công an cùng các ban, ngành các tỉnh Tây Nguyên đã huy động trên 1.000 cán bộ triển khai xuống các địa bàn trọng điểm, bám dân, phát động quần chúng vận động chính trị, tổ chức các lớp học tập tài liệu chống FULRO và lắng nghe phát biểu, đóng góp ý kiến từ quần chúng.

Hàng trăm người đã vạch mặt tội ác của FULRO trước quần chúng, kêu gọi chồng con, người thân đang theo FULRO trở về làm ăn lương thiện. Hàng ngàn người tự nhận đã tiếp tế cho FULRO nay muốn lập công chuộc tội. Trong hai năm 1978-1979, thêm gần 3.000 FULRO quay về hàng để sống yên ổn với gia đình. …

CANDDB-41-Trận tuyến an ninh thầm lặng ở Tây Nguyên -0

Lực lượng an ninh Tây Nguyên “bốn cùng” với đồng bào tại cơ sở. 

Tiếp nối những truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, giờ đây, những CBCS an ninh trên mảnh đất Tây Nguyên vẫn ngày đêm bám dân, bám địa bàn cơ sở để giữ vững những thành quả đã đạt được.

Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng (Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết, ở đâu đó, các thế lực thù địch vẫn lén lút tìm cách chống phá thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Lực lượng an ninh Công an huyện Krông Nô nói riêng, Công an tỉnh Đắk Nông nói chung đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm ANTT. Mỗi CBCS vẫn ngày đêm bám dân, bám địa bàn cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.

Cũng theo Trung tá Thắng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, với vai trò là lực lượng nòng cốt, “tuyến đầu” trong phòng, chống dịch, lực lượng an ninh đã không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám địa bàn, chốt chặn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các giải pháp, góp công, góp sức cùng toàn lực lượng Công an tỉnh khống chế, ngăn chặn đại dịch lây lan, xâm nhập vào địa bàn, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa bảo đảm tốt an ninh, trật tự, vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Văn Thành
.
.