Ân tình ở cửa ngõ Thủ đô
Còn nhớ những ngày này của một năm về trước -cũng là lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ở trong giai đoạn phức tạp nhất. Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã triển khai 22 chốt kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ ra vào thành phố để kiểm soát chống dịch. Ở nơi ấy cùng với việc ngăn chặn, đẩy lùi virus vô hình chết người, còn có biết bao câu chuyện xúc động về tình quân dân, đồng đội.
Những ngày không quên
Chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Đội CSGT số 8, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội khi anh vừa đi tăng cường cho các hoạt động bảo vệ SEA Games 31 trở về đơn vị. Trải qua nhiều vị trí, địa bàn, với bản lĩnh và kinh nghiệm, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường luôn là một trong những cái tên mà Ban chỉ huy đơn vị cũng như Phòng CSGT tin tưởng lựa chọn tham gia vào công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước.

Trong tâm trạng xúc động, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường nhớ lại những tháng ngày chỉ huy chốt trực chống COVID-19 ở Quốc lộ 1A. Thời điểm đó, “bão” COVID-19 quét tan hoang khắp TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố. Những biện pháp cấp bách, chưa từng có trong lịch sử đã được các lực lượng triển khai. Riêng lực lượng Quân đội, lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng, có một cuộc điều quân lớn nhất tiến về TP Hồ Chí Minh để cùng với quân và dân của thành phố chống dịch. Bộ Công an cũng nhanh chóng thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương chống dịch ở phía Nam. Những biện pháp quyết liệt, hiệu quả đã dần đẩy lùi COVID-19 tại đây. Tại TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội đã dựng 22 chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19, ngăn không cho dịch từ ngoài xâm nhập vào thành phố cũng như kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện để chống dịch. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường chính là một trong những “chốt trưởng” như vậy.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường vẫn còn nhớ như in hình ảnh hai mẹ con người phụ nữ bế ẵm một cháu bé đứng dưới mưa trong đêm 25/7/2021 tại chốt kiểm soát chống dịch ở Cầu Giẽ - Phú Xuyên. Chiếc xe khách từ Hà Tĩnh đến Hà Nội khi tới chốt kiểm soát đã không có đầy đủ những điều kiện cần thiết theo yêu cầu chống dịch, buộc phải quay đầu về nơi xuất phát. Lúc này, có ba mẹ con người phụ nữ ăn mặc tuềnh toàng bước xuống xe, đứng ở vệ đường tìm xe vào thành phố để đi nhờ. Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, lượng phương tiện đi lại trên đường rất ít và gần như không ai dám cho người lạ đi nhờ xe. Ba mẹ con người phụ nữ bất lực, ôm nhau khóc.
“Tôi nhanh chóng tiến lại gần mời ba mẹ vào khu vực cách ly của chốt để hỏi thăm và đảm bảo an toàn. Sau khi nghe người phụ nữ trình bày vừa về quê ở Hà Tĩnh dự tang lễ của một người thân trong gia đình, sau đó đón xe khách quay về nhà ở huyện Hoài Đức, tôi đã báo cáo với Ban chỉ huy đơn vị, đồng thời thống nhất nhanh với cán bộ tư pháp huyện phân công một cán bộ sử dụng xe đặc chủng đưa ba mẹ con người phụ nữ này về nhà trong sự giám sát, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch”-Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường nhớ lại. Sự hỗ trợ giúp đỡ, kịp thời, đầy trách nhiệm, nhân văn và tình người giữa bối cảnh dịch bệnh khủng khiếp ấy khiến cho người phụ nữ trên và gia đình họ vô cùng ấm lòng. Trong suốt thời gian chỉ huy chốt chống dịch tại đây, rất nhiều những mảnh đời, phận người gặp khó khăn tương tự như trường hợp trên đã được Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường và đồng đội kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.

Thương lắm hai tiếng “đồng bào”
Thiếu tá Phùng Quang Hưng, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội không thể nhớ bản thân anh và đồng đội đã giúp đỡ, hỗ trợ bao nhiêu người dân tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đặt ở trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Là một trong những chốt kiểm soát trọng điểm của thành phố, lưu lượng phương tiện và người dân qua lại chốt này khá cao. Những nguy cơ về ùn tắc giao thông và đặc biệt là lây lan dịch bệnh trong quá trình kiểm soát vô cùng lớn.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cũng như thuận tiện cho công tác kiểm tra, kiểm soát, Thiếu tá Phùng Quang Hưng đã đề xuất Ban chỉ huy Phòng CSGT báo cáo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, UBND TP xác định luồng, tuyến để phân loại phương tiện đi theo các hướng khác nhau. Việc này không những giảm tải cho các chốt kiểm soát, tránh ùn ứ, lây lan bệnh tật, mà còn tạo “luồng xanh” để lưu thông hàng hóa, đảm bảo ổn định xã hội.
“Có những bệnh nhân lọc máu, chạy thận, chúng tôi phải rất linh hoạt, vừa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện tối đa cho họ đến bệnh viện cấp cứu, chạy chữa kịp thời. Thời điểm lịch sử ấy phải có những quyết định rất chủ động, hợp tình hợp lý, trên cơ sở lợi ích của người dân, xã hội lên trên hết, trước hết” -Thiếu tá Phùng Quang Hưng nhớ lại.
Những ngày tháng “ăn ngủ tại chốt” ấy cũng là khoảng thời gian Thiếu tá Phùng Quang Hưng và đồng đội chẳng có lấy chút thời gian và nếu có thì cũng không dám về nhà. “Anh em đa phần đều ở chung với ông bà nội, ngoại hoặc gia đình có con nhỏ. Mình suốt ngày tiếp xúc với cả nghìn lượt người tại chốt trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như vậy, nên xong ca trực là mọi người tự cách ly tại chốt để đảm bảo an toàn, không hao hụt quân số”-Thiếu tá Phùng Quang Hưng tâm sự.

Không chỉ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch, các chốt kiểm soát còn đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng “luồng xanh” hoặc giấy di chuyển để vận chuyển hàng lậu, ma túy. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Sau khi tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh lắng xuống, cũng là lúc hàng vạn người dân ở các tỉnh phía Nam rồng rắn quay ngược ra các tỉnh phía Bắc. Đoàn người trên những chiếc xe máy, thậm chí là xe đạp, đi bộ, trên xe lỉnh kỉnh chằng buộc đủ thứ vật dụng sinh hoạt, vượt hàng nghìn km trở về quê. Các chốt kiểm soát của Phòng CSGT lúc này không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ kiểm soát, mà còn triển khai xét nghiệm nhanh, phân các tổ dẫn đoàn đưa người dân đi qua thành phố đến cửa ngõ các tỉnh lân cận để bàn giao cho CSGT các đơn vị tiếp tục dẫn đường, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. “CSGT làm tất cả những gì tốt nhất để phục vụ Nhân dân, nhất là những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh”- Đại tá Dương Đức Hải nhớ lại.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với CSGT Công an các tỉnh lân cận như Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Yên Bái…tổ chức đón, dẫn đoàn người qua Hà Nội về quê an toàn. Cả ban ngày lẫn ban đêm, khi có CSGT tỉnh bạn báo có đoàn, căn cứ vào số lượng người, phương tiện, Phòng CSGT bố trí đủ quân số, phương tiện dẫn, xe tải đi theo cũng như hỗ trợ nhu yếu phẩm để tiếp sức người dân trở về nhà sau “cơn bão” khủng khiếp của COVID-19.
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội CSGT số 12 cho biết, đêm đầu tiên có hàng trăm người dân từ đường Hồ Chí Minh về đến thị trấn Xuân Mai để tỏa đi các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ. CBCS trong đội đã cùng nhiều người dân ở thị trấn tổ chức nơi ăn, nghỉ cho hàng trăm bà con để họ lấy lại sức lực, tiếp tục theo xe CSGT dẫn về địa phận các tỉnh, bàn giao cho CSGT tỉnh bạn đón an toàn.