Vì sao nghệ thuật Xiếc vẫn gặp nhiều khó khăn?
Giữa tháng 8/2024, Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 được tổ chức với gần 100 nghệ sĩ, diễn viên trên cả nước. Các giải thưởng đã được tìm được chủ nhân. Tuy nhiên, cũng từ cuộc thi này cho thấy không ít những trăn trở, băn khoăn về nghệ thuật Xiếc trong giai đoạn hiện nay. Về vấn đề này, ngay sau lễ trao giải của cuộc thi, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn NSƯT Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam và cũng là người được trao giải Đạo diễn xuất sắc của cuộc thi.
Phóng viên (PV): Xin chúc mừng ông và các thầy cô, học sinh của trường vì đã giành được đến 7 giải thưởng, trong đó những giải thưởng quan trọng như 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Đạo diễn xuất sắc. Ông có thể chia sẻ điều gì đã giúp cho trường có được thành tích đặc biệt này trong một sân chơi hội tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên cả nước ?
NSƯT Ngô Lê Thắng: Đây là cuộc thi tài năng. Những thí sinh tham dự đều là diễn viên gạo cội của các đơn vị nghệ thuật đã từng đạt nhiều giải thưởng của các cuộc thi cấp nhà nước. Vì vậy, nhà trường cũng phải lựa chọn những học sinh đã đạt được thành tích, được các đơn vị ghi nhận. Tuy nhiên, các em còn ít tuổi nghề nên nhà trường rất cẩn thận, tỉ mỉ, cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo sát sao, có kế hoạch cụ thể, chi tiết khi quyết định cho học sinh tham gia một cuộc thi dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, có quy mô toàn quốc như thế này.
Các chủ trương, chỉ đạo của Ban giám hiệu được các thầy cô hiểu, đồng lòng, nhất trí và quyết tâm cao khi thực hiện. Ví dụ, bình thường, học sinh chỉ tập mấy tiếng một ngày nhưng khi có danh sách các em đi thi, thầy cô sẵn sàng dạy phụ đạo ngoài giờ, thậm chí phụ đạo vào các buổi tối cho các em. Dù hoàn toàn dạy miễn phí nhưng các thầy cô vẫn rất nhiệt tình. Các học sinh cũng đã rất nỗ lực, hồ hởi, nhiệt tình, chăm chỉ luyện tập không ngừng nghỉ.
Chúng tôi xác định, mỗi tiết mục dự thi phải là một tác phẩm nghệ thuật Xiếc chứ không dừng ở một tiết mục Xiếc đơn thuần. Cách dàn dựng phải chỉn chu, không những tốt về mặt kỹ thuật mà âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, trang phục phải phù hợp. Thậm chí, âm nhạc cho tiết mục phải đặt nhạc sĩ viết riêng. Chúng tôi không lấy bản nhạc từ đĩa vì không truyền tải hết được ý đồ mong muốn.
PV: Cuộc thi hội tụ gần 100 nghệ sĩ, diễn viên nhưng đều đến từ 4 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên một cuộc thi tài năng mà chỉ có vài đoàn Xiếc chuyên nghiệp trên cả nước tham dự. Theo ông, vì sao lại có thực trạng này?
NSƯT Ngô Lê Thắng: Ngành Xiếc tương đối hẹp và phải là những địa phương, đơn vị tương đối nhiều tiềm năng thì mới đủ lực để mà nuôi hoặc duy trì đoàn Xiếc. Thời gian qua, do thực hiện chủ trương tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp bị địa phương sát nhập một cách cơ học. Hậu quả của tình trạng này là một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có thể biến thành một đoàn nghiệp dư. Ngành Xiếc cũng không là ngoại lệ.
Thực tế, thị trường biểu diễn Xiếc trên cả nước rất sôi động, trong đó có nhiều nhóm nhỏ đang hoạt động, chúng tôi gọi là "Xiếc cỏ". Tuy nhiên, các cuộc thi như Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 dành cho các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, có thể vì thế nên các nhóm nhỏ sẽ ngại, không tham gia.
PV: Thị trường biểu diễn sôi động nhưng thực tế thì Xiếc vẫn là một trong những lĩnh vực bị cho là gặp nhiều khó khăn. Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cùng từng có giai đoạn khó tuyển sinh. Ông có thể cho biết tình hình tuyển sinh năm nay của Trường như thế nào?
NSƯT Ngô Lê Thắng: Số lượng tuyển sinh đã vượt định mức đề ra. Tôi cũng nói thêm là Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ. Trên 90% tất cả diễn viên diễn ở các đoàn nghệ thuật Xiếc chuyên nghiệp trên toàn quốc đều được đào tạo từ Trường. Cùng với công tác đào tạo, chú trọng thực hành, chúng tôi còn liên kết với các đoàn để khi học sinh ra trường có thể đi biểu diễn ngay. Hiện nay, nhu cầu diễn viên biểu diễn nghệ thuật Xiếc không chỉ là nằm ở các đoàn biểu diễn chuyên nghiệp nữa mà các đoàn của doanh nghiệp ngoài công lập cũng có nhu cầu lớn.
Về tuyển sinh, trong vài năm qua, nhất là giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, đúng là tuyển sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn. Với ngành Xiếc, tuyển sinh online khó vô cùng. Bên cạnh đó, do đặc thù ngành Xiếc và ưu đãi nghề nghiệp với nghệ sĩ Xiếc chưa tốt. Ví dụ, đối tượng tuyển sinh của trường là các em 11 tuổi. Các em không thể lên mạng để xem trường nào tuyển sinh, chế độ học tập ra làm sao? Hiện nay, chúng tôi đã tiếp tục tuyển sinh trực tiếp, đến tận các trường để tuyển sinh, cho các em tìm hiểu trực quan về nghệ thuật Xiếc rồi mới quyết định dự thi hay không. Chúng tôi tuyển sinh rất kỹ, có sự sàng lọc lớn. Năm nay chúng tôi đã sơ tuyển trên 10.000 em. Có 400 em trúng tuyển vòng 1. Sau vòng chung tuyển và phúc tuyển thì chỉ còn trên 40 em trúng tuyển. Đặc biệt, trong danh sách trúng tuyển có nhiều em ở nội thành Hà Nội, bố mẹ là cán bộ, công chức. Điều này cho thấy xã hội đã có một cái cách nhìn cởi mở hơn, coi biểu diễn Xiếc là một nghề.
PV: Hoàn thành tuyển sinh mới là câu chuyện của "đầu vào". Xiếc là lĩnh vực đào tạo đặc thù vì thời gian đào tạo dài và vẫn bị cho là có nhiều bất cập về chế độ đãi ngộ với nghệ sĩ. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để nghệ thuật Xiếc phát triển và khắc phục vấn đề trên, trong thời gian tới?
NSƯT Ngô Lê Thắng: Đúng là phát triển nghệ thuật Xiếc hiện nay đang tồn tại rất nhiều bất cập. Thứ nhất là thời gian đào tạo rất dài, kỹ thuật phải rất sâu. Vì biểu diễn Xiếc rất nguy hiểm, nếu mà không sâu, không kỹ thì có khi nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ thì lại rất thấp. Học sinh tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam phải qua 5 năm đào tạo nhưng chỉ được xét diễn viên hạng 4, lương thấp. Thời kỳ đỉnh cao trong nghề của nghệ sĩ Xiếc lại rất ngắn. Để giải quyết được bất cập căn bản đấy, chúng tôi đang cố gắng xin nâng trường lên thành trường cao đẳng. Như thế mới giải quyết được phần nào những bất cập lớn ở trong cái khâu đào tạo và khâu nguồn nhân lực cho ngành Xiếc nói chung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!