Tôn vinh các đóng góp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”

Thứ Năm, 15/06/2023, 13:40

Cộng đồng người Chăm nói riêng và người dân hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận rất vui khi UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Niềm vui đó càng được nhân lên khi đồng bào được biết Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” giai đoạn 2023-2028.

Trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” giai đoạn 2023-2028, Bộ VHTT&DL kêu gọi các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng người Chăm cùng nhân dân cả nước thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” giai đoạn 2023-2028.

“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp -0
Nghệ nhân người Chăm làm đồ gốm.

Với 5 nội dung chính, Chương trình hành động không chỉ tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” bằng các biện pháp: hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm; xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm; huy động các nguồn vốn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản; mà còn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; mở rộng thị trường tiêu thụ gốm, nâng cao đời sống của cộng đồng.

“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp -0
Sản phẩm đồ gốm dân dụng của người Chăm ở Ninh Thuận.

Bên cạnh đó cần tiếp tục kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá gốm Chăm; xây dựng và phát triển Bảo tàng gốm Chăm của cộng đồng, tổ chức trưng bày, trình diễn về nghề làm gốm trong bảo tàng của cộng đồng và bảo tàng cấp tỉnh.

Mặt khác, phải tiếp tục đề xuất phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho những người thực hành có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; tôn vinh, khen thưởng các thợ làm gốm, cá nhân có nhiều đóng góp bảo vệ di sản.

“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp -0
"Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" có nét khác biệt, độc đáo. Ảnh: Phong Nguyên.

Chương trình hành động còn hướng tới hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ liên quan đến nghề làm gốm của người Chăm; xuất bản những công trình nghiên cứu về nghề gốm của người Chăm nhằm phổ biến tri thức và sự hiểu biết về gốm của người Chăm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá giá trị di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đến với công chúng trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức; tổ chức định kỳ Liên hoan “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” nhân dịp lễ hội Katé, chú trọng phát triển hình thức du lịch di sản văn hóa...

Bộ VH-TT&DL đảm trách chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng cộng đồng và các cơ quan, ban, ngành hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận -  địa phương có di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của Người Chăm” giai đoạn 2023-2028.

Hữu Toàn
.
.