Tiếp nhận khối tài liệu quý của nhà trí thức, chính trị, ngoại giao – Giáo sư Phạm Thiều
Những cuốn sổ nhỏ bằng lòng bàn tay chi chít những dòng chữ ngay ngắn, những tấm ảnh đã mờ nhoè theo thời gian cùng không ít văn bản, thư từ qua lại của những bậc tiền bối và Giáo sư Phạm Thiều đã được trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vào ngày 19/9, tại Hà Nội.
Các tư liệu được trao tặng không chỉ là đơn thuần là ký ức được lưu giữ của một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, chính trị một thời mà còn cho thấy cho thấy những dấu tích, những tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử đất nước… Đây là nhận định chung của nhiều người làm lưu trữ, nhà nghiên cứu trong buổi lễ tiếp nhận tài liệu của Giáo sư Phạm Thiều, do con cháu của ông và nhà nghiên cứu Cao Văn Dũng (Cao Tự Thanh) trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Giáo sư Phạm Thiều (bút danh Triệu Lực, Miễn Trai), sinh ngày 4/4/1904 tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là một trí thức yêu nước sớm tham gia cách mạng và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao và văn hóa xã hội…Ông là chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn, Thành ủy viên Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân liên khu miền Đông Nam Bộ.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng phòng Thông tin - Báo chí, Bộ Ngoại giao, Phó Giám đốc Nha giáo dục, Vụ trưởng Vụ Sư phạm, Bộ Giáo dục, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Tiệp Khắc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Hungari, Trưởng ban Hán Nôm (tiền thân của Viện nghiên cứu Hán Nôm) thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 1974, ông nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 1975, khi đất nước thống nhất, theo yêu cầu của Chính phủ, ông được điều động vào Nam làm Giám đốc Thư viện khoa học - Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất ngày 1/12/1986, hưởng thọ 82 tuổi.
Với những đóng góp cho đất nước, Giáo sư Phạm Thiều đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc. Hiện nay, tên ông đã được đặt cho các con đường ở quận 7, TP Hồ Chí Minh, và tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng...
Được sự đồng ý của gia đình, những tài liệu về Giáo sư Phạm Thiều bao gồm sơ yếu lý lịch, thư từ trao đổi, sổ ghi chép, sổ công tác, tài liệu ảnh chân dung, ảnh sự kiện… được nhà nghiên cứu Cao Văn Dũng (Cao Tự Thanh) tiếp nhận, gìn giữ nhiều năm. Sau một thời gian phối hợp, ngày 19/9, các tư liệu này đã được nhà nghiên cứu trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Chia sẻ về khối tài liệu này, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho biết, ông có may mắn được gặp gỡ Giáo sư Phạm Thiều và các bậc tiền bối cùng thời với Giáo sư khá nhiều nên hiểu khá rõ về con người ông. Các tư liệu được lưu giữ qua năm tháng không chỉ cho thấy những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của một người trí thức, nhà ngoại giao, chính trị mà còn cho thấy tấm lòng trung trinh với Đảng. Nhiều tư liệu cho thấy cách làm việc khoa học, cẩn trọng của các bậc tiền bối. Có khá nhiều tư liệu, văn bản, kết quả khảo sát, nghiên cứu chưa được công bố nhưng đã được trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III với hy vọng chúng sẽ được khai thác, phát huy trong thời gian tới.
Xúc động đón nhận khối tài liệu, TS Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III chia sẻ: Đây là những tư liệu quý, có ý nghĩa quan trọng, góp phần bổ sung và làm đầy đủ hơn những thông tin về cuộc đời, hoạt động và đóng góp của Giáo sư Phạm Thiều đối với lịch sử, xã hội, văn hoá, giáo dục Việt Nam.
TS Trần Việt Hoa cũng cho hay, hiện nay, Trung tâm đang lưu trữ 13km giá tài liệu, trong đó chủ yếu là các văn bản hành chính của đất nước từ năm 1945 đến nay, trong đó có những tư liệu đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngoài ra, nhiều năm nay, Trung tâm đã tiến hành sưu tầm, bảo quản các tư liệu của cá nhân, dòng họ tiêu biểu của đất nước. Khối tư liệu của Giáo sư Phạm Thiều là một trong số đó. Việc tiếp nhận khối tài liệu này vô cùng ý nghĩa, nhất là trong thời điểm chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
“Với điều kiện kho tàng, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn khoa học kĩ thuật, khối tài liệu của Giáo sư Phạm Thiều sẽ được bảo quản an toàn và phục vụ phát huy giá trị, sử dụng có hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, TS Trần Việt Hoa khẳng định.