Nỗ lực vì những thước phim tư liệu quý về lực lượng CAND

Thứ Sáu, 10/11/2023, 07:46

Sau gần 1 năm kể từ ngày khởi quay, những ngày này, các ê kíp làm hai bộ phim tài liệu "Người Công an cách mạng" và "Những người con của nhân dân" đang miệt mài đến các vùng, miền để hoàn thiện tác phẩm theo đúng tiến độ. Đây là 2 tác phẩm được Bộ Công an đầu tư, giao Điện ảnh CAND, Cục Truyền thông CAND sản xuất, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2025) và được kỳ vọng sẽ là công trình công phu, phản ánh có hệ thống, đầy đủ nhất và xuyên suốt về 80 năm truyền thống lịch sử vẻ vang của của lượng CAND, về những người đứng đầu lực lượng CAND qua các thời kỳ.

Trao đổi với chúng tôi về phim tài liệu "Người Công an cách mạng" và "Những người con của nhân dân", các biên kịch, đạo diễn tham gia sản xuất phim đều cho rằng, lịch sử ngành Công an rất hào hùng nhưng từ trước đến nay, phần nhiều chỉ chuyển tải trên bản cứng như sách vở, tài liệu giấy và thường khô khan hơn so với một số lĩnh vực khác. Trong thời đại công nghệ hiện nay, khán giả có phương pháp, phương thức tiếp cận không giống các thế hệ trước. Trong khi đó, trữ lượng thông tin về lịch sử CAND rất lớn. Ví dụ, riêng về sách, chỉ từ năm 1945 đến 1946, những người thực hiện 2 bộ phim đã tìm thấy khoảng 10 cuốn về các sự kiện xảy ra trong năm này. Kèm theo đó là hàng loạt các sắc lệnh của Bác Hồ, các tư liệu về triển khai thực hiện và hàng loạt sự kiện lớn….

2.jpg -0
Các nhóm sản xuất của Điện ảnh CAND đang nỗ lực hoàn thiện phim đúng tiến độ. 

Việc chuyển tải các tư liệu lịch sử vốn được cho là khô khan qua hình ảnh vừa tạo ấn tượng cho người xem, vừa là cách tiếp cận dễ dàng hơn với thế hệ hiện nay và sau này, đồng thời tôn vinh được nhân vật, sự kiện trong thời điểm đó. Nếu chúng ta nói về nhân vật nào đó bằng văn bản thì thế hệ sau khó hình dung con người đó ra làm sao, phong thái ra làm sao, sự cống hiến, đóng góp của họ như thế nào. Tuy nhiên, phim tài liệu sẽ lưu giữ được những hình ảnh của họ, lưu truyền bằng hình ảnh cho các thế hệ sau này. Một điều quan trọng nữa là thông qua thực hiện các bộ phim này, Điện ảnh CAND xây dựng được quy trình hệ thống quản lý hình ảnh, nội dung sự kiện thống nhất để các thế hệ sau vừa tiếp cận, vừa tiếp tục khai thác được.

Những người làm phim cũng xác định, phim "Người Công an cách mạng" và "Những người con của nhân dân" là những dự án quan trọng nhất về phim tài liệu của Điện ảnh CAND từ trước đến nay và là hai dự án được đầu tư công phu, bài bản nhất. Vì vậy, việc xây dựng ý tưởng, chủ đề, xây dựng các nguồn dữ kiện thông tin… đều phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Đồng hành cũng những người làm phim có 2 hội đồng là Hội đồng cố vấn lịch sử, Hội đồng cố vấn nghệ thuật.

Hai hội đồng này phối hợp với ê kíp thực hiện thẩm định các dữ liệu về nội dung và chất lượng hình ảnh các dữ liệu. Để ra được 1 phút phim hình, tổ ê kíp phải thực hiện rất nhiều bước, từ việc đi xác định nguồn hình ảnh, tính trung thực hình ảnh, gửi hội đồng thẩm định phê chuẩn. Trên cơ sở đó, các ê kíp mới quyết định khai thác hình ảnh, viết lời bình theo phần hình ảnh. Bản thảo phải Hội đồng cố vấn lịch sử thẩm định về nội dung, Hội đồng cố vấn nghệ thuật thẩm định, quyết định lựa chọn hình ảnh đưa vào phim đảm bảo chất lượng theo yêu cầu…

Thực tế, dữ liệu về lịch sử CAND lớn, nhưng có những giai đoạn, nhất là giai đoạn từ 1943 đến 1975, dữ liệu hình ảnh về lực lượng CAND không nhiều, nếu không muốn nói là có những giai đoạn, rất hiếm. Từ năm 1945 - 1962, dữ liệu của Việt Nam gần như không có. Chúng ta chỉ có một số dữ liệu của một số người làm phim của nước ngoài, nhất là Liên bang Xô Viết cũ. Đó là một số hình ảnh màu về Bác Hồ, các vị lãnh đạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ và một số hình ảnh về cuộc sống xã hội giai đoạn đó. Ngoài ra còn một số dữ liệu của bên Điện ảnh Quân đội, nhưng hầu như cũng chỉ tập trung cho lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Với lực lượng CAND, phải đến khi Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cho thành lập Điện ảnh CAND, chúng ta mới bắt đầu những thước phim chuyên sâu về CAND. Bộ phim đầu tiên là "Lên đường" nói về các cán bộ chiến sĩ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó, các ê kíp làm phim còn khai thác nguồn dữ liệu bên ngoài, chủ yếu là của các nước xã hội chủ nghĩa. Các tư liệu, trong đó có một số phim rất ngắn do một số chuyên gia, nhà làm phim của Liên bang Xô Viết cũ sang Việt Nam thực hiện.

Ngoài ra, các ê kíp còn gặp gỡ, tìm hiểu thêm từ các nhân chứng là các quân nhân Mỹ, các chuyên gia ở nhiều trường Đại học ở Mỹ, Úc, Thái Lan nghiên cứu về chiến tranh. Họ sẽ nhận định về các sự kiện dưới góc độ của nhà nghiên cứu, nhìn nhận vấn đề trên bình diện rộng. Đài truyền hình Việt Nam cũng có kho dữ liệu rất lớn, phong phú, có thể khai thác. Tuy nhiên, việc  tiếp cận nhiều nguồn dữ liệu rất khó khăn, đòi hỏi phải được đầu tư nhiều tâm sức, thời gian, nhiều thủ tục giấy tờ, các vướng mắc về bản quyền, thẩm định thông tin….

Theo kế hoạch dự kiến, phim "Người Công an cách mạng" bao gồm 35 tập, mỗi tập 45 phút. Phim "Những người con của nhân dân" bao gồm 37 tập,  mỗi tập 25 phút. Cả hai dự án phim đang chạy song song, đều được khởi quay vào đầu năm 2023, cùng kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, trước đó khoảng 1 năm, từ năm 2022, các cán bộ chiến sĩ của Điện ảnh CAND đã phân công nhau đi tìm nguồn và sưu tầm tài liệu liên quan. Có 7 biên kịch, đạo diễn được huy động cho 2 dự án này. Hiện tại, các ê kíp vẫn đang mải miết làm việc ở nhiều vùng, miền. Như chia sẻ của các đạo diễn thì bên cạnh việc chạy đua với thời gian để kịp tiến độ sản xuất đề ra, những người làm phim còn cố gắng để ghi lại nhiều tư liệu nhất có thể về các nhân chứng lịch sử.

N.H
.
.