Những câu hỏi xung quanh báo cáo di tích thuyền cổ Bắc Ninh

Thứ Sáu, 09/05/2025, 05:25

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã có báo cáo "Kết quả bước đầu và giải pháp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuyền cổ" gửi UBND tỉnh Bắc Ninh với 7 trang A4. Khi xem kỹ nội dung báo cáo, chúng tôi thấy nổi lên nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm và… khó tin.

1. Trong báo cáo của Sở VH-TT&DL Bắc Ninh viết: "Hiện trạng thuyền cổ xuất lộ có hướng dài theo chiều Đông - Tây, nằm song song nhau theo hướng Bắc - Nam và cách nhau khoảng 2,3m (tại vị trí chính giữa), phần phía Đông xuất lộ thanh gỗ kết nối 2 đầu thuyền. Đánh giá bước đầu có thể thấy, đây là di tích thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu, là minh chứng xác thực để đánh giá vị trí và vai trò của sông Dâu trong dòng chảy lịch sử với thành Luy Lâu và các thời kỳ lịch sử".

thuyen 1.jpg -0
Con thuyền cổ song thân phát lộ ở Bắc Ninh là một phát hiện khảo cổ rất lớn trong năm 2025. Ảnh: Duy Hiển

Cuối báo cáo, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh lại viết: "Tiếp tục mở rộng khai quật, nghiên cứu rộng ra toàn bộ không gian sông Dâu, nghiên cứu quy mô, cấu trúc của sông Dâu tại khu vực phát hiện di tích, giải mã vị trí và vai trò, quá trình biến đổi của sông Dâu trong lịch sử".

Dòng sông Dâu cổ hiện nay đang ở đâu, độ rộng của nó như thế nào, cách thức biến đổi ra sao… vẫn đang là câu hỏi chưa thể lý giải cặn kẽ trên thực địa. PGS.TS Bùi Minh Trí tại hội thảo "đầu bờ" đã viện dẫn ý kiến của cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng, lòng sông Dâu cổ rộng lắm, cỡ phải 800m. Nghĩa là nó vẫn đang là con số "phiếm chỉ", ước lượng, chứ chưa thể đo đếm trên thực tế, hoặc căn cứ trên sử liệu. Vì vậy một nhà địa lý khi đọc báo cáo này đã cho rằng việc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh báo cáo "di tích thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu, là minh chứng xác thực để đánh giá vị trí và vai trò của sông Dâu trong dòng chảy lịch sử" cần phải được xem xét, hoặc nói như thế là hơi sớm so với kết quả nghiên cứu liên ngành, đa ngành.

Bên cạnh đó, báo cáo có vẻ như viết hơi quá tay khi thể hiện: "Sau thời gian thực hiện khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích, qua đó có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật chế tạo của thuyền". Đọc đoạn này, những ai chưa đến hiện trường khai quật có thể tin chắc một trăm phần trăm, còn nhiều người đã "tận mục sở thị" cho đến thời điểm này và những chuyên gia, nhà nghiên cứu có mặt tại hội thảo "đầu bờ" đều… ngạc nhiên. Vì trên thực tế không phải như vậy. Nếu đã gọi "di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích" thì nó đã phải lộ diện từ trong ra ngoài, từ dưới lên với tất cả những khía cạnh dù nhỏ nhất của hiện vật. Trong khi đó, với một thời gian khai quật khẩn cấp đồng thời đề cao yếu tố bảo tồn sự nguyên vẹn của hiện vật nên đoàn khai quật chỉ mới bóc tách ở phần trên để làm lộ rõ cấu trúc lòng thuyền, còn hai bên mạn thuyền và giữa hai thuyền vẫn nằm trong đất. Mới đây đoàn khai quật chỉ mở thêm lát cắt ở mạn thuyền và phát hiện vết cháy. Nói ra như vậy để thấy, hiện nay hai thuyền cổ hay thuyền song thân chỉ mới phát lộ một phần dấu tích, các mạn thuyền, đáy thuyền vẫn nằm nguyên trong lòng đất, mắt thường chưa thể nhìn thấy để hình dung toàn bộ dấu tích.

2. Về phần nhận định giá trị bước đầu, báo cáo cho biết: Từ quy mô, cấu trúc, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cho thấy, đây là loại hình thuyền hai thân, dấu tích phát lộ trên hiện trường chính là hai phần thân còn lại, phần này trong thuật ngữ chuyên ngành gọi là phần chiếm nước, tức là phần kết cấu chìm hoàn toàn dưới nước, có chức năng như là hai phao đỡ toàn bộ kết cấu bên trên. Kết cấu bên trên đã bị mất hoàn toàn, có thể là do bị tháo dời. "Đây có thể là thuyền có chức năng để chở hàng hoá, nhưng cũng có thể là thuyền được dùng để du ngoạn trên sông hoặc sông pha biển", báo cáo chỉ rõ. Nhưng tại hội thảo "đầu bờ", nhiều ý kiến khác cũng đã nêu ra những giả thuyết có cơ sở thực tiễn, rằng với kết cấu và hình dạng này thì khả năng cao đây là thuyền dùng trong thực hành nghi lễ nào đó. Đây là nhận định mang tính khác biệt, độc lập, không hề hòa lẫn với những nhận định trước. Vậy vì sao trong báo cáo của mình, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh không nêu ra một cách khách quan để lãnh đạo tỉnh có cái nhìn đa chiều đối với chức năng thuyền cổ? Cho đến nay, nhận định trên vẫn đang có sự đồng thuận dù nhỏ trong giới nghiên cứu. Vì vậy, tính khách quan trong báo cáo đã bị ẩn dấu đi ít nhiều.

Khi khai quật, di vật, hiện vật trong lòng thuyền khá đa dạng gồm vô số hạt thảo quả, gốm, gỗ. Hiện những di vật, hiện vật này đang trong quá trình nghiên cứu, chờ công bố kết quả. Tuy nhiên, trong báo cáo của Sở VH-TT&DL Bắc Ninh lại không đề cập đến di vật, hiện vật chứa trong lòng thuyền. Trong khi đó, di vật, hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ học là một dạng tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng, ở đó cung cấp rất nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, dân tộc học…, nhất là góp phần xác định niên đại. TS Nguyễn Việt, người trực tiếp tham gia hội thảo "đầu bờ" về thuyền hai thân đã đánh giá rất cao di vật, hiện vật thu được trong lòng thuyền, đồng thời đưa ra những nhận định quan trọng, ngoài ra ông còn lưu ý nhóm khai quật về một số di vật được tìm thấy mà… chưa nói đến. Với một số mảnh gốm được phát hiện, TS Nguyễn Việt bước đầu xác định niên đại thuyền cổ Bắc Ninh cách đây khoảng 3.000 năm. Đó là chưa kể đến những hạt thảo quả trong lòng thuyền.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia khảo cổ cho rằng, báo cáo của Sở VH-TT&DL Bắc Ninh chỉ tập trung vào kích thước, kỹ thuật đóng, chức năng thuyền cổ, rồi lý giải này nọ… mà "quên" những di vật, hiện vật chứa đựng trong lòng nó, với khảo cổ đây là điều tối kỵ.

"Dù di vật, hiện vật đó chưa mang lại nhiều giá trị thông tin khoa học, chưa thể kể cho chúng ta ngay tức thời về những câu chuyện hay niên đại, nhưng nó chứa đựng giá trị không thể thay thế. Đọc báo cáo thấy rỗng là ở đó".

3. Một trong những vấn đề rất được dư luận quan tâm là giải pháp bảo tồn. Trước mắt là bảo tồn như thế nào vẫn đang gây đau đầu đối với gới chuyên môn và chính quyền. Viện Khảo cổ học đã chính thức đề nghị "không thực hiện di dời thuyền khỏi hiện trường phát hiện, tức là giữ nguyên trạng tại chỗ". Còn kiến nghị của Sở VH-TT&DL là "cho phép thực hiện phương án giữ nguyên trạng tại chỗ di tích thuyền cổ tại hiện trường, đây là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích". Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay, đây vẫn là giải pháp khả dĩ, tối ưu, nhưng về lâu dài như thế nào lại không được làm rõ, cụ thể mà vẫn là: "Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về thuyền cổ, lịch sử, văn hóa và các khoa học liên quan nhằm đánh giá giá trị di tích trong không rộng hơn, đồng thời tư vấn về giải pháp bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của di tích".

 Điều đáng nói nữa, trong báo cáo còn đề xuất tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, trưng bày lưu động tại các trường học, trung tâm văn hóa trên địa bàn tỉnh để giới thiệu về di tích, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị lịch sử. Thậm chí "xuất bản sách, tờ rơi, xây dựng website, ứng dụng di động cung cấp thông tin về di tích thuyền cổ"... trong tương lai gần. Còn trong thực tế, cuộc khai quật khẩn cấp di tích này vẫn đang rất dở dang, còn đang "mơ hồ" nhiều vấn đề, thậm chí rất nhiều tranh cãi. Những đề xuất như vậy thực sự khả thi không hay "vẽ" lên câu chuyện thiếu thực tế?

Nguyễn Thanh Sương
.
.