Khám phá Việt Nam và châu Âu cùng “đại tiệc” phim tài liệu
Nhiều bộ phim tài liệu đặc sắc về văn hoá, xã hội, con người, đất nước Việt Nam, trong đó có phim về NSND Trà Giang, nghệ thuật bài chòi, đồng bào dân tộc thiểu số… và nhiều phim về các nước châu Âu sẽ được chiếu phục vụ khán giả tại Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14.
Đây là thông tin được Ban tổ chức Liên hoan Phim cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 30/8 tại Hà Nội.
Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 do EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu) phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức từ ngày 6 - 14/9 tại Hà Nội (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) và tại TP Hồ Chí Minh (rạp Dciné Bến Thành). Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước EU và Việt Nam. Liên hoan quy tụ 21 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 9 phim quốc tế (Áo, Wallonia-Brussels (Bỉ), Đức, Italia, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Anh, Israel), 9 phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, 3 phim của các tác giả độc lập. Nhiều phim dự Liên hoan đã giành được giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế và Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Liên hoan Phim lần này sẽ chiếu bộ phim “Những tù nhân không số” (Biên kịch: Nguyễn Sỹ Hảo, Đỗ Khánh Toàn; Đạo diễn: Đào Duy Từ, Nguyễn Sỹ Hảo). Bộ phim nói về những người phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ bị tù đày khi đang mang thai. Giữa chốn lao tù, họ đã chiến đấu lại sự hà khắc, gian khổ, thiếu thốn vừa để bảo vệ tổ chức vừa để giữ mạng sống cho đứa con trong bụng. Năm tháng qua đi, những đứa trẻ sinh ra trong tù ngày đó, đã vượt qua những giây phút ngặt nghèo nhất để lớn lên, và nhiều người trong số họ đã trở thành những công dân ưu tú của xã hội.
Khán giả yêu mến NSND Trà Giang sẽ có dịp tìm hiểu sâu hơn về bà qua bộ phim “Dòng sông ký ức” (Biên kịch: Đặng Thị Linh; Đạo diễn: NSND Nguyễn Thước). Những người yêu nghệ thuật, văn hoá truyền thống có dịp khám phá nghệ thuật Hát bội ở Bình Định qua bộ phim “Ngọn lửa Đào Tấn” (Biên kịch: Vũ Hồng Phương; Đạo diễn: NSƯT Trịnh Quang Tùng); tìm hiểu, khám phá sự hình thành và phát triển của nghệ thuật dân gian Bài Chòi và quá trình tìm lại chỗ đứng của nghệ thuật Bài Chòi trong cộng đồng qua bộ phim “Đồng vọng Bài Chòi” (Biên kịch: Trần Nguyễn Hương Phúc; Đạo diễn: NSƯT Phùng Ngọc Phú).
Bộ phim “Trên đỉnh Phja Khao” (Biên kịch: Vũ Hồng Phương; Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Quang Tuấn; Đặng Thị Kim Sơn) đặc biệt khai thác cuộc sống của một gia đình người Dao sống trên đỉnh núi Phja Khao (tỉnh Bắc Kạn) sau nhiều biến cố của cuộc sống, trong đó có đại dịch COVID-19. Bộ phim “Đi về phía mặt trời” (Biên kịch: Nhiếp Hải Anh; Đạo diễn: Đào Đức Thanh) khai thác những câu chuyện cảm động về những cô gái người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các hủ tục nhưng đã dũng cảm đấu tranh để có cuộc sống tốt đẹp hơn…
Các phim quốc tế có nội dung đa dạng, từng được trao nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín. Trong đó, bộ phim “Historja – Mũi chỉ trên mảnh đất Sáp – Mi” của Thuỵ Điển là câu chuyện đầy chất thơ và ấn tượng về nữ nghệ sĩ người Sáp-Mi Britta Marakatt-Labba.
Bộ phim của Bỉ “I am Chance - Tên tôi là Chance” kể về cuộc đời đầy sóng gió của một nhóm các cô gái trẻ sống lang thang ở thủ đô Kinshasa - một thành phố rất lớn của một châu Phi. Tác phẩm này từng được trao giải Phim Tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế San José 2022; Phim Tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Tài liệu PAMPA 2023…
Bộ phim “Il cerchio – Vòng tròn” của Italia được coi là bức chân dung của tuổi thơ, trong đó phản ánh nước Ý của ngày hôm nay. Phim đã được trao Giải thưởng David Di Donatello cho Phim Tài liệu xuất sắc nhất năm 2023...
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, mỗi buổi chiếu phim tại Liên hoan phim năm nay, Ban tổ chức sẽ giới thiệu một bộ phim Tài liệu của Việt Nam, sau đó là bộ phim Tài liệu của nước ngoài. Hãng cũng sẽ dành một buổi chiếu phim của các tác giả độc lập của Việt Nam.