Gập ghềnh xây dựng thương hiệu điện ảnh gắn với địa phương
Nhiều năm trở về trước, Việt Nam chỉ có 2 liên hoan phim nổi bật là Liên hoan phim Việt Nam - liên hoan phim của quốc gia và Giải Cánh diều vàng - Giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Hiện nay, số lượng liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh có quy mô lớn đã nhiều hơn. Nhiều liên hoan phim còn được kỳ vọng sẽ làm nên thương hiệu điện ảnh gắn liền với từng tỉnh, thành phố, qua đó góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Dù vậy, đến nay, đây vẫn là hành trình không dễ.
Những năm gần đây, người làm điện ảnh có ít nhất 3 giải thưởng điện ảnh mang tính chất quốc tế gắn với các thành phố lớn của Việt Nam. Đó là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh. Mặc dù tổ chức ở nhiều địa phương với những tiêu chí riêng nhưng các liên hoan phim này đều có một điểm chung là huy động tích cực được nguồn lực xã hội hoá.
Ngay cả một giải thưởng lâu năm như Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, đến các mùa giải năm 2022, 2023 và 2024 đều được “di chuyển” ra tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hoà. Một trong những lý do cho câu chuyện này là kinh phí.
Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, trong hơn 20 lần Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Giải Cánh diều vàng thì có đến 18 lần chỉ dám tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có khá nhiều lý do cho sự lựa chọn này, trong đó lý do đầu tiên là hạn chế về kinh phí. Nhằm mục đích thay đổi hình ảnh Cánh diều vàng và thay đổi quy mô tổ chức, thay đổi không gian tổ chức, từ năm 2022 – 2024, Giải thưởng được Hội đưa đến Nha Trang, Khánh Hoà và tổ chức rất thành công. Đây là kết quả từ sự cố gắng của Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, từ sự chung sức của rất nhiều các doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Những băn khoăn của Trưởng Ban tổ chức Giải Cánh diều vàng 2024 về câu chuyện kinh phí cũng là trăn trở của Ban tổ chức nhiều giải thưởng khác như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng… Trong mùa giải thứ 2, năm 2024 của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cùng cho hay, Ban tổ chức phải rất nỗ lực, cố gắng và cũng rất mệt để có được một Liên hoan có uy tín, thu hút các nghệ sĩ, nhà làm phim uy tín. Kinh phí cho liên hoan phim này không phải từ ngân sách toàn bộ mà Ban tổ chức phải nỗ lực huy động xã hội hoá.
TS Ngô Phương Lan thông tin, với Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024, câu chuyện bản quyền phim khá căng thẳng. Theo bà Lan, với các liên hoan phim lớn như Cannes, Ban tổ chức sẽ không trả bản quyền cho tác phẩm. Thậm chí, có những liên hoan phim quốc tế bắt nhà sản xuất nộp tiền mới cho đăng ký. Nhưng ở Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, tất cả đều miễn phí. Trong khi đó, một số phim chất lượng tốt, Ban tổ chức phải trả tiền bản quyền mới được chiếu. Một số đồng nghiệp là giám đốc liên hoan phim khác đã khuyên bà nên cố tìm nguồn tiền trả cho họ để có phim tốt. Lý do là đạo diễn sản xuất phim xong thì hoàn thành nhiệm vụ, bản quyền do nhà sản xuất nắm giữ hoặc họ đã bán cho đại lý. Vì thế, họ không quan tâm phim này đi đâu mà chỉ quan tâm bộ phim đó thu được bao nhiêu tiền. Đạo diễn có muốn đưa tác phẩm dự liên hoan phim cũng không được.
TS Ngô Phương Lan còn cho biết, việc mời được những người làm điện ảnh uy tín làm giám khảo không dễ. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng hiện là liên hoan duy nhất có hạng mục giải thưởng phim châu Á, giải thưởng phim Việt Nam. Giám khảo phải đảm bảo có giám khảo quốc tế và người Việt. Vấn đề là không phải ai được mời cũng đồng ý vì họ có phim dự thi hoặc vừa chấm một giải khác, nếu một năm mà ngồi chấm hết giải này đến giải khác thì cũng không hay. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, Ban tổ chức đã mang đến được với khán giả một bữa tiệc điện ảnh miễn phí. Cùng với công chúng Đà Nẵng, nhiều người nước ngoài cũng đến tham dự, vì có những phim đã sản xuất nhưng cũng đã bị cất đi, rất khó tìm xem. Khi Ban tổ chức chiếu cũng đồng nghĩa là họ tìm hiểu nhiều hơn về điện ảnh Việt.
Chia sẻ quanh câu chuyện này, rất nhiều người làm điện ảnh, nhà quản lý đều hy vọng Việt Nam sẽ có những liên hoan phim thành công, gắn liền với thương hiệu của địa phương, thu hút được nghệ sĩ trong nước và quốc tế, tương tự như một số quốc gia khác như Liên hoan phim Busan của Hàn Quốc, Liên hoan phim Cannes của Pháp… Tuy nhiên, để làm được điều này hiện không dễ, vì câu chuyện kinh phí khá khó khăn. Giải pháp tối ưu nhất vẫn là kết hợp hiệu quả giữa nguồn đầu tư công và xã hội hoá; phải có sự kết hợp thật vững vàng giữa chính quyền các cấp, giữa doanh nghiệp, doanh nhân và các nghệ sĩ.
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, “xây dựng địa chỉ” cho điện ảnh của Việt Nam với các liên hoan phim và nhiều hoạt động khác là ước vọng không chỉ cho riêng điện ảnh mà còn có các lĩnh vực khác, trong đó có âm nhạc. Ông Quân cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những thành phố mang dấu ấn riêng của văn hoá nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, thu hút khách du lịch nhiều hơn. Với tư duy đổi mới, điều kiện cho phép của địa phương, các liên hoan, giải thưởng điện ảnh sẽ thu được những ấn tượng tốt đẹp, thu hút nhiều hơn bạn bè quốc tế, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phát triển điện ảnh Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới.