Đạo diễn gốc Việt ở Liên hoan phim Cannes

Thứ Ba, 23/05/2023, 07:44

Diễn ra từ ngày 16 đến 27/5/2023, Liên hoan phim Cannes là một trong những liên hoan phim uy tín, hội tụ những bộ phim đặc sắc tham gia, với dàn diễn viên và những bộ cánh thời trang lộng lẫy nhất.  Tham gia đấu trường Liên hoan phim Cannes, là những bộ phim, những đạo diễn nhà nghề; trong số đó, có một đạo diễn Việt kiều người Pháp đã từng nhiều kỳ tham dự liên hoan và ghi dấu ấn với cái tên Việt Nam: Trần Anh Hùng. Ở Liên hoan phim năm nay, Trần Anh Hùng cũng tham dự, với bộ phim mang tên “La passion de Dodin Bouffant”. (Niềm đam mê của Bouffant).

Đề cao chi tiết và ngôn ngữ hình ảnh trong phim

Là một đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng đã nhiều lần ghi dấu tên mình với các kỳ  liên hoan phim Cannes. Sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, sau đó sang Pháp sinh sống. Trần Anh Hùng tốt nghiệp Trường Điện ảnh Ecole Louis-Lumiere với bộ phim “Người thiếu phụ Nam Xương” (La Femme Mariee de Nam Xương), lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Truyền kỳ mạn lục”.

ede3c6203a9011e98c21038c08181742.jpg -0
Một cảnh trong phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Nếu tính các đầu phim mà Trần Anh Hùng đã thực hiện, có lẽ con số không phải là nhiều, số lượng có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng gọi đến bất cứ cái tên nào, khán giả cũng ngay lập tức nhớ và đều rất yêu thích phim của anh, như: “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Xích lô”, “Rừng Nauy”…

Tuy sở hữu không phải là nhiều bộ phim, nhưng tất cả những phim của Trần Anh Hùng, theo đánh giá của giới chuyên môn cũng như khán giả, đều mang một đặc trưng là sự giản dị và ngôn ngữ hình ảnh trong phim rất đặc trưng. “Mùi đu đủ xanh” là bộ phim mang nét trinh nguyên, ngây thơ như chính nhân vật Mùi.

Nhiều khung hình được đạo diễn quay cận và dừng lại rất lâu để mô tả tỉ mỉ. Từng cảnh đều có tính toán bố cục, trau chuốt như một bức tranh. Cái đẹp tỏa ra từ những chi tiết nhỏ nhặt như đàn kiến, hạt đu đủ, giọt nhựa đọng trên chiếc lá. Những cảnh sinh hoạt bình thường như gội đầu, nấu ăn cũng toát lên chất mỹ miều riêng.

Trong Liên hoan phim Quốc tế Busan (Hàn Quốc), “Mùi đu đủ xanh” cũng được xếp vào danh sách 100 bộ phim hay nhất và đứng ở vị trí 66. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện cô bé tên Mùi, từ khi phải đi ở trong một gia đình buôn vải của Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước, đến khi trở thành một thiếu nữ và say đắm trong tình yêu với một nghệ sĩ dương cầm. Diễn viên nữ chính của phim là vợ đạo diễn - Trần Nữ Yên Khê.

Ra mắt tại Việt Nam năm 2000, bộ phim cũng từng được chọn dự Liên hoan phim Quốc tế Cannes, “Mùa hè chiều thẳng đứng” thể hiện nhiều cái lạ, theo đánh giá của các nhà chuyên môn: những khuôn hình, màu sắc thể hiện phong phú, những góc quay đẹp, tỉ mỉ, những lời thoại trau chuốt mà không hề sáo rỗng, tạo cho người xem nhiều cảm xúc…

Mở đầu bộ phim là cảnh thức giấc trong buổi sớm mai của hai anh em Hải và Liên (diễn viên Ngô Quang Hải và Trần Nữ Yên Khê, vợ đạo diễn Trần Anh Hùng). Sau những bài tập thể dục trên nền nhạc du dương, cả hai bắt đầu một ngày mới vui vẻ. Hải đến trường quay, tiếp tục tập tễnh với những vai diễn mà “khi lên phim sẽ bị cắt mất”.

Liên vẫn ngày ngày sang phụ bán hàng cùng chị cả Sương (nghệ sĩ Như Quỳnh) và chị kế Khanh (nghệ sĩ Lê Khanh). Sau ngày giỗ ấm cúng quây quần với con gà luộc vàng ươm và mâm xôi ngút khói, câu chuyện bắt đầu xoay quanh ba chị em gái. Tuy hai người chị lớn đã có gia đình riêng nhưng cả 3 chị em vẫn thường quấn quýt bên nhau hàn huyên đủ chuyện. Trông họ thật hạnh phúc.

Thế nhưng khi rời nhau ra, cả ba lại có những cảnh đời riêng biệt và dường như đang đứng ở 3 chặng đường. Chị Sương bấy lâu đã có trục trặc trong quan hệ với chồng (một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật) để rồi dần trôi vào ánh chiều tà của hôn nhân. Chị Khanh lại đang đắm chìm vào hạnh phúc lứa đôi bên anh chồng nhà văn lịch lãm; còn Liên - cô gái sôi nổi, hoạt bát thì chỉ chớm bước đến ngưỡng cửa của yêu đương.

Một lần hẹn, Liên lặng lẽ ngóng chờ người yêu. Ba chặng đường riêng biệt ấy lại bỗng có lúc gặp nhau vào một ngày u ám, khi ba chị em đến với nhau nhưng không bằng những câu chuyện hồn nhiên, ấm áp thường lệ: Sương bàng hoàng nghe chồng nói lời chia tay, Khanh đau đớn phát hiện chồng có vấn đề và Liên hoang mang vì trót có thai với người yêu.

Những câu chuyện giản dị trong phim, rất nhẹ nhàng nhưng khiến người xem rất chú ý, và cứ thế đi vào sự ghi nhớ của khán giả. Sự tiến triển tình tiết trong phim cũng vậy, những nút thắt không quá chặt, chỉ như những câu chuyện giản dị diễn ra thường ngày, đây đó vẫn ở bên cuộc sống của mỗi cá nhân, nhưng bằng cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh đẹp, những chi tiết cứ thế ghi vào não khán giả, tạo thành một ký ức đẹp cho mỗi khán giả xem phim.

Cũng như “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, đạo diễn Trần Anh Hùng rất chú trọng đến ngôn ngữ hình ảnh. Cảnh ba chị em quây quần bên nhau làm cỗ ngày giỗ trông thật đáng yêu, cảnh gội đầu bên hồ nước trong veo, cảnh câu cá giữa bốn bề mây núi thiên nhiên thật đẹp, những trận mưa phùn đặc trưng xứ Bắc, tất cả đều được lột tả kỹ càng, đem đến cho người xem nhiều cảm xúc về sự bình dị, đầy chất thơ của truyền thống và con người Việt Nam.

Rất nhiều khán giả cũng bày tỏ ý kiến về phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. “Mình rất thích xem phim của Trần Anh Hùng. Mặc dù không sống ở Việt Nam nhưng mà trong những phim anh làm về Việt Nam lại mạng rất đậm phong cách Việt! Mong một ngày nào đó anh làm thêm một bộ phim về Việt Nam”. “Tôi thật sự xúc động khi xem bộ phim "Vĩnh cửu" vào ngày 10/9/2016 tại rạp Chiếu phim quốc gia. Cảm ơn đạo diễn Trần Anh Hùng đã dựng tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời này. Tôi ước gì có thể dừng hình để vẽ lại những cảnh quay tuyệt đẹp từ phong cảnh thiên nhiên, con người, âm nhạc, ánh nắng và tình yêu tràn ngập hòa quyện với nhau một cách tinh tế hoàn hảo đến thế! Đã lâu lắm rồi tôi không được xem một bộ phim nào mang đậm tính nghệ thuật như vậy. Nó gợi cho tôi hồi ức về những bộ phim kinh điển như: Jen Ero, God Father...

Không có chuyện tình tay ba hay mâu thuẫn giữa con người với con người, nhưng không phải vì thế mà người xem không cảm nhận được niềm hân hoan, nỗi đau xé lòng và cuối cùng là tình yêu thương bất tận, ấm áp như những cái ôm dịu dàng, làn da ửng hồng hay lọn tóc buông lơi trong nắng... Thật tuyệt vời”. “Mùi đu đủ xanh” của anh thấy từng tàu lá chuối, giọt mưa... những góc quay đẹp ngỡ ngàng.

Đến Liên hoan phim Cannes 2023

Có lẽ, sau “Eternité” (Vĩnh cửu) năm 2016, giờ đây Trần Anh Hùng mới lại ra mắt một tác phẩm điện ảnh. Anh là một người yêu thích ẩm thực, nên tác phẩm lần này được anh khai thác về xã hội Pháp của thế kỷ XIX. Có lẽ ở thế kỷ XIX, mà cụ thể là năm 1885, ẩm thực hiện lên không có vẻ đẹp và cầu kỳ như thời hiện tại, khi công nghệ hình ảnh lên ngôi.

Nhưng cuộc sống ở thế kỷ XIX, được lột tả qua phim của Trần Anh Hùng – một vị đạo diễn vốn nổi tiếng bởi sự cầu kỳ, cẩn trọng và khai thác hình ảnh ở những góc quay khác biệt nhất, cũng như sự sát sao của anh với từng khuôn hình, chắc chắn hình ảnh trong phim của anh cũng sẽ mang lại hiệu ứng giống như “Mùi đu đủ xanh” hay “Mùa hè chiều thẳng đứng”.

Phim với nội dung là một nữ đầu bếp Eugenie làm việc cho chuyên gia ẩm thực Dodin (Benoit Magimel đóng) – một người sành ăn và nổi tiếng, trong 20 năm. Thời gian trôi qua, thói quen ẩm thực và sự ngưỡng mộ lẫn nhau giữa họ đã trở thành một mối quan hệ lãng mạn.

Sự liên kết của họ tạo ra những món ăn ngon và tinh tế không đâu sánh bằng, khiến ngay cả những đầu bếp lẫy lừng nhất thế giới cũng phải bối rối. Nhưng Eugenie lại thích tự do và chưa bao giờ muốn kết hôn, ngay cả với Dodin. Vì vậy, Dodin quyết định làm một việc mà anh chưa từng làm trước đây: nấu ăn cho cô.

Phim cũng nhận được sự cố vấn của bếp trưởng nổi tiếng người Pháp, Pierre Gagnaire, người nhận 14 sao Michelin; ông đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho những món ăn xuất hiện trong phim. “La Passion de Dodin Bouffant” được ông cầu kỳ từng chi tiết, để đưa vào đó những bối cảnh chân thực nhất và dựng lại chi tiết chân thực nhất về ẩm thực. Sự tham gia của bộ phim trong kỳ Liên hoan này, một lần nữa khẳng định tên tuổi của vị đạo diễn người Pháp gốc Việt.

Khánh Linh
.
.