Trăn trở công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương

Thứ Ba, 22/01/2019, 08:56
Vừa qua, những thế hệ vàng của sân khấu cải lương đã cùng nhau hội ngộ tại Chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm kinh điển một thời được tái hiện phục vụ công chúng, khẳng định sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật truyền thống mà nhân dân Nam bộ khai sinh, gìn giữ.

Đêm tôn vinh nghệ thuật cải lương được dàn dựng hoành tráng, với sự tham gia biểu diễn của hơn 400 nghệ sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Kim Huệ, Hồng Nga… 

Họ cùng tái dựng lại quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương 100 năm qua bằng các tiết mục ca cổ và trích đoạn kinh điển như: “Lấp sông Gianh”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Bánh bông lan”, “Chiến binh”, “Vọng trăng xưa”…

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nghệ thuật cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân vùng đất Nam bộ, được ra đời dựa trên sự kế thừa tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như: hát bội, đờn ca tài tử... và tiếp thu những cái hay từ bên ngoài của kịch nghệ phương Tây, được nhân dân nuôi dưỡng và bảo tồn. 

Cải lương không chỉ đơn thuần là loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn đóng vai trò như một sản phẩm văn hóa đặc thù cổ vũ cho cái chân - thiện - mỹ, góp phần giáo dục truyền thống và nhân cách con người. Các thế hệ nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, các đơn vị xã hội hóa đã góp phần vào công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật cải lương”.

Các thế hệ nghệ sĩ cải lương, các soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, hóa trang… được tôn vinh tại chương trình.

Chương trình đã điểm lại quá trình hình thành, phát triển và các giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật cải lương từ sơ khai với vở cải lương đầu tiên vào năm 1918 cho đến thời kỳ phát triển hoàng kim 1955 – 1975 với hàng trăm đoàn hát, những tên tuổi lẫy lừng như Thanh Nga, Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Hùng Cường... 

Đi cùng giai đoạn này là Giải Thanh Tâm danh giá, tôn vinh những nghệ sĩ tâm tài vẹn toàn. Nghệ thuật cải lương còn gắn liền với hai cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc, góp phần hun đúc lòng yêu nước, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường.

Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc khẳng định dù sinh sau đẻ muộn so với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng cải lương nhanh chóng tạo dựng được vị trí vững chắc và chinh phục đông đảo khán giả từ Nam ra Bắc. 

Sở dĩ được như vậy bởi cải lương luôn mang đúng tinh thần: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” như ngày mới ra đời. Từ các vở tuồng cổ, cải lương phát triển, không ngừng dung nạp đề tài mới để làm nên nhiều thể loại như: hương xa, kiếm hiệp, dã sử, tâm lý xã hội, cách mạng… 

Cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, hiện nay, cải lương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí sôi nổi, mới mẻ. Mang trong mình tính chất cải cách như bản thân tên gọi, cải lương đang cố gắng làm mới mình để phù hợp với công chúng thời đại ngày nay, nhất là lớp công chúng trẻ. 

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng trải qua 100 năm, cải lương không thể thoát khỏi quy luật tất yếu của sự phát triển. 

“Dù cẩn thận gìn giữ đến mức nào thì cũng phải chấp nhận sự thay đổi cần phải có. Cải lương hiện nay sống khỏe nhưng không mạnh. Trong các bối cảnh khác nhau, cải lương đã có những đáp ứng khác nhau để tồn tại và phát triển. Nhưng đừng để quy luật phát triển làm mất đi bản chất của cải lương: “Thật và Đẹp”. Điều đáng mừng là cải lương còn được đứng ngang hàng với các sân khấu kịch nói, sân khấu ca nhạc” – bà phân tích.

Tại đêm tôn vinh, ban tổ chức đã bày tỏ sự tri ân và vinh danh các bậc tiền bối khai sinh loại hình nghệ thuật đặc sắc cho nền sân khấu dân tộc; biểu dương những nghệ sĩ lão thành, NSND, NSƯT, các thế hệ soạn giả, đạo diễn, gia tộc cải lương, họa sĩ, hóa trang… gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương suốt bao năm qua.

Ngoài chương trình tôn vinh, chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương tại TP Hồ Chí Minh kéo dài từ ngày 17-12-2018 đến ngày 19-1-2019 còn nhiều hoạt động sôi nổi như: biểu diễn vở cải lương mới “Giấc mộng đêm xuân” và những vở kinh điển của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; triển lãm 100 năm sân khấu cải lương với nhiều hình ảnh, hiện vật, giao lưu đờn ca tài tử, chiếu phim tài liệu…

Quỳnh Nga
.
.