"Tao ngộ" - bữa tiệc thị giác đa sắc

Thứ Tư, 18/11/2015, 10:22
Triển lãm Mỹ thuật mang tên “Hội ngộ” của năm sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội từ ngày 26 đến 30/11/ 2015.

Đây sẽ là một cơ hội để công chúng tiếp cận với những ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc của 5 gương mặt hoạ sỹ: Tào Linh, Tào Hương, Nguyễn Quí Kiên Henri, Hoàng Trần Hải Yến và Trần Ngọc Bảy.

“Hội ngộ” mang đến gần 30 tác phẩm sử dụng chất liệu sơn dầu và acrylic trên vải, với những phong cách riêng biệt và đặc trưng của từng họa sĩ, mong muốn góp phần vào sinh hoạt văn nghệ đa dạng của Thủ đô trong dịp cuối năm. Bằng bút pháp và ngôn ngữ tạo hình khác biệt, đầy sáng tạo, các hoạ sỹ hy vọng sẽ mang cho công chúng một bữa tiệc thị giác đa sắc: Tào Linh với biểu hiện trừu tượng đối diện với Nguyễn Quý Kiên cổ điển ấn tượng; Hoàng Trần Hải Yến và Nguyễn Ngọc Bảy đầy sắc thái pop art bên cạnh một Tào Hương lần đầu sử dụng thủ pháp đồng hiện và kỹ thuật cực thực.

Nói về cuộc triển lãm này, hoạ sỹ Vũ Lâm bày tỏ: “Năm họa sĩ, tuổi sinh trải qua ba thập kỷ, ngoài hai họa sĩ họ Tào có mối liên hệ ruột thịt, thì về nghệ thuật, tưởng như họ chẳng có gì giống. Người ở Pháp, người ở Huế, người Hà Nội… xuất thân đào tạo từ những nguồn khác hẳn nhau đã đành, cũng như mối quan tâm trên bề mặt tác phẩm cũng không mấy tương đồng. Họa sĩ Tào Linh chơi với nghề vẽ từ trẻ và vẫn không dừng vẽ dù đã trải qua công việc khác, nay trở lại tìm bảng mầu rực rỡ của mình trong những hình hài tượng trưng phố. Họa sĩ Tào Hương, Hoàng Trần Hải Yến và Trần Ngọc Bảy thì day dứt những nghi vấn về cuộc sống đương đại trong câu chuyện cá nhân với những bức tranh khổ lớn. Họa sĩ Henry Quý Kiên, một tài năng phát lộ sớm, ra nước ngoài học hành rồi định cư lại, nhưng vẫn khôn nguôi “thương nhớ đồng quê” với bút pháp sơn dầu khá cổ kính.

Một số tác phẩm sẽ có mặt trong triển lãm.

Có gì giải thích được sự gặp gỡ kỳ lạ này, ngoài mùa thu? Hay sự đau đáu chung trước nghiệp vẽ của cả năm họa sĩ? Và dù thế nào chẳng biết, nhưng “đắc lợi” nhất cho chúng ta, là những người xem, được lạc vào thưởng thức hết khu vườn này đến khu vườn khác của hội họa, chỉ trong hai căn phòng nhỏ…”. “Tao ngộ trong nghệ thuật cũng như trong đời, kể cũng lắm điều kỳ khôi, và trong sự mênh mông sung sướng như vậy, tưởng như chẳng có điều gì phải ngạc nhiên cả”

 Còn hoạ sỹ Tào Linh chia sẻ một cách giản dị: “Chúng tôi không có gì chung với nhau, ngoài tranh. Tuy nhiên, đó cũng là một điều mà chúng tôi tâm đắc, vì chúng tôi có thể đáp ứng được nhiều hơn thị hiếu của người xem bằng chính sự đa dạng của triển lãm lần này.”

Thanh Hằng
.
.