Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Vẫn còn không ít khó khăn

Thứ Năm, 13/02/2020, 07:23
Việc Việt Nam có di sản trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vẫn được coi là “quả ngọt” sau nhiều nỗ lực của cả cộng đồng và cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan.

Tuy nhiên, làm sao để các di sản này vừa được bảo tồn tốt, vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước vẫn là vấn đề khiến nhiều địa phương trăn trở.

Nhiều năm trở lại đây, hát Xoan đã không chỉ là một trong những “đặc sản” dành cho du khách thập phương khi đến Phú Thọ tham dự Lễ hội Đền Hùng (Giỗ tổ Hùng Vương). Hoạt động biểu diễn hát Xoan đã trở thành một nội dung không thể thiếu vắng trong nhiều tour du lịch của Phú Thọ dành cho du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về vùng đất Tổ.

Theo ông  Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, hát Xoan Phú Thọ gắn bó chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên của người Việt. 

Năm 2017, hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đây là niềm tự hào đối với Phú Thọ, đặc biệt là cho cộng đồng đang nắm giữ và thực hành di sản. Tuy nhiên, việc có được sự bền vững trong công tác bảo vệ và phát huy di sản chưa bao giờ là công việc dễ dàng. 

Ngoài sự trân trọng và quyết tâm bảo vệ những giá trị di sản từ truyền thống thì cũng cần cho phép tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất trong thời hiện đại. Chưa kể, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng... 

Vì vậy, địa phương vẫn rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương cũng như cập nhật các thông tin mới, các sáng kiến, ý tưởng, nguồn lực của tổ chức UNESCO.

Hát Xoan Phú Thọ là một trong những di sản văn hóa độc đáo được giới thiệu đến khách thập phương vào dịp Lễ hội Đền Hùng.

Thực tế, không chỉ hát Xoan Phú Thọ mới còn gặp khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy mà với Nhã nhạc cung đình Huế cũng tương tự. Thạc sĩ Phan Thanh Hải,  Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ rằng việc UNESCO ghi danh Nhã nhạc Cung đình Huế vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đem lại lợi thế lớn cho công tác quảng bá và đưa di sản này đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. 

Cố đô Huế cũng đã thực sự biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng từ bảo tồn di sản. Nhưng để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Nhã nhạc Cung đình Huế, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Trong đó, cần phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình truyền dạy, đào tạo tập huấn và  rà soát, tôn vinh, có chính sách đãi ngộ tốt hơn với những người có tài năng xuất sắc, có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản.  

Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị Nhã nhạc Cung đình Huế phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính Nhà nước theo hướng gắn kết vai trò của Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nghệ nhân. Cần tăng cường các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa...

Theo Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Việt Nam đã có 40 di sản được UNESCO ghi danh. Trong đó, 12 di sản nằm trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ngoài ra còn có 1 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là Ca Trù. Đây là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị công phu trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay tại hội thảo quốc tế “Nhiệm vụ đặt ra với sự nghiệp bảo tồn và phát huy ý nghĩa các di sản văn hóa được UNESCO công nhận”,  thì ý nghĩa đích thực của mỗi di sản văn hóa sau khi được UNESCO ghi danh không chỉ dừng lại ở chiếc bằng chứng nhận. 

Mà, đó là một khối lượng công việc to lớn liên quan đến chính sách, đầu tư và vận động xã hội để phát huy ý nghĩa và giá trị của các di sản phục vụ cho các mục tiêu mang tính nhân văn, hướng thượng của đời sống. 

Đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế, đặt vào danh mục các di sản tiêu biểu của nhân loại là cả một sự nghiệp cần phải trả giá liên tục, lâu dài bằng tinh thần trách nhiệm, bằng lòng kiên nhẫn, bằng tiền của và bằng cả danh dự...

N.H.
.
.