Bài học bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam

Chủ Nhật, 11/11/2018, 08:44
Sau 15 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT), đến nay Việt Nam tự hào khi có nhiều di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.

Trong đó, công tác “cứu nguy”, thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Huế, Hát Xoan Phú Thọ… để những di sản văn hóa này lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng và quốc tế đã được nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương học hỏi kinh nghiệm…

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có luật về bảo vệ Di sản VHPVT, là một trong 30 nước đầu tiên phê chuẩn Công ước UNESCO 2003 và là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ 2006-2010. 

Nhờ có tinh thần của Công ước, những năm qua Việt Nam đã có bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ Di sản VHPVT. Tại hội nghị Di sản VHPVT khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2018 được tổ chức tại TP Huế từ ngày 6 đến 8-11, TS Lê Thị Minh Lý đã đúc kết và chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong công tác kiểm kê di sản, bảo tồn di sản Hát Xoan đến các đại biểu, đại diện 35 tổ chức thuộc 16 quốc gia trong Châu Á- Thái Bình Dương. 

Theo đó, công tác bảo vệ khẩn cấp di sản Hát Xoan được tỉnh Phú Thọ thực hiện trong 6 năm. Vào tháng 12-2017, Hát Xoan chính thức được UNESCO công nhận là Di sản VHPVT là sự kiện bất ngờ đối với cộng đồng quốc tế. 

“Bài học ở đây, đó là tỉnh Phú Thọ đã xem bảo vệ Hát Xoan là một chiến lược của tỉnh, lập ra Ban chỉ đạo bảo vệ di sản Hát Xoan và cùng phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể để tập trung nguồn lực, nhân lực nhằm bảo vệ Hát Xoan như một di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. 

Từ đó từng bước đưa Hát Xoan ra khỏi danh sách khẩn cấp để đến với danh sách đại diện của UNESCO, qua đó phổ biến Hát Xoan ra cộng đồng và được đông đảo công chúng đón nhận… Đây có thể nói là một bài học vô cùng quý giá trong công tác bảo tồn, phục hồi di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam”, TS Lê Thị Minh Lý khẳng định.

Cần nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể. Ảnh minh họa: CTV

TS. Lê Thị Minh Lý cho biết, trong nhiều năm qua, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ Di sản VHPVT (NGO) là cầu nối giữa Nhà nước với cộng đồng. Và hiện có nhiều tỉnh, thành đã giao cho NGO thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa. 

Điển hình như TP Hà Nội đã giao cho tổ chức NGO thực hiện kiểm kê Di sản VHPVT và công tác này được hoàn thành sau 3 năm triển khai. Hà Nội hiện đã có 1.793 di sản được nhận diện và lập bản đồ, hơn 200 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa cần được ưu tiên bảo vệ; các tư liệu kiểm kê trở thành nguồn tài liệu quý cho giáo dục.

 Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức về công tác bảo vệ Di sản VHPVT khi việc phát triển du lịch dựa trên Di sản VHPVT; nhiều dự án thiếu vai trò và tiếng nói của cộng đồng, thiếu giáo dục di sản cho thế hệ trẻ và các NGO chưa đủ điều kiện tham gia các diễn đàn quốc tế.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc của Việt Nam được nhiều nước và tổ chức trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương học hỏi.

Đối với Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, từ năm 2003 được UNESCO vinh danh và đây là Di sản VHPVT đầu tiên của Việt Nam trong số 12 Di sản VHPVT trên toàn quốc được UNESCO công nhận. 

Trải qua 15 năm thực hiện Công ước về bảo tồn Di sản VHPVT của UNESCO, Nhã nhạc cung đình Huế đã được bảo tồn với rất nhiều bài bản, cách thức diễn xướng để từ đó “hồi sinh” kỳ diệu và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng… 

Nói về công tác gìn giữ, bảo tồn Di sản VHPVT, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL nhận định: Trong những năm qua, các cấp Bộ, ngành Trung ương đến địa phương, các cộng đồng đã ra sức thực hiện và đạt nhiều kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là Di sản VHPVT. 

Qua báo cáo kết quả kiểm kê Di sản VHPVT ở 63 tỉnh, thành của Việt Nam, hiện đã có 62.283 Di sản đã được kiểm kê; trong đó có 271 di sản đã đưa vào danh mục Di sản VHPVT quốc gia qua 25 đợt công bố và 12 Di sản được UNESCO ghi danh tại các danh sách Di sản VHPVT đại diện của nhân loại, cần được bảo vệ khẩn cấp. 

Việc các Di sản VHPVT được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương và xã hội cùng tham gia vào quá trình bảo tồn Di sản VHPVT.

Sáng 8-11, tại TP Huế đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị Di sản VHPVT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2018. Tại phiên bế mạc, hội nghị đã thông qua tuyên bố chung về định hướng trong công tác quảng bá, giáo dục, bảo tồn và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng tham gia bảo vệ  Di sản VHPVT.

Đại biểu, đại diện các quốc gia tham dự cam kết tiếp tục các hoạt động bảo vệ Di sản VHPVT cho sự phát triển bền vững của cộng đồng; kêu gọi UNESCO, các quốc gia thành viên tiếp tục tham gia, hỗ trợ hoạt động của diễn đàn các tổ chức phi chính phủ bảo vệ Di sản VHPVT, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến việc kết nối và hợp tác, bảo vệ di sản văn hóa.

Anh Khoa
.
.