Sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới

Thứ Hai, 13/02/2017, 08:11
Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã liên tục đi trên con đường không bằng phẳng. Hơn 100 năm qua, tư tưởng của các nhà kinh điển đã vượt qua thử thách của thời đại cũng như sự phê phán, công kích của các thế lực đối lập, thù địch.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ, biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện về suy thoái chính trị tư tưởng là: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”.

Vấn đề đặt ra: Trước những biến đổi lớn lao của lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lê nin, hệ lý luận về CNXH khoa học nói chung, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói riêng trong thời đại ngày nay cần được nhìn nhận như thế nào cả về lý luận và thực tiễn, từ đó có nhận thức đúng đắn, khoa học, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về vấn đề trên.

Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã liên tục đi trên con đường không bằng phẳng. Hơn 100 năm qua, tư tưởng của các nhà kinh điển đã vượt qua thử thách của thời đại cũng như sự phê phán, công kích của các thế lực đối lập, thù địch. Thời gian qua, một số kẻ mượn cớ những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đất nước để xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại ngày nay, đòi hỏi phải xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, bất chấp mọi công kích, bôi nhọ, phê phán, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn vững vàng và phát huy vai trò trong thời đại mới. Càng trải qua khó khăn, chủ nghĩa Mác - Lênin lại càng bộc lộ tính sáng tạo, tính thực tiễn cùng những giá trị tự thân.

Lịch sử chứng kiến nhiều trào lưu tư tưởng trở nên lỗi thời cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Song việc chủ nghĩa Mác không ngừng phát huy vai trò quan trọng của mình suốt từ thập kỷ 40 của thế kỷ XIX cho đến ngày nay và tiếp tục khẳng định sức sống của mình lại là một điều rất đáng để nghiên cứu.

Một số người cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời trong bối cảnh CNTB giai đoạn đầu, vì vậy không còn phù hợp để lý giải CNTB phát triển ở trình độ cao như ngày nay. Họ cho rằng tư tưởng của C.Mác do ra đời hơn 150 năm trước nên đã lỗi thời, lại càng không phù hợp với một nước phương Đông như Việt Nam.

Song điều mà những người cho rằng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời chính là không thấy được C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ nêu lên các vấn đề của CNTB giai đoạn đầu mà quan trọng hơn là tìm ra con đường xã hội TBCN sẽ đi về đâu, từ đó phát hiện quy luật của xã hội tư bản cũng như quy luật của xã hội loài người nhằm mục đích giải phóng con người.

C.Mác và Ph.Ăngghen mang trong mình sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, chính vì vậy mà tính khoa học là yêu cầu đầu tiên để thực hiện sứ mệnh này, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không dừng lại ở biểu hiện của CNTB, mà thông qua các hiện tượng của CNTB để tìm ra bản chất và quy luật của xã hội tư bản. CNTB giai đoạn đầu đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn xã hội, trong đó ẩn chứa quy luật và xu thế phát triển của chính CNTB.

Chúng ta có thể thấy được các giá trị đương đại của chủ nghĩa Mác - Lênin từ ba bộ phận cấu thành của nó. Ví dụ từ kinh tế chính trị học Mác - Lênin, lý luận về hàng hoá sức lao động, về giá trị thặng dư, về mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, mâu thuẫn giữa tính xã hội của sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân... không phải vì sự biến đổi của CNTB mà mất đi tính khoa học và giá trị lý luận của chúng.

Từ góc độ CNXH khoa học, tinh thần nhân văn và tính hiện thực thể hiện rõ trong bước chuyển từ CNXH không tưởng sang khoa học. Bên cạnh đó là sự mô tả các đặc trưng của xã hội tương lai. Khi nêu các đặc trưng của xã hội tương lai, C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh đến việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản, hình thành sở hữu công cộng, tuy nhiên, các ông cũng lưu ý rằng, không phải khi nào cũng xóa bỏ được chế độ tư hữu, nhất là lại xoá bỏ ngay lập tức.

Kế thừa và phát triển quan điểm của C.Mác, trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, V.I.Lênin đã nêu lên 4 đặc trưng chủ yếu của CNXH: Tư liệu sản xuất không phải của riêng cá nhân, mà thuộc về toàn xã hội; phân phối theo lao động; không còn tình trạng người bóc lột người song còn chênh lệch về của cải; nhà nước vẫn chưa tiêu vong hẳn.

Tuy nhiên, sau khi thực sự bắt tay vào xây dựng CNXH, V.I.Lênin đã thận trọng hơn, ông viết: “Những viên gạch dùng để xây dựng CNXH còn chưa làm xong. Chúng ta không thể nói gì hơn và chúng ta cần phải hết sức thận trọng và chính xác… Hiện nay chúng ta không thể nêu lên đặc trưng của CNXH, cho nên nêu lên nhiệm vụ đó là không đúng” (V.I. Lênin.Toàn tập, t.36. Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tr. 82-83).

Về sau, V.I.Lênin đã thay đổi quan điểm của mình về con đường xây dựng CNXH, chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về đặc trưng của CNXH cũng đã nhiều lần nhấn mạnh cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện xã hội. Người khẳng định: “Một nước XHCN tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2000,t.9, tr. 476.), “xây dựng CNXH là làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.9, tr. 447), “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người… sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.1, tr. 461),v.v... 

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của CNXH về phương diện kinh tế là làm cho cuộc sống ấm no, giàu có; về phương diện xã hội là làm cho người dân được sống trong công bằng, dân chủ, tự do.

Từ góc độ triết học thì triết học Mác - Lênin vẫn là một hệ thống đỉnh cao, bởi vì triết học Mác - Lênin đã nêu lên những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Một số người cho rằng triết học phản ánh tinh thần của cả một thời đại, là tinh tuý của tinh thần thời đại, vì vậy thời đại thay đổi thì cũng cần thay đổi triết học. Điều này mới nghe qua thì hợp lý, song thực tế lại có không ít sai lầm.

Đúng là triết học là tinh tuý của tinh thần thời đại, song không có nghĩa thời đại thay đổi thì triết học được sinh ra trong thời đại đó mất đi giá trị của mình. Ví dụ như ở phương Tây là giá trị triết học Hy Lạp La Mã cổ đại, truyền thống Ki Tô giáo, tinh thần Phục Hưng, phong trào Khai sáng Pháp, triết học cổ điển Đức... hay ở phương Đông là tinh hoa của Phật, Lão, Nho...

Lịch sử biến thiên qua nhiều giai đoạn, song không vì thời đại thay đổi mà các học thuyết, hệ tư tưởng này mất đi tinh hoa, giá trị đối với nhân loại. Tương tự như vậy, so với thời của C.Mác hơn một thế kỷ trước, mặc dù đặc trưng thời đại, các vấn đề căn bản phải đối mặt của chúng ta ngày nay đã thay đổi, song điều đó hoàn toàn không làm lay chuyển sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta dùng các cách thức khác nhau để thực hiện lý tưởng vĩ đại của loài người mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu ra.

Thực tiễn xã hội ngày nay cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ không đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào để bác bỏ các nguyên lý căn bản của triết học Mác, vì vậy việc cho rằng thời đại thay đổi thì triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung đã lỗi thời là hoàn toàn sai lầm.

Có thể thấy rõ ràng là không phải học thuyết càng mới thì càng có giá trị. Một học thuyết trong lịch sử đối với đương thời có hay không có giá trị không phải chỗ học thuyết đó ra đời ở thời đại nào mà căn bản nhất ở chỗ tự bản thân học thuyết đó có tính chân lý hay không, có cung cấp đủ tri thức và trí tuệ hay không.

Một đặc điểm không thể không nhắc đến của khoa học xã hội là tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn khác với công nghệ, kỹ thuật hay công cụ sản xuất. Con người khi có công cụ sản xuất mới thì có thể không cần công cụ sản xuất cũ nữa, có kỹ thuật mới tiên tiến thì có thể thay thế kỹ thuật cũ lạc hậu. Song tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn thì lại khác: chỉ cần có tính chân lý hoặc mang lại trí tuệ cho con người thì những tri thức này có giá trị tồn tại. Tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn vì vậy mang đặc trưng tích luỹ chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ. Chính vì vậy mà có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn còn giá trị. 

Bản thân Ph.Ăngghen trong “Biện chứng của tự nhiên” cũng ca ngợi trí tuệ thiên tài của các nhà triết học Hy Lạp, La Mã cổ đại cách thời của ông hơn 2000 năm. Các triết gia có thể chết, song tư tưởng của họ thì không chết. Chân lý thì không có cũ và mới, chỉ có sự đối lập giữa chân lý và sai lầm, có thể có những chân lý xưa cũ và có thể có những sai lầm mới nhất. Chính vì vậy mà giá trị của một học thuyết không thể đo bằng khoảng cách thời gian.

Một học thuyết trong lịch sử đối với đương thời có hay không có giá trị không phải chỗ học thuyết đó ra đời ở thời đại nào mà căn bản nhất ở chỗ tự bản thân học thuyết đó có tính chân lý hay không, có cung cấp đủ tri thức và trí tuệ hay không.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
.
.