Giăng lưới bắt “cá mập”
Gọi các đối tượng bị bắt giữ là những “cá mập” có vẻ văn chương nhưng rất đúng trên thực tế. Bởi chúng là các đối tượng cầm đầu trong các đường dây phạm tội, là cái gốc để hình thành tội phạm và là chỉ huy của những đối tượng phạm tội trong đường dây. Có những vụ án, chúng đứng trên hàng chục đối tượng, ẩn sâu trong vỏ bọc của những doanh nhân thành đạt hay những người lãnh đạo trong tổ chức, cơ quan Nhà nước. Khi tổ chức phạm tội bị Công an tỉnh Thái Bình phá vỡ, các đối tượng lần lượt sa lưới, lúc đó mọi người mới ngỡ ngàng khi biết kẻ cầm đầu - “cá mập” này là ai? Và ngỡ ngàng trước số lượng các đối tượng bị bắt giữ trong đường dây khi cơ quan Công an truy tận cùng, bắt tận hết những kẻ vi phạm pháp luật.
Truy tìm “cá mập” ẩn sâu
Mới nhất, Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức lô, đề có thể nói là cực lớn, vươn vòi bạch tuộc không chỉ ở Thái Bình mà còn đến nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Khi nghe đến con số lợi nhuận của đường dây đánh bạc này, chắc hẳn nhiều người sửng sốt: mỗi ngày, trừ việc thắng, thua thì “ông trùm” của đường dây thu về khoảng 3 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2024, số tiền giao dịch của đường dây đánh bạc này là khoảng 2.500 tỷ đồng; theo đó, từ khi lập ra đường dây (2021) đến nay, số tiền đánh bạc của đường dây này ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.

“Trùm cuối” trong đường dây đánh bạc cực lớn này đã ngụy trang, ẩn sâu rất kỹ. Đó là Bùi Quốc Tuấn (thường gọi Tuấn “chợ Gốc", SN 1970, trú tại tổ 4, phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Dù là “trùm cuối” nhưng bên ngoài, Tuấn “chợ Gốc” chỉ thể hiện là một ông chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý hay làm từ thiện, có lối sống giản dị, đi xe ôtô cũ vài trăm triệu đồng, cùng thói la cà trà đá với chỉ vài tờ 2 nghìn đồng lẻ nên mới có biệt danh khác là Tuấn “2 nghìn”. Tuấn không bao giờ liên hệ trực tiếp với các chân rết bên dưới, cũng không giao dịch nhận tiền qua tài khoản cá nhân của mình mà điều khiển con trai làm đầu mối tổng, giao dịch và nhận tiền với các đường dây bên dưới. Suốt 6 tháng ròng rã, chỉ từ thông tin về những thư ký đề nhỏ, lẻ trên đường phố, các trinh sát của Công an tỉnh Thái Bình đã tìm ra 3 đường dây (F1) hoạt động tại TP Thái Bình và huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nhánh chủ (F1) đầu tiên các trinh sát lần ra được, đó là gia đình của đối tượng Bùi Văn Phong (SN 1984, trú tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Phong cũng được mọi người xung quanh biết đến như một doanh nhân trẻ thành đạt với một showroom bán đồ nội thất khá lớn. Gia đình Phong có 3 biệt thự, gần như 3 biệt phủ để Phong và bố mẹ là ông Phôi, bà Ngọ mỗi người ở một nơi điều hành việc ghi lô, đề.
Nhánh F1 thứ 2 do đối tượng Nguyễn Trọng Hùng (SN 1978, trú tại Tổ 16, phường Quang Trung, TP Thái Bình) cầm đầu. Nhánh F1 thứ 3 do đối tượng Bùi Thị Thủy (SN 1977, trú tại Tổ 2, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình) điều hành, hoạt động tại TP Thái Bình.
Trong cuộc họp của Ban chuyên án, sau khi nghe các trinh sát báo cáo kết quả điều tra, thu thập tài liệu về các nhánh đường dây cờ bạc nói trên, bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm của người chỉ huy từng chỉ đạo nhiều vụ án lớn và rất lớn, Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã nêu ra vấn đề: đặc điểm của các đường dây này là sẵn sàng nhận các canh bạc lớn, tức số tiền đánh lô, đề nhiều tỉ đồng, kể cả các hình thức như lô xiên 3, lô xiên 4, nếu con bạc đánh thắng thì số tiền của nhà cái phải chi trả là cực lớn. Mà với tiềm lực kinh tế của các đầu F1 tại Thái Bình, chúng chưa thể đảm đương được việc này. Vậy phải chăng còn “ông trùm” (F0) phía trên? Hai đường dây này đều có một “ông trùm” trên hay độc lập với nhau? Với quan điểm phải đánh cả đường dây, tìm ra đối tượng cầm đầu, Đại tá Phạm Mạnh Hùng đã chỉ đạo các trinh sát chưa “cất vó” luôn các đầu F1, mà âm thầm lần theo các mắt xích, để trả lời thấu đáo những câu hỏi trên của Ban chuyên án. Và sau nhiều ngày kiên trì điều tra, xác minh, các trinh sát đã tìm ra “trùm cuối” chính thức của các đường dây cờ bạc này chính là Tuấn “chợ Gốc”, và con trai hắn chỉ là người đứng ra điều hành công khai với các nhánh F1.
Ngày 24/3, hơn 300 CBCS của Công an tỉnh Thái Bình do Văn phòng CSĐT Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chia thành 70 mũi, bí mật và đồng loạt bắt giữ các đối tượng. Đến nay, đã có 63 đối tượng bị bắt giữ và khởi tố, nhiều đối tượng liên quan đang được cơ quan điều tra tiến hành xác minh. Trong đó, “ông trùm” Tuấn “chợ Gốc” và các đối tượng chính trong đường dây đều bị tóm gọn.

Ròng rã lần theo các mắt xích, quyết không bỏ lọt tội phạm
Từ năm 2024 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã liên tiếp bắt giữ các đường dây phạm tội khá “đình đám” với số lượng đối tượng phạm tội lớn, kiên quyết không bỏ lọt tội phạm, dù đối tượng đó là ai, không có vùng cấm.
Như vụ án liên quan đến Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, các đối tượng đã chỉ đạo các phóng viên, cộng tác viên tìm kiếm các sai phạm của các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp viết bài báo đăng lên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam để gây sức ép cho các bị hại sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc kinh doanh; gây sức ép đến chính quyền địa phương, làm cho các bị hại buộc phải liên hệ với phóng viên, để xin gỡ bài hoặc dừng viết bài phản ánh sai phạm. Khi đó, các phóng viên đưa ra yêu cầu với các bị hại, nếu muốn gỡ bài hoặc dừng viết bài thì phải ủng hộ từ 20 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động.
Từ tố cáo của anh Đ.V.H, chủ một trang trại chăn nuôi ở huyện Hưng Hà về việc bị các đối tượng là phóng viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam dùng vi phạm về môi trường của trang trại, để ép buộc anh phải chi 200 triệu đồng cho quỹ “Cây chổi vàng” và 50 triệu đồng “phí quan tâm” đến phóng viên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã phát hiện ra những sai phạm có tính tổ chức, trong một thời gian dài của tạp chí này. Từ hành vi phạm tội của các đối tượng trực tiếp cưỡng đoạt tài sản của anh H, cơ quan điều tra đã bắt giữ, khởi tố hơn 40 đối tượng, từ cán bộ phóng viên, đến các lãnh đạo của tòa soạn, cả Phó Tổng biên tập và Tổng biên tập, một số Trưởng Văn phòng đại diện của tạp chí trên địa bàn toàn quốc, kiên quyết không để bỏ lọt tội phạm.
Nhận xét về chuyên án này, Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết: Đây là một vụ án rất phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, có tổ chức, phạm vi hoạt động rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đối tượng đều là những người am hiểu pháp luật, hoạt động “trá hình” dưới danh nghĩa cơ quan báo chí làm từ thiện. Hành vi của các đối tượng diễn ra trong một thời gian dài, gây bức xúc, nhức nhối, phẫn nộ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Công an tỉnh Thái Bình khám phá chuyên án nhằm quyết tâm xử lý nghiêm, làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đồng thời, góp phần chấn chỉnh, gạt bỏ “những con sâu” để làm trong sạch đội ngũ người làm báo Việt Nam, bảo vệ, củng cố uy tín cơ quan báo chí, người làm báo chân chính, chính thống.
Rồi vụ án liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng, từ một vụ án cưỡng đoạt tài sản của nhóm đối tượng Phạm Mạnh Cường, tức Cường “quắt”, Công an tỉnh Thái Bình đã điều tra, làm rõ được vai trò phạm tội của các cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và cựu chuyên viên Nguyễn Văn Vương về các hành vi cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi…
Trong quá trình tìm hiểu các chuyên án, chúng tôi được các trinh sát kể rằng, các cuộc họp Ban chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm luôn “nóng” bởi các câu hỏi “xoáy” của Đại tá Phạm Mạnh Hùng, “tư lệnh” của lực lượng CSĐT Công an tỉnh Thái Bình. Đồng chí Phó Giám đốc luôn yêu cầu các cán bộ trinh sát trả lời đến tận cùng của vấn đề, còn hay không những đối tượng phía trên, những đối tượng bị bắt đã là “điểm cuối” chưa, sau đó cùng phân tích, đánh giá chứng cứ. Vì thế, bản thân các trinh sát cũng phải tự áp lực với chính mình, phải thu thập, xác minh tài liệu chứng cứ cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan và khoa học.
“Không đánh khúc giữa, khám phá cả đường dây, bắt giữ đối tượng cầm đầu - đó là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đối với công tác điều tra tội phạm. Chúng tôi luôn truyền cảm hứng, lan tỏa đến các CBCS tham gia chuyên án sự nỗ lực, quyết tâm, sự đam mê khám phá án bằng lòng tự trọng của người chiến sĩ Công an” - Đại tá Phạm Mạnh Hùng chia sẻ. Chính từ sự “truyền lửa” của người lãnh đạo này, nhiều chuyên án lớn của Công an tỉnh Thái Bình đã được khám phá trong thời gian qua, được lãnh đạo Bộ Công an, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Chiến công của các anh đã góp phần tô đậm thêm truyền thống của lực lượng CAND, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước như 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.