Xử lý nghiêm hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực môi trường du lịch

Thứ Năm, 08/05/2025, 22:13

Tình trạng ăn xin, mua bán hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách tại các điểm du lịch, khu phố đêm, phố đi bộ, nhà hàng quán ăn tại TP Huế vẫn tồn tại… Chính quyền và ngành du lịch TP Huế đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm siết chặt quản lý, đẩy lùi các hành vi làm xấu môi trường du lịch.

Liên quan đến tình trạng cò mồi tranh giành khách mua hàng, nạn ăn xin, chèo kéo du khách hay những hướng dẫn viên thuyết minh sai về các di tích lịch sử,… lãnh đạo Sở Du lịch TP Huế cho biết, những năm gần đây, cơ quan chức năng đã xử lý mạnh tay; thậm chí, có đối tượng cò mồi, tranh giành khách du lịch khi mua hàng hóa đã bị khởi tố hình sự về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Cụ thể, tại vỉa hè đối diện số nhà 11 Lê Huân (phường Thuận Hòa, TP Huế), cho rằng ông Nguyễn Hữu S. (trú phường Vỹ Dạ, TP Huế) tranh giành khách mua hàng mè xửng của mình nên ông Nguyễn Ngọc Đức (SN 1981, trú xã Thủy Bằng,TP Huế) - đối tượng cò mồi, đã dùng tay, chân đánh liên tiếp vào người anh S gây thương tích…

du-lich1.jpg -0
Tình trạng hàng rong chèo kéo du khách ở Bến xe Nguyễn Hoàng gần khu vực Kinh thành Huế.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, việc xử lý quyết liệt các vấn nạn, hành vi ảnh hưởng môi trường du lịch đã góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Cố đô Huế.

Tuy nhiên, điều khiến không ít du khách thất vọng là tình trạng ăn xin, đeo bám chèo kéo du khách tại khu phố đêm, phố đi bộ tại Huế hay tình trạng cò mồi tại một số điểm bán hàng đặc sản địa phương vẫn còn tồn tại. Mới đây, vào dịp lễ 30/4 và 1/5, nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước khi dừng xe ở Bến xe Nguyễn Hoàng để đi bộ vào đường Cửa Ngăn (con đường dẫn vào cửa Thể Nhơn để vào bên trong Kinh thành Huế) đã bị nhiều phụ nữ bán hàng đeo bám mời mua nón, mũ, quạt… Nhiều du khách đã từ chối nhưng những người bán hàng vẫn đi theo mời chào gây cảm giác khó chịu cho du khách.

Đến Huế tham quan du lịch, nhiều du khách đến ăn uống tại các nhà hàng nằm trên đường Lê Quang Đạo (quận Thuận Hóa, TP Huế). Tại đây, nhiều du khách cũng như những người dân địa phương “tiếp” một số trẻ đến mời chào mua các mặt hàng như: kẹo, xoài, ổi…. Mặc dù những người khách không có nhu cầu nhưng một số trẻ em cứ đứng cạnh bên nài nỉ. Sau một hồi bị những người bán hàng rong “làm phiền”, có vị khách đành rút ví cho tiền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trẻ em bán hàng có tuổi dao động từ 7 đến 10 tuổi, sinh sống ở một số phường như: Phú Cát, Phú Hậu, Hương Sơ…. (quận Phú Xuân, TP Huế). Số trẻ em này được những người phụ nữ tuổi trung niên chở đến bằng xe máy, rồi cho chúng vào trong quán bán hàng. Sau khi quay trở ra, các trẻ lại được tiếp tục được chở đến các nhà hàng, quán ăn khác.

Tình trạng ăn xin biến tướng này cũng được chúng tôi ghi nhận ở các hàng quán ăn uống ở những tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng, khu phố Tây ở quận Thuận Hóa (TP Huế) - điểm đến của nhiều người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần để trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí và thưởng thức ẩm thực. Tại đây, thỉnh thoảng vẫn có những người ăn xin đến các quán ăn khiến nhiều thực khách cảm thấy khó chịu…

Mới đây, tại cuộc họp tìm giải pháp chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, môi trường du lịch trên địa bàn TP Huế, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Công an TP Huế, các ngành liên quan cùng các địa phương nghiên cứu, xây dựng đề án về việc thành lập đội liên ngành cấp thành phố để xử lý các vấn nạn về môi trường du lịch, dự kiến hoàn thành trong quý II năm nay.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp thông báo, tuyên tuyên, nâng cao kiến thức, ý thức cho các hộ kinh doanh và người tham gia trong ngành du lịch; nghiên cứu phương pháp về quản lý môi trường du lịch, đảm bảo trật tự đô thị, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, người dân tại các địa phương phát triển mạnh về du lịch như: Bắc Ninh, Ninh Bình…

Lãnh đạo UBND thành phố cũng giao UBND 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan, du lịch; bồi dưỡng kiến thức du lịch cho các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ và người bán hàng, đội ngũ người đạp xích lô nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh với khách du lịch.

Chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, môi trường du lịch, phân luồng, đậu đỗ xe, giám sát tại các điểm du lịch trên địa bàn mỗi quận (như cấm đường theo giờ, lắp đặt camera...); nghiên cứu đầu tư và mở rộng các bãi đỗ xe tại cửa Quảng Đức, khu vực đường Lê Duẩn…

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Du lịch có phương án chấn chỉnh việc hướng dẫn, giới thiệu không đúng về di tích, di sản làm ảnh hưởng đến hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách, hình ảnh, môi trường du lịch cũng như nghiên cứu phương thức bán vé khoa học, hợp lý cho du khách đảm bảo hiệu quả…

Công an TP Huế được giao tổ chức các đợt cao điểm để xử lý cương quyết các vấn nạn về trộm cắp, cướp giật, ma túy… đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và người dân. Chỉ đạo Công an các xã, phường phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xử lý nghiêm tình trạng cò mồi, chèo kéo khách du lịch, ăn xin, bảo kê... tại các điểm du lịch, tham quan, nhà hàng trên địa bàn thành phố. Tuyệt đối không để biến tướng làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thành phố.

Hải Lan
.
.