Ngược rừng lần theo dấu vết “lâm tặc”

Thứ Tư, 21/06/2023, 08:29

Tròn 20 năm viết báo ở dải đất miền Trung (nhiều nhất ở Quảng Trị), với tôi kỷ niệm vui thật nhiều và buồn không phải là ít. Trong đó phải kể tới những chuyến ngược rừng, hoặc một mình với chỉ người dẫn đường, hoặc cùng với cả đồng nghiệp, “nín thở” lần theo dấu vết “lâm tặc” để phản ánh tình trạng rừng đại ngàn ở đây bị chặt phá.

Sau mỗi chuyến đi, lắm lúc cũng giật mình sợ sệt và lo nghĩ đủ điều, nhưng rồi vì niềm đam mê với nghề lại khiến tôi tiếp tục lao vào những chuyến đi…

Năm 2007, khi tuyến đường phục vụ dân sinh, tuần tra biên giới từ cửa ngõ xã rẻo cao A Vao, huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) đi Palin là thôn xa nhất của xã này và giáp với nước bạn Lào vừa được san ủi mặt bằng, với chiều dài đường 23km, chúng tôi nhận được thông tin những cây rừng cổ thụ ở đó bị đốn hạ la liệt. Các đối tượng tổ chức cưa xẻ quy mô, vận chuyển gỗ ồ ạt ra bên ngoài và cách đó không xa, tập kết sẵn trong các nhà dân để bán cho các chủ buôn từ miền xuôi lên.

Ngược rừng lần theo dấu vết “lâm tặc” -0
PV Báo CAND (bên trái) tại hiện trường khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa bị chặt phá.

Thời điểm đó, đường từ Tà Rụt, Đakrông vào A Vao vẫn còn cấp phối, nhiều chỗ ổ gà, ổ voi và ngập nước rất khó đi lại. Vừa nhận được thông tin, chúng tôi tức tốc lên đường. Nhưng không có người dẫn đường vì bà con ở đây lo sợ những đối tượng khai thác rừng trái phép đều là những người quen mặt và có thể làm phiền đến họ trong cuộc sống lâu dài, chúng tôi vì thế phải tự tìm đường, lần mò nhiều giờ đồng hồ mới phát hiện được các điểm rừng bị đốn hạ.

Trước mắt chúng tôi, nhiều cây gỗ dổi 7 – 8 người ôm vừa bị cưa sát gốc, mủ thân cây ứa ra vẫn còn tươi ấm. Đáng nói, hầu hết gỗ bị cưa hạ nằm cách tuyến đường vừa được làm mặt bằng chỉ vài chục bước chân. Nhìn hiện trường, anh bạn đồng nghiệp nhận định, “lâm tặc” chỉ vừa rút lui ít phút, có thể ngay sau khi phát hiện người lạ xâm nhập. Chúng tôi vừa ghi hình, vừa đo, đếm gốc và thân cây, đến chạng vạng tối mới tạm xong công việc. Khi trở ra vừa đến Tà Rụt thì đồng hồ đã chỉ sang 22h đêm.

Sau khi Báo CAND đăng bài “Rừng đại ngàn A Vao bị đốn hạ la liệt” và phát hành trên các sạp báo bán tại TP Đông Hà, tôi được một người bạn công tác ở Báo Quảng Trị báo tin, sáng hôm đó có 3 người vào tìm hỏi về tác giả. Sau đó, họ liên lạc với tôi và tôi rất bất ngờ vì họ không phải là… “lâm tặc”, mà là cán bộ một đơn vị chức năng, có liên quan trực tiếp tới công việc mở đường nói trên. Họ nói rằng, trong quá trình giải phóng mặt bằng để thi công đường, do thiếu giám sát, một số đối tượng lợi dụng để khai thác rừng ngoài phạm vi cho phép.

Tuy nhiên, khi tôi chứng minh ngược lại rằng đây là hành vi phá rừng có chủ ý thì họ im lặng, sau đó muốn “bồi dưỡng” để được bỏ qua sự việc nhưng tôi không đồng ý. Vụ việc tiếp tục được Báo CAND phản ánh, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã vào cuộc, xử lý nghiêm.

Năm 2010, tôi được một nông dân ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) báo tin, rừng trồng phòng hộ đầu nguồn gần 20 năm tuổi trên địa bàn bỗng dưng bị thanh lý để trồng mới, nhưng giá bán rẻ như củi. Chưa hết, khoảng thời gian gần 10 ngày trước khi có quyết định thanh lý rừng của UBND tỉnh, nhiều điểm rừng kể trên bị “lâm tặc” ngày đêm tổ chức cưa trộm, vận chuyển ra bên ngoài ồ ạt. Do không rủ được người đi cùng, thông tin lại “nóng” nên tôi quyết định một mình liều lĩnh vào rừng.

Ngược rừng lần theo dấu vết “lâm tặc” -0
Nhiều cánh rừng già ở Quảng Trị bị “lâm tặc” đốn hạ.

Khi tôi vừa chạy xe máy được chừng 7km đường rừng nhỏ hẹp với vô vàn đèo dốc quanh co, hiểm trở thì bắt gặp những đoàn ôtô bán tải với những lớp cây gỗ tràm được chất cao hơn cabin xe nối đuôi nhau chạy rầm rập ngược ra bên ngoài, cuốn tung bụi đất. Quan sát thấy, cây gỗ được cắt chiều dài đều nhau chừng 4m, đường kính gốc cây còn “khủng” hơn so với một số gỗ rừng tự nhiên bình thường, với đường kính từ 50 – 60cm/gốc. Phát hiện ống kính của PV, nhiều lái xe dừng lại chửi bới và đe dọa. Có lái xe còn ép xe máy của PV vào sát lề đường và gốc cây rồi gầm rú, xả bụi mù mịt.

Sau khi Báo CAND đăng loạt bài “Bán rừng Nhà nước giá rẻ như củi”, có 2 cán bộ chức năng của huyện và tỉnh gọi điện đề nghị gặp để cung cấp thông. Tuy nhiên, khi gặp và sau một lúc nói chuyện vòng vo, họ muốn bồi dưỡng cho PV “một khoản tiền nước” để được bỏ qua sự việc. Thủ đoạn không thành, những ngày sau đó, một trong 2 người này liên tục gọi điện xin gặp lại PV.

Ngay lập tức, PV Báo CAND báo cáo sự việc với đồng chí Đại tá Lê Công Dung, Giám đốc Công an Quảng Trị (Đại tá Dung hiện nghỉ hưu, trú phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) và đồng chí Đại tá Lê Phương Nam, lúc đó là Trưởng Công an huyện Gio Linh, nay là Phó Giám đốc Công an Quảng Trị. Qua phối hợp với PV, Công an huyện Gio Linh đã sớm điều tra, làm rõ vụ việc. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện khởi tố, bắt tạm giam một bị can trong vụ án. Viện KSND và TAND huyện Gio Linh cũng đã nhanh chóng truy tố, xét xử và phạt tù bị cáo. Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gio Linh xử lý, kỷ luật nghiêm các cán bộ có liên quan vụ việc.

Trong các năm 2014 – 2016, PV Báo CAND phát hiện, phản ánh nhiều vụ việc khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Có thời điểm chỉ trong 6 tháng của năm 2016, trên địa bàn này xảy ra 2 vụ phá rừng quy mô lớn, bên cạnh hàng chục điểm rừng bị khai thác gỗ trái phép với khối lượng lớn, cây cối xung quanh bị chặt phá, đồi núi, sông suối bị đào gạt, san lấp phục vụ cho việc vận chuyển gỗ ra bên ngoài... Và, cứ mỗi lần lội suối, băng rừng, lần theo dấu “lâm tặc” như thế, là mỗi lần phải đối diện với bao hiểm nguy. Song, khi đã dấn thân vào nghề viết báo, đam mê nghề nghiệp lại khiến tôi quên tất cả những rủi ro luôn chực chờ, rình rập.

Trong những chuyến ngược rừng thời điểm đó, với tôi kỷ niệm vui buồn nhiều nhất là chuyến khám phá, tiếp cận vụ phá rừng ở Khe Cau, xã Vĩnh Hà. Nhận thông tin từ người dân cho biết đây là vụ phá rừng gây bức xúc và “nóng sốt”, tôi không kịp nghĩ đến việc rủ đồng nghiệp, một mình tức tốc lên đường và theo chỉ dẫn của bà con qua điện thoại, đi thẳng vào vùng rừng kể trên để tìm kiếm, ghi nhận hiện trường. Trước mắt tôi, cây cối bị cưa hạ ngổn ngang. Đối với cây lớn, “lâm tặc” cưa xẻ thành phách, còn cây nhỏ để nguyên nhưng cắt ngắn, chất cao thành từng đống lớn.

Vụ việc được tôi phản ánh qua bài viết “Rừng phòng hộ ở Vĩnh Hà vẫn đang bị chặt phá” đăng tải trên Báo CAND. Sau khi báo đăng, ông Trần Hữu Hùng, lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, nay là Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị, chỉ đạo tổ chức họp khẩn với các đơn vị chức năng liên quan. Sau đó, ông Hùng thông tin, trao đổi với PV, nội dung các cơ quan chức năng ở địa phương khẳng định không có việc phá rừng trên địa bàn như báo nêu.

Trước sự việc, PV đề nghị sẽ trực tiếp dẫn đường để cơ quan chức năng của huyện vào kiểm tra. Sáng hôm sau, tôi dùng xe máy chở một đồng nghiệp, có thêm anh Nam Bằng, PV Báo Quảng Trị đi cùng dẫn đường cho đoàn liên ngành của huyện vào điểm rừng Khe Cau. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao chỉ có mình chạy được xe máy, lại còn chở thêm người, trên con đường bùn đất lầy lội, rặt vết bánh ôtô tải ấy, trong khi tất cả những người còn lại chỉ chạy được một đoạn gần 100m phải bỏ lại xe ở bìa rừng để đi bộ vào.

Điều đáng nói, trước mắt đoàn kiểm tra, vụ việc “rõ như ban ngày” nhưng vị đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện này vẫn cứ tỏ ra bực tức. Anh ta nhiều lần rỉ tai nhà báo Nam Bằng, cho rằng anh ta phải lội rừng vất vả là do sự “tọc mạch” của PV Báo CAND (?!). Trước vụ việc phá rừng nghiêm trọng, Công an huyện Vĩnh Linh khởi tố vụ án để điều tra. Đối với UBND huyện Vĩnh Linh đã tổ chức kiểm điểm lãnh đạo các đơn vị gồm Phòng TN-MT, Phòng NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm huyện và lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hà.

 Cuối năm 2022, PV Báo CAND tiếp tục có loạt 14 tin, bài phát hiện, điều tra, phản ánh vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại rừng bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị). Sau khi báo đăng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng liên quan xử lý nghiêm vụ việc.

Thanh Bình
.
.