Trào lưu "Việt hóa" phim nước ngoài: Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Thứ Bảy, 04/03/2017, 08:03
Có thể nói "Sắc đẹp ngàn cân" là sự tiếp nối trong xu hướng làm phim "Việt hóa" từ nước ngoài. Thành công hay không vẫn phải hồi sau sẽ rõ. Nhưng trước đó, thành công đã đến với "Em là bà nội của anh" (phiên bản gốc Hàn Quốc), "Bạn gái tôi là sếp", "Yêu" (làm lại từ phim Thái Lan "The love of Siam").

Mới đây, diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh đã giới thiệu với công chúng dự án phim "Sắc đẹp ngàn cân" cùng thời điểm nhà biên kịch Châu Thổ bắt tay vào thực hiện "Việt hóa" dự án phim "Singles" (đều có nguồn gốc từ kịch bản Hàn Quốc). Như vậy, cùng với "Em là bà nội của anh", "Yêu", "Bạn gái tôi là sếp"... dự án phim của nghệ sĩ Trương Ngọc Ánh hay nhà biên kịch Châu Thổ cho thấy sản xuất phim từ kịch bản ăn khách của nước ngoài đang là một xu hướng mới với các nhà làm phim trong nước.

Dù đã 10 năm trôi qua nhưng những khán giả yêu điện ảnh xứ sở kim chi hẳn không lạ gì với bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân". Đây là một bộ phim ăn khách của điện ảnh Hàn Quốc, không chỉ tạo nên cơn sốt tại quê nhà mà còn đông đảo khán giả các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Những pha tình cảm hài hước trong phim thực sự mang lại những phút giây thư giãn thực sự sảng khoái với khán giả.

Liệu “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt có thành công như mong đợi?

Chia sẻ với báo chí, diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết chị chọn phim này vì rất tâm đắc với kịch bản gốc của Hàn Quốc. Cốt truyện chặt chẽ, logic, tính cách nhân vật hợp lý, thú vị... Đây là dự án phim hợp tác khá tâm huyết của Trương Ngọc Ánh.

Vai nữ chính Lily được giao cho diễn viên Minh Hằng, bên cạnh cô là Rocker Nguyễn - vai quản lý, Phương Trinh - đối thủ của Lily trong phim, Âu Bảo Ngân vai bạn thân Lily... Dự kiến phim sẽ ra mắt vào mùa hè, cùng thời điểm cạnh tranh với những bộ phim bom tấn mùa hè của thế giới.

Có thể nói "Sắc đẹp ngàn cân" là sự tiếp nối trong xu hướng làm phim "Việt hóa" từ nước ngoài. Thành công hay không vẫn phải hồi sau sẽ rõ. Nhưng trước đó, thành công đã đến với "Em là bà nội của anh" (phiên bản gốc Hàn Quốc), "Bạn gái tôi là sếp", "Yêu" (làm lại từ phim Thái Lan "The love of Siam").

Ngoài ra, không thể không kể tới việc sự thành công về mặt doanh thu của những bộ phim được mua kịch bản từ nước ngoài trước đó thực sự là một "cú hích" cho những nhà làm phim Việt bắt tay vào thực hiện những bộ phim kiểu này.

"Em là bà nội của anh" ra mắt vào dịp cuối năm 2015 ngay lập tức đã tạo thành một cơn sốt tại phòng vé, trong thời gian ngắn mang về doanh thu khủng cho nhà sản xuất. "Bạn gái tôi là sếp" mặc dù mang tiếng ra rạp "lỗi mùa", dù nhiều ý kiến khen chê nhưng cũng đã có được doanh thu đáng mơ ước với bất kỳ nhà làm phim nào.

Mua kịch bản phim nước ngoài không còn là chuyện lạ ở mảng phim truyền hình, thậm chí xu hướng ấy từng ở giai đoạn đỉnh cao và giờ đã thoái trào. Khán giả Việt đã chứng kiến không ít những bộ phim "Việt hóa" liên tục xuất hiện trên truyền hình như "Cô gái xấu xí", "Người mẫu", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Hoa dã quỳ"... Trong đó, không phải bộ phim nào cũng thu hút được đông đảo khán giả như phiên bản gốc.

Phim "Việt hóa" ở mảng điện ảnh xuất hiện muộn hơn, mới có từ một vài năm trở lại đây. Ban đầu, xu hướng này manh nha bằng những bộ phim có nội dung na ná những bộ phim ăn khách của thế giới. Đơn cử, nếu như thế giới có "The Hangover" là sêri phim hài nổi tiếng kể về nhóm 4 người bạn cùng du lịch Las Vegas trước đám cưới của một người trong nhóm thì Việt Nam có "Bộ ba rắc rối" với mô tuýp như vậy.

Ngoài ra, không thể không kể tới những cặp bài cùng ý tưởng như "Fast & Furious" và "Tốc độ và đường cong", "Due Date" và "Tèo em"...

Tất nhiên, phiên bản Việt khó có thể so sánh với phiên bản gốc về độ hài hước, sức hấp dẫn của cốt truyện cùng khả năng diễn xuất của diễn viên. Chỉ đến khi "Không nói được" là bộ phim mà phía nhà sản xuất xác nhận là phiên bản Việt của phim Thái Lan "Vị thần tình yêu" đã chính thức mở màn cho xu hướng "Việt hóa" phim truyện nhựa. Sắp tới, ít nhất có ít nhất 2 phim Hàn Quốc nữa được các nhà làm phim Việt hóa là "Sunny" và "Singles".

Một điều dễ thấy là chọn để "Việt hóa" vẫn chủ yếu là những phim tình cảm hài có nguồn gốc từ các nước thuộc khu vực châu Á, hay Đông Nam Á như Thái Lan, Hàn Quốc... Có lẽ, sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan và những điểm tương đồng văn hóa là lý do khiến các nhà làm phim Việt luôn hào hứng với kịch bản của các nước này.

Không có gì khó hiểu khi ngày càng có nhiều phim được "Việt hóa" từ những phim đình đám thế giới. Chỉ riêng việc tận dụng kịch bản, cốt truyện hấp dẫn vốn có giải quyết được một khâu quan trọng và khá đau đầu với các nhà làm phim hiện nay là kịch bản phim.

Thiếu kịch bản hay vẫn là một bài toán chưa có lời giải của điện ảnh Việt Nam. Nhiều trại sáng tác được tổ chức nhưng số lượng kịch bản có thể dựng thành phim ăn khách vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp ít.

“Em là bà nội của anh” là bộ phim “Việt hóa” khá thành công về mặt doanh thu.

Một số nhà sản xuất phim sử dụng kịch bản của các nhà biên kịch tự phát, chạy theo thị hiếu dễ dãi đã nếm trái đắng khi ra rạp. Chính vì thế, khuynh hướng "Việt hóa" phim ăn khách nước ngoài, bên cạnh lý do từ sức hút của phiên bản gốc, nhu cầu thay đổi khẩu vị cho khán giả thì còn là giải pháp trước mắt cho tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay.

Chính vì từng là phim ăn khách ở nước sở tại nên những bộ phim "Việt hóa" này thường khiến khán giả tò mò ngay từ khi chưa ra rạp. Và chắc chắn cũng không tránh khỏi những so sánh với phiên bản gốc. Sự thành công ở phương diện bán vé của một số bộ phim "Việt hóa" thời gian vừa qua cho thấy không hẳn vì những phim ấy được "Việt hóa" xuất sắc mà vì trong tương quan với khá nhiều những bộ phim thuần Việt bị gắn mác "thảm họa" thì những bộ phim ấy lại trội hơn cả.

Chỉ riêng kịch bản hấp dẫn, cuốn hút đã khiến khán giả hài lòng thay vì xem những bộ phim thuần Việt nhảm nhí, gượng ép từ đầu tới cuối. Rõ ràng, đứng trong một dàn những phim có kịch bản viết qua loa, chạy theo thị hiếu tầm thường, những bộ phim "Việt hóa" lại trội hơn hẳn về chất lượng.

Nhiều người dự đoán rằng trào lưu "Việt hóa" phim nước ngoài sắp tới sẽ bùng nổ và lấn át các dòng phim khác. Bởi trong hoàn cảnh hiện nay, đó có lẽ là cách dễ nhất để những nhà sản xuất phim thu hồi vốn.

Những nhà làm phim chọn cách "Việt hóa" phim ăn khách cũng đồng nghĩa với việc hướng tới mục tiêu doanh thu hơn là những sáng tạo trong nghề. Mặc dù, để Việt hóa thành công cũng không phải là chuyện đơn giản.

Cái khó với những nhà làm phim "Việt hóa" là làm sao giữ được cốt truyện gốc nhưng vẫn phù hợp với văn hóa Việt Nam. Làm sao để khán giả Việt thấy rằng, dù phiên bản gốc ở đâu nhưng câu chuyện mà đạo diễn đang kể phải là câu chuyện của người Việt, của đời sống Việt. Bài học từ sự thoái trào của dòng phim truyền hình được "Việt hóa" chính là bởi khán giả thấy các bộ phim nói tiếng Việt nhưng ngày càng xa lạ với khán giả trong nước.

Tuy nhiên, dù đang có khá nhiều thuận lợi như vậy nhưng các nhà làm phim cũng phải cân nhắc khi lựa chọn kịch bản Việt hóa. Có thể ban đầu, khán giả đổ xô đi xem  vì thấy lạ, thấy hay nhưng khi xuất hiện nhan nhản thì sẽ dễ dẫn tới cảm giác nhàm chán. Và vì là trào lưu nên chắc chắn chỉ mang tính thời vụ. Nhiều người trong nghề cảnh báo các nhà làm phim cần quan tâm lựa chọn những kịch bản hay, đừng đổ xô đi mua kịch bản rẻ tiền, nội dung không phù hợp kẻo tốn tiền, mất công.

Khi xu hướng làm phim "Việt hóa" trở thành trào lưu thì liệu có đáng lo ngại? Khách quan mà nói, trào lưu này chỉ như một cách để các đạo diễn thay đổi khẩu vị cho khán giả trong nước mà thôi. Thực tế thì nó đáng buồn hơn là đáng lo.

Những phim "Việt hóa" ấy dù ăn khách đến mấy cũng không thể là niềm tự hào tại Liên hoan phim trong nước hay đại diện của Việt Nam ở các Liên hoan phim quốc tế. Đó có lẽ chỉ là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh chưa tìm được những kịch bản Việt ưng ý. Còn với những đạo diễn chuyên nghiệp, tâm huyết thì họ vẫn khát khao và dành trọn đam mê nghề nghiệp của mình cho những tác phẩm thuần Việt. Cũng như khán giả Việt vẫn chờ mong và hy vọng vào những tác phẩm điện ảnh thuần Việt đỉnh cao.

Khánh Thảo
.
.