Trào lưu Việt hoá phim Hàn Quốc: Rượu mới thua xa rượu cũ

Thứ Ba, 03/08/2010, 08:04
Có một nghịch lý là hiện nay, khi làn sóng phim Hàn Quốc đang giảm nhiệt trên tất cả các kênh truyền hình thì thể loại phim Việt hóa kịch bản gốc Hàn Quốc lại đang nở rộ. "Anh em nhà bác sĩ" là một trong những bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc mở đầu cho làn sóng phim của xứ sở kim chi trên truyền hình Việt Nam từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, sự ra mắt rầm rộ của bộ phim "Anh em nhà bác sĩ" (phiên bản Việt) đã thêm một lần nữa cho thấy trào lưu Việt hóa phim Hàn Quốc vẫn đang được các đạo diễn ưa chuộng. Như vậy, sau "Lẵng hoa tình yêu", "Có lẽ nào ta yêu nhau", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Lối sống sai lầm", "Dù gió có thổi"... thì danh sách những bộ phim kiểu này đang được tiếp tục nối dài. Nhiều người cho rằng, đó là sự lựa chọn an toàn của các nhà sản xuất phim hiện nay. Tuy nhiên, thực tế,  đã có không ít trường hợp phim Việt hóa thất bại.

1. Có một nghịch lý là hiện nay, khi làn sóng phim Hàn Quốc đang giảm nhiệt trên tất cả các kênh truyền hình thì thể loại phim Việt hóa kịch bản gốc Hàn Quốc lại đang nở rộ. "Anh em nhà bác sĩ" là một trong những bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc mở đầu cho làn sóng phim của xứ sở kim chi trên truyền hình Việt Nam từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Đây cũng là một trong những bộ phim thành công của điện ảnh Hàn Quốc, để lại nhiều dấu ấn với công chúng Việt. Cũng từ phim này mà những diễn viên như Jang Dong Gun, Lee Young Ae trở thành thần tượng của nhiều khán giả Việt Nam. Chính bởi sự thành công mà "Anh em nhà bác sĩ" Hàn Quốc đạt được, Công ty Vietcom đã chính thức mua lại 16 tập kịch bản gốc và Việt hóa thành phim dài 30 tập. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên "sao" của Việt Nam với những gương mặt như Chi Bảo, Minh Luân, Trang Nhung, Minh Thư, Kha Ly…

Biết chắc áp lực đè nặng trên vai những người đi sau nên trước khi phim công chiếu, đạo diễn Cao Minh đã chia sẻ với báo chí về những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này. Theo đạo diễn Cao Minh, anh chịu khá nhiều sức ép vì biết chắc chắn sẽ bị đem ra so sánh với bản gốc hoàn hảo.Vì vậy, đoàn làm phim mong muốn rằng khán giả đừng so sánh hai phim này với nhau mà hãy xem đây như là một bộ phim Việt với bối cảnh và con người Việt Nam. Còn nhà biên kịch Trần Nhã Thụy, người trực tiếp Việt hóa kịch bản này cho biết ban đầu, dự định sẽ để nguyên kịch bản gốc vì bản gốc đó quá hoàn hảo. Tuy nhiên, cuối cùng, các nhà sản xuất đã quyết định Việt hóa tới 80%. Anh chỉ giữ lại cốt truyện, còn toàn bộ bối cảnh, lời thoại đều được viết mới hoàn toàn. Nhà biên kịch Trần Nhã Thụy cũng hy vọng khi xem phim, khán giả sẽ không còn cảm thấy hơi hướng của xứ sở kim chi trong đó nữa.

Với những khán giả chăm xem phim truyền hình trong nước đều biết "Anh em nhà bác sĩ" không phải là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc được Việt hóa và chắc chắn cũng sẽ chưa phải là bộ phim cuối cùng. Khán giả hẳn chưa quên bộ phim "Ngôi nhà hạnh phúc" cũng được Việt hóa từ bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hàn Quốc dưới bàn tay của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cùng dàn diễn viên "hot" của giới showbiz Việt: Minh Hằng, Lương Mạnh Hải, Thủy Tiên, ca sĩ Lam Trường…

Ba nhân vật chính trong phim "Anh em nhà bác sĩ" phiên bản Việt.

Ngay sau khi "Ngôi nhà hạnh phúc" kết thúc, M&T Picture, một "đại gia" trong làng sản xuất phim truyền hình tiếp tục khởi quay "Lối sống sai lầm" làm lại từ tác phẩm cùng tên của Hàn Quốc từng rất ăn khách khi chiếu ở Việt Nam năm 2005. Một điều đặc biệt ở phim "Lối sống sai lầm" phiên bản Việt là cả đạo diễn Oh Seung và quay phim Lee Woon Hak đều là người Hàn Quốc. Dàn diễn viên trong "Lối sống sai lầm" phiên bản Việt cũng đều là những gương mặt sáng của điện ảnh Việt Nam, có nhiều nét na ná diễn viên Hàn Quốc đóng trong phim gốc như Hà Kiều Anh, Anh Thư, Kim Hiền, Lương Thế Thành…

Tiếp nữa, một bộ phim cũng vừa được Trí Việt Media và Hãng phim Chánh Phương phối hợp thực hiện với độ dài kỷ lục 200 tập là "Dù gió có thổi". Vì phim dài tập nên  sẽ có nhiều đạo diễn cùng bắt tay vào thực hiện từ Charlie Nguyễn, sau tới Thái Hòa, Phương Điền.

2. Điều dễ dàng nhận thấy là các bộ phim Hàn Quốc được Việt hóa này đều là những bộ phim thành công ở Hàn Quốc và các nước trong khu vực. Các nhà sản xuất khi bắt tay vào thực hiện những dự án phim này, bên cạnh khâu kịch bản được Việt hóa đều rất quan tâm tới dàn diễn viên. Bởi phim Hàn Quốc nổi tiếng lâu nay là có dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp. Chính vì thế, các diễn viên được chọn đều là những người có ngoại hình bắt mắt, hấp dẫn khán giả. Bối cảnh phim được chuẩn bị kỹ càng, công phu, kỹ thuật quay cũng chú ý để có những khuôn hình lãng mạn theo kiểu Hàn Quốc.

Một số đạo diễn từng thực hiện những bộ phim dạng này đều cho rằng, họ luôn phải chịu áp lực từ phim gốc. Chưa kể, dư luận mang sẵn tâm lý, phim Việt hóa đều kém sáng tạo nên để thuyết phục khán giả là điều không dễ. Có lẽ vì thế, các đạo diễn cũng vận đủ ngón nghề để hy vọng việc Việt hóa thành công. Người thì cố gắng sao cho thật giống với bản gốc, người lại muốn tránh xa bản gốc càng nhiều càng tốt. Suy cho cùng, việc giống hay không giống cũng không quan trọng, miễn là nhà sản xuất có được một bộ phim hay, hấp dẫn khán giả.

Nhưng, đã có những bộ phim Việt hóa phim Hàn Quốc thất bại. Nguyên nhân quan trọng là các nhà sản xuất đã dựng những bộ phim hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt Nam, lại do chính những diễn viên Việt Nam thủ vai. Tiêu biểu trong số đó phải kể tới "Có lẽ nào ta yêu nhau" (đạo diễn Tống Thành Vinh). Bộ phim truyền hình nhiều tập được dựng từ kịch bản "Anh em sinh đôi” của Hàn Quốc. Nếu như ở phim gốc là câu chuyện xúc động về cô bé đi tìm người anh song sinh và người cha thất lạc của mình với nhiều tình tiết éo le, cảm động thì tới phiên bản Việt, cốt truyện thiếu kịch tính, mạch phim cứ chậm chạp trôi theo những khung ảnh dài dòng, không điểm nhấn, gây sự nhàm chán cho người xem. Không chỉ có vậy, các nhân vật trong phim đều rời rạc, tính cách thuộc diện "không thể hiểu nổi". Chưa kể, ở phim gốc, khán giả nhận thấy mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên trong gia đình thì ở phim Việt hóa chỉ thấy sự giàu có, xa hoa, khác xa với đời thực.

Một điểm gây thất bại nữa là ở cách thể hiện, sự lạm dụng các kỹ thuật quay khiến người xem có cảm giác như xem video clip ca nhạc ướt át. Quá nhiều cảnh quay chậm gây sốt ruột cho người xem và tạo cảm giác nhàm chán, lê thê, bực bội.

Đâu chỉ dừng lại ở "Có lẽ nào ta yêu nhau" mà "Ngôi nhà hạnh phúc" cũng không được thành công như mong đợi, mặc dù phim được giao cho đạo diễn trẻ, có nhiều "mẹo" làm phim như Vũ Ngọc Đãng, quy tụ một dàn diễn viên toàn là những tên tuổi "hot" của giới showbiz. Việc diễn tả tâm lý nhân vật đi từ ghét sang yêu nhau của hai nhân vật chính khó thuyết phục, logic như bản gốc. Diễn xuất của cặp đôi Lương Mạnh Hải - Minh Hằng lại thua xa so với cặp diễn viên của Hàn Quốc khi vào vai này.

Không bị lỗi ở phần kịch bản như các phim Việt hóa khác, kịch bản phim "Lối sống sai lầm" khá hay, chặt chẽ, những mâu thuẫn gay cấn từ âm ỉ đến vỡ òa, sự uất nghẹn, đau khổ, day dứt của nhân vật là điều khán giả cảm nhận được. Tuy nhiên, xem "Lối sống sai lầm" kiểu Việt dưới góc quay của những nghệ sĩ Hàn, khán giả cảm thấy bóng dáng Hàn Quốc quá đậm nét từ những chi tiết nhỏ như bàn ăn kiểu Hàn Quốc (có chân thấp, ngồi bệt xuống nền nhà) đến cách diễn xuất của diễn viên Việt Nam cũng na ná kiểu Hàn. Lời thoại và cách ứng xử trong nhiều tình huống không đúng với tâm lý, thói quen của người Việt.

3. Rõ ràng, phim Việt hóa, nếu làm không khéo, giữa quan niệm, lối sống, tâm lý nhân vật giữa 2 nền văn hóa Việt - Hàn khác nhau, công tác biên kịch chưa tốt thì khó tìm được sự đồng cảm của tác giả.

Các nhà chuyên môn cho rằng, xu hướng Việt hóa phim Hàn Quốc này sẽ còn kéo dài vài ba năm nữa. Nó bắt nguồn từ thực tế xu hướng làm phim truyền hình thời gian gần đây đòi hỏi những dự án dài hơi, hàng chục, hàng trăm tập. Một loạt kênh truyền hình nở rộ đòi hỏi số lượng lớn phim dài tập để lấp cho đầy sóng. Nhiều công ty tư nhân nhảy vào lĩnh vực sản xuất phim tạo nhu cầu lớn về kịch bản. Trong khi khả năng của các nhà biên kịch nội chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên con đường Việt hóa phim Hàn Quốc ngày càng sôi động và được coi như một giải pháp an toàn. Tuy nhiên, nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng thì giải pháp tưởng như an toàn này sẽ trở thành giải pháp tốn kém và lãng phí mà thực tế, khán giả vẫn "đói" phim hay để xem

Khánh Thảo
.
.